Chuyên gia ITU đánh giá cao kiến thức của các kỹ sư Việt Nam cũng như sự đầu tư trong thử nghiệm 5G của Việt Nam. |
Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) hôm nay, ngày 14/1/2020 cho biết, thực hiện định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2020 về vươn lên làm chủ các công nghệ nền tảng và triển khai mạng thông tin di động 5G, VNNIC vừa phối hợp với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức thành công chương trình đào tạo triển khai IPv6 trong mạng 5G.
Diễn ra trong 5 ngày từ ngày 6/1 đến 10/1/2020, chương trình đào tạo được triển khai cho 20 kỹ sư của 4 nhà mạng di động lớn tại Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai mạng 5G phù hợp với tiêu chuẩn và xu thế công nghệ toàn cầu.
Theo thống kê của Trung tâm thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), tính tới tháng 1/2020, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt 40,31%. Internet Việt Nam được chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện sang thế hệ mới sử dụng địa chỉ IPv6 nhằm làm chủ, đáp ứng nhu cầu triển khai các công nghệ mới, dịch vụ chất lượng cao như IoT, 5G, Big Data…
“Trên cơ sở các yếu tố đi đầu về ứng dụng IPv6, ITU đã lựa chọn Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực để tổ chức Chương trình đào tạo triển khai IPv6 trong mạng 5G, nhằm thúc đẩy ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của doanh nghiệp di động và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc triển khai mạng di động 5G một cách hiệu quả”, đại diện VNNIC cho hay.
Ông Trần Minh Tân, Phó Trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam phát biểu tại chương trình đào tạo IPv6 trong mạng 5G. |
Trong phát biểu với các học viên tham dự chương trình đào tạo triển khai IPv6 trong mạng 5G, Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân, Phó Trưởng Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia nhấn mạnh: “Việc ứng dụng địa chỉ IPv6 trong phát triển công nghệ 5G là tất yếu bởi IPv6 là công nghệ mặc định trong mạng di động 5G, đáp ứng các yêu cầu về công nghệ và không gian địa chỉ. Mạng 5G trên nền tảng IPv6 sẽ là chìa khóa để tiến tới thế giới vạn vật - Internet of Things và điện toán đám mây -Cloud Computing trong tương lai”.
Bên cạnh số lượng địa chỉ khổng lồ, thiết kế của IPv6 với 128 bít chiều dài cho phép mã hoá kết nối đầu cuối – đầu cuối, định tuyến linh hoạt, đơn giản mạng lưới, loại bỏ công nghệ biên dịch. Vì vậy, giao thức IPv6 hỗ trợ mạng lưới di động tốt hơn, cho phép trải nghiệm tới người dùng tốt hơn và hỗ trợ bảo mật nhiều lớp.
Hiện nay, tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu, các doanh nghiệp đi đầu trong công nghệ cao đang đẩy mạnh đầu tư và thử nghiệm để sớm cung cấp dịch vụ 5G thương mại. Việc triển khai IPv6 trong mạng lưới di động nói chung cũng như mạng 5G nói riêng đang được tiến hành mạnh mẽ.
Các kỹ sư của tập đoàn Viettel hoàn thành chương trình đào tạo triển khai IPv6 trong mạng 5G với thành tích cao nhất. |
Được hướng dẫn bởi Giáo sư Sureswaran Ramadass - Chủ tịch Trung tâm ITU/UN IPv6 and IoT Centre of Expertise tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia (MUST) và Giảng viên Navaneethan C Arjuman của ITU, Chương trình đào tạo triển khai IPv6 trong mạng 5G với sự tham dự tích cực của các kỹ sư đến từ 4 nhà mạng di động lớn tại Việt Nam gồm tập đoàn Viettel, VNPT, MobiFone và Vietnammobile.
Chương trình đào tạo tập trung vào các nội dung: giới thiệu về cấu trúc mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), giới thiệu về địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 và hướng dẫn chuyển đổi IPv6 trong mạng di động 5G, thực hành kết nối lab về phân bổ địa chỉ IPv6 trong mạng di động 5G…
Tại khóa đào tạo, Giáo sư Sureswaran Ramandass, Chủ tịch MUST khẳng định, chương trình đào tạo là một trong những hoạt động khởi đầu năm 2020, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ITU trong việc kết nối, phát triển Internet và ứng dụng công nghệ mới.
“Chúng tôi đánh giá cao kiến thức của các kỹ sư Việt Nam cũng như sự đầu tư trong thử nghiệm 5G của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao IPv6 và định hướng, lộ trình triển khai 5G của Việt Nam đang đi đúng với xu thế của những đi đầu thế giới”, Giáo sư Sureswaran Ramandass chia sẻ.