Việt Nam nằm trong Top 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ ứng dụng IPv6 | Tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã đạt trên 38%

Ông George Kuo, Giám đốc dịch vụ APNIC trao đổi tại hội thảo về triển khai IPv6 cho đô thị thông minh trong khu vực ASEAN.

Hội thảo về triển khai IPv6 cho đô thị thông minh trong khu vực ASEAN vừa được khai mạc sáng nay, ngày 21/11/2019 tại Hà Nội.

Diễn ra trong 2 ngày 21 – 22/11/2019 và là sự kiện do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia chủ trì tổ chức, hội thảo quốc tế về triển khai IPv6 cho đô thị thông minh trong khu vực ASEAN nhằm tăng cường vai trò, hình ảnh của Việt Nam trong thúc đẩy tài nguyên Internet nói riêng, góp phần thúc đẩy các ứng dụng, công nghệ mới nói chung cho khu vực ASEAN.

Bên cạnh đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam gồm VNNIC, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Tin học hóa, Cục Bưu điện Trung ương, Cục Viễn thông thuộc Bộ TT&TT và một số doanh nghiệp trong nước đi đầu trong công tác ứng dụng triển khai IPv6, hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) và các chuyên gia đến từ các nước khác trong khu vực ASEAN.

Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT nhấn mạnh, các nước khu vực ASEAN đã triển khai IPv6 nhưng ở các cấp độ khác nhau. Do đó, việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước ASEAN là rất cần thiết. Hiện nay, ASEAN có nhiều chương trình để thúc đẩy IPv6. Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong triển khai IPv6, trong đó nỗ lực của VNNIC với vai trò thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia là rất lớn.

Trao đổi tại hội thảo, ông George Kuo, Giám đốc dịch vụ APNIC nhận định, Internet đang tiếp tục phát triển với quy mô rộng khi số người sử dụng Internet tăng, công nghệ thay đổi nhanh chóng, tài nguyên IPv4 cạn kiệt... “IPv6 cho phép đồng bộ có cấu trúc, tích hợp định tuyến, giảm chi phí đầu tư và vận hành, cho phép các đầu tư cho các mạng quy mô lớn với các mô hình đơn giản hơn, người sử dụng Internet được hưởng lợi khi truy cập Internet nhanh, an toàn… theo đó việc triển khai IPv6 là cần thiết”, ông George Kuo nói.

Đánh giá cao nỗ lực triển khai IPv6 tại Việt Nam, đại diện APNIC cho hay, hiện Việt Nam đứng Top 10 thế giới và Top 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ ứng dụng IPv6.

Việt Nam nằm trong Top 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ ứng dụng IPv6 | Tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã đạt trên 38%

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, thành viên Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia chia sẻ kinh nghiệm triển khai IPv6 của Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai IPv6 của Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, thành viên Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết, từ năm 2011, Việt Nam đã có kế hoạch hành động quốc gia về triển khai IPv6 theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn chuẩn bị (2011 - 2012);

Giai đoạn triển khai (2013 – 2015) với các công việc như chuyển đổi mạng với sự hỗ trợ cả IPv4 và IPv6, hình thành hạ tầng mạng quốc gia IPv6, cung cấp các dịch vụ thử nghiệm IPv6; Giai đoạn hoàn thành 2016 – 2019 đảm bảo hoạt động của mạng Internet Việt Nam hoạt động dựa trên công nghệ IPv6. Tháng 5/2019, đã chính thức công bố cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng IPv6 tại Việt Nam và kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Việt Nam nằm trong Top 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ ứng dụng IPv6 | Tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã đạt trên 38%

Thời điểm hiện tại, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam, theo số liệu của APNIC Lab, là 39,48% (Nguồn ảnh: apnic.net)

Cho biết cùng với Malaysia, Việt Nam đang là một trong hai nước đi đầu về triển khai IPv6 tại khu vực ASEAN, ông Nguyễn Hồng Thắng cũng thông tin: Việt Nam hiện có khoảng 64,5 triệu người sử dụng Internet, trong đó 20 triệu người sử dụng kết nối IPv6.

Thành viên Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho rằng, Việt Nam thành công trong chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 nhờ triển khai đồng bộ, bài bản nhiều nội dung công việc, đặc biệt là đã có nhiều chính sách hỗ trợ như về thuế cho việc mua sắm các thiết bị công nghệ cao hỗ trợ IPv6; quy định các thiết bị Internet, các sản phẩm CNTT khi mua sắm, sản xuất mới bắt buộc phải tương thích IPv6. Các cổng thông tin điện tử, các trang web, xây cơ quan nhà nước... cũng được yêu cầu phải chuyển đổi sang IPv6.

Cùng với đó, các hoạt động về truyền thông, đào tạo - huấn luyện đội ngũ (hiện đã có 1.800 người tham gia), tổ chức các hội thảo, học hỏi kinh nghiệm… cũng đã được Việt Nam tổ chức thường xuyên và liên tục.

“Chúng tôi cũng có ngày IPv6 Việt Nam để tổ chức hội thảo quốc gia và các hoạt động nâng cao nhận thức IPv6, mang lại nhiều cơ hội cho người sử dụng Interrnet. Các đơn vị tiên phong triển khai IPv6 là các cơ quan nhà nước. Sau năm 2019, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy IPv6 cho các nhà cung cấp nội dung, cơ quan nhà nước, 5G, IoT, thành phố thông minh”, ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết.

Cũng tại hội thảo, ông Engr. Benjz Gerard M. Sevilla, đại diện Phillipines đã giới thiệu tổng quan dự án hệ sinh thái ICT thông minh được Hội nghị Bộ trưởng CNTT (TELMIN) lần thứ 18 thông qua nhằm xác định và hình thành kiến trúc mong muốn, ICT thích ứng cho thiên tai và vai trò của triển khai IPv6 cho thành phố thông minh.

Được biết, sau hội thảo quốc tế về triển khai IPv6 cho đô thị thông minh trong khu vực ASEAN, sẽ có những khuyến nghị cho Nhóm công tác về Viễn thông - CNTT ASEAN (TELSOM) và Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông - CNTT ASEAN (TELMIN) để có những hướng dẫn trong các nước ASEAN triển khai IPv6 trong các năm tới.