Tỷ phú, nhà sáng lập Vietjet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo vừa có cuộc gặp gỡ với các đối tác chiến lược từ nhiều nơi trên thế giới tại dinh thự Mar-a-Lago của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong sự kiện “Friends of Vietnam Summit” từ ngày 9-11/1.

Đây là sự kiện đáng chú ý trong quan hệ kinh tế Mỹ - Việt, trước thời điểm ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng (20/1).

Việc VietJet đẩy mạnh mua máy bay Boeing của Mỹ không chỉ giúp tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước mà qua đó còn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng không cũng như tăng cường kết nối trong nước cũng như với thế giới.

Theo VietJet, trong năm 2025, 14 chiếc tàu bay 737 Max sẽ được Boeing giao cho Vietjet. Năm 2017, theo gợi ý của Tổng thống Trump, Vietjet đã đặt mua 100 tàu bay, nâng tổng số lượng máy bay VietJet đặt mua từ Boeing lên 200 chiếc 737 Max.

Đây là thương vụ lớn của VietJet. Ước tính với khoảng 100 triệu USD mỗi chiếc, tổng giá trị hợp đồng có thể lên tới 20 tỷ USD. Với thương vụ mua lô lớn, nhiều khả năng giá chiết khấu có thể rất hấp dẫn, mang lại lợi ích cho cả VietJet và nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ.

Các thương vụ của VietJet là các thỏa thuận mua - bán máy bay thương mại lớn nhất trong ngành hàng không Việt Nam từ trước đến nay và cũng là lớn nhất tại châu Á với mẫu máy bay B737 Max.

VJC2025Jan9 MsThaothamMy.gif
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã có cuộc gặp gỡ các đối tác chiến lược từ nhiều nơi trên thế giới tại Mỹ từ ngày 9-11/1. Ảnh: VJC

Đẩy mạnh mua hàng hóa Mỹ

Từ năm 2011 đến nay, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và hiện chiếm gần 30% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất, thủy sản, nông sản...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, không chỉ máy móc cho sản xuất mà cả hàng nông sản.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2024, cả nước nhập khẩu hơn 15,1 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, tăng hơn 9,4% so với mức hơn 13,8 tỷ USD trong năm 2023.

Trong đó, nhập máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 4,34 tỷ USD, so với mức hơn 3,8 tỷ USD trong năm 2023; nhập máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Mỹ lên gần 1,1 tỷ USD, so với mức gần 919 triệu USD trong năm 2023.

Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ Mỹ trong năm 2024 cũng đạt gần 1,02 tỷ USD, tăng mạnh so với mức gần 762 triệu USD trong năm trước đó.

Năm 2024, Việt Nam cũng nhập gần 784 triệu USD chất dẻo nguyên liệu từ Mỹ, so với mức 717 triệu USD của năm 2023. Nhập dược phẩm từ Mỹ là gần 513 triệu USD, so với mức 393 triệu USD. Rau quả là 544 triệu USD, so với 332 triệu USD năm 2023.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng khác từ Mỹ lại giảm, như: bông (681 triệu USD, so với 912 triệu USD), hóa chất (637 triệu USD, so với 683 triệu USD)...

Tăng trưởng thương mại từ đối tác chiến lược toàn diện

Trong nhiều năm qua, Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và thường xuyên bị chính quyền nước này đưa vào danh sách theo dõi, giám sát có thao túng tiền tệ hay không.

Việc Mỹ xem xét một nước có thao túng tiền tệ hay không dựa vào 3 tiêu chí: thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ (không quá 15 tỷ USD); thặng dư cán cân vãng lai (không vượt quá 3% GDP); can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ.

Tiêu chí thứ 3 dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương tính trong 12 tháng.

Nếu một đối tác thương mại lớn với Mỹ vượt ngưỡng 2 trong 3 tiêu chí trên, Mỹ sẽ đưa vào "danh sách giám sát". Quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo tiếp theo.

Theo kết luận công bố hồi tháng 11/2024, Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Bộ Tài chính Mỹ đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Trên thực tế, thặng dư thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã mở rộng đáng kể trong 6 năm qua, chủ yếu do tăng trưởng trong thương mại hàng hóa, dẫn đầu là hàng điện tử và máy móc. Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam và Mỹ trong năm 2024 là 104,4 tỷ USD (Việt Nam xuất 119,5 tỷ USD). Việt Nam xếp thứ 3 trong số các đối tác thương mại chính của Mỹ về thặng dư thương mại, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Khi một nước bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ sẽ không được phép tham gia vào các hợp đồng kinh tế với Chính phủ Mỹ, đồng thời có thể áp dụng thuế quan và các rào cản thương mại.

Việc tăng cường nhập hàng hóa của Mỹ để giảm bớt thặng dư thương mại được xem là một giải pháp duy trì mối quan hệ kinh tế tích cực giữa hai quốc gia.

Việt Nam có thể tập trung nhập những mặt hàng quan trọng cho sự phát triển của quốc gia, như: máy móc cho nhà máy nhiệt điện (phục vụ cơ sở hạ tầng), mua máy bay, sản phẩm công nghệ cao...

Khi các tập đoàn lớn tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao của Mỹ, vừa giúp gia tăng hiệu quả và triển vọng kinh tế trong nước, vừa giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Mỹ là quốc gia có công nghệ hàng đầu trên thế giới, đặc biệt công nghệ chip, công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ về năng lượng tái tạo... Việc hợp tác với các doanh nghiệp như Nvidia, Apple, SpaceX... là hợp với xu hướng phát triển của kinh tế Việt Nam.