Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) vừa khởi động Dự án Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022.
Đây là báo cáo đầu tiên cung cấp một bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện, đa chiều với điểm nhấn là 11 lĩnh vực nổi bật: Ngành hàng tiêu dùng nhanh, Bán lẻ, Giáo dục, Tài chính, Chăm sóc sức khỏe, Martech & Salestech, Logistics & Chuỗi cung ứng, Phát triển bền vững, Nông nghiệp, Du lịch và Lữ hành, Blockchain & Crypto.
Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động, trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã nhảy từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Sự tăng trưởng được thể hiện cụ thể qua cả tỷ lệ vốn rót vào thị trường và số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư khởi nghiệp đang hoạt động. Trong đó, những nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc và Singapore chiếm 30%.
Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022 cho thấy, Covid-19 được nhận định là chất xúc tác thúc đẩy các mô hình kinh doanh độc đáo phát triển mạnh mẽ. Đại dịch đã tạo ra thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp với làn sóng chuyển dịch lên trực tuyến.
Các ngành hàng như thương mại điện tử (E-commerce), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ y tế (Medtech), công nghệ giáo dục (Edtech), truyền thông trực tuyến (Online media), và các giải pháp số cho doanh nghiệp được dự báo sẽ tạo bứt phá trong thu hút đầu tư.
Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao đang lên” của khu vực. Đây sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới do có lợi thế về môi trường chính trị ổn định và tốc độ kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia chỉ ra rằng, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã trở lại sau một năm đầy sóng gió.
Số lượng giao dịch trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt 108 thương vụ. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư vào thị trường 9 tháng đầu năm 2021 là 604 triệu USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, số thương vụ gọi vốn 500.000 USD - 3 triệu USD tăng gấp 2.58 lần so với cùng kỳ năm trước. Có sự dịch chuyển trong tỷ lệ phân bổ đầu tư ở các giai đoạn, tăng tỷ trọng các vòng 500.000 USD - 3 triệu USD và 3 triệu - 10 triệu, đồng thời giảm đầu tư vào những startup gọi vốn giai đoạn pre-seed (tiền hạt giống) và seed (hạt giống).
Thanh toán và bán lẻ vẫn là hai lĩnh vực chủ đạo được nhiều nhà đầu tư quan tâm xuyên suốt nhiều năm, từ 2016 đến nay. Lượng vốn đổ vào một số lĩnh vực mới nổi như giáo dục, y tế, và tự động hóa doanh nghiệp cũng tăng đáng kể so với năm 2020, trong đó lĩnh vực y tế nhận số vốn cao kỷ lục.
Trọng Đạt