Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra trong chương trình hội thảo “Lợi ích khi áp dụng điện toán đám mây cho AI và phục hồi kinh doanh” do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức sáng 9/7.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, năm 2020 được dự báo sẽ là năm của điện toán đám mây khi phần lớn khối lượng công việc sẽ được chuyển dần sang đám mây. Các chuyên gia cũng dự báo, trong 2-3 năm tới, điện toán đám mây sẽ thực sự bùng nổ và trở thành một nhân tố quan trọng cho việc phát triển cách mạng 4.0 ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, sử dụng điện toán đám mây cho AI và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đang là giải pháp mang tính xu hướng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành với mục tiêu chia sẻ những lợi ích khi áp dụng điện toán đám mây cho AI và phục hồi kinh doanh.

Lợi thế khi triển khai sớm AI và điện toán đám mây

{keywords}
Các chuyên gia thảo luận về AI và Cloud

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế: "Việt Nam đang trong thời điểm sớm để triển khai trí tuệ nhân tạo (AI). Điều đó sẽ giúp Việt Nam có không gian để phát triển, thay đổi và ứng dụng AI trong tương lai”.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, việc sớm triển khai các công nghệ mới như AI và điện toán đám mây sẽ là lợi thế lớn cho Việt Nam bởi một thị trường có quy mô nhỏ nhưng nhờ ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến sẽ có sức bật, phát triển nhanh trong một thời gian ngắn.

Ông Vũ Minh Trí, CEO VNG Cloud cho biết, đây được xem là giai đoạn tốt nhất để AI bùng nổ. Ông Vũ Minh Trí dựa trên ba yếu tố cụ thể, đó là số lượng dữ liệu đang có đủ để phân tích xu thế sẽ diễn ra trong tương lai; mức độ sẵn sàng của điện toán đám mây có thể cung cấp khả năng tính toán, xử lý dữ liệu và nguồn nhân lực đã xây dựng cho AI.

Trong khuôn khổ buổi trao đổi, các chuyên gia cho biết chuyển đổi số là bắt buộc để doanh nghiệp có thể tồn tại. Dịch Covid-19 đã cho thấy giá trị thực tế khi các doanh nghiệp chuyển đổi số.

“Sau Covid và giãn cách xã hội, xu thế rất lớn là các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt chuyển lên cloud. Khi lên đám mây, dữ liệu của doanh nghiệp được thu thập và lưu trữ hiệu quả hơn, doanh nghiệp có cơ hội hiểu biết bài bản về khách hàng hơn”, ông Vũ Minh Trí nói.

Theo những số liệu được ông Trần Minh Khôi, đại diện Viettel IDC chia sẻ, doanh thu của các ứng dụng dựa trên nền tảng AI (AI Software Application) và nền tảng để các ứng dụng AI khai thác (AI Software Platform) có thể tăng trưởng 33-35%/năm với doanh thu lên tới 120 triệu USD vào năm 2025. Trong khi đó cải tiến nghiệp vụ doanh nghiệp, nhận diện thương hiệu (Business analytics insights) và nghiên cứu dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ dữ liệu (Data Engineering, AI enablement) tại Việt Nam có mức tăng trưởng 21-24% và có thể đạt doanh thu khoảng 160 – 180 triệu USD.

Vị này cũng cho thấy, nghiên cứu thị trường cho thấy công nghệ đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số tại Việt Nam là cloud, phân tích dữ liệu và AI.

"Đại chúng hóa” AI để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận

Dù là một thị trường tiềm năng, nhưng đại diện Viettel IDC cũng đã chia sẻ những khó khăn khi triển khai các dịch vụ AI đó là sự thiếu hụt nhân tài, khả năng truy cập dữ liệu và chi phí phát triển đầu tư cho AI rất lớn. “Đó là chưa kể sau khi phát triển thì hạ tầng triển khai và duy trì dịch vụ cũng tiêu tốn nguồn lực của doanh nghiệp”, ông Trần Minh Khôi nói.

Cùng ý kiến, ông Trần Quang Bình, đại diện VNG Cloud cũng cho rằng, khởi đầu của mỗi doanh nghiệp khác nhau. Thực tế tại Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế. “Vậy, làm thế nào để mang AI vào trong đời sống để bất kỳ doanh nghiệp có thể ứng dụng được nó dù doanh nghiệp ở điểm xuất phát nào”, vị này nói.

Nói thêm về điều này, ông Vũ Minh Trí cho rằng: “Các doanh nghiệp cần hiểu rõ mục tiêu của mình”. Các chi phí cho AI đều tốn kém. Nếu sử dụng AI cho những thứ con người vẫn có thể làm được thì chúng ta thấy con người vẫn hiệu quả hơn. Doanh nghiệp bị ảo tưởng về AI nên sử dụng nó cho những thứ mà con người vẫn làm được. Cách tiếp cận sai khiến chi phí cho AI lớn và thiếu đi tính chính xác.

AI là một xu hướng bắt buộc trong quá trình chuyển đổi số và được trao đổi sôi nổi. Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp còn ngần ngại khi ứng dụng AI. Điều này cho thấy vai trò của các đơn vị tư vấn của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. “Doanh nghiệp tư vấn cần có đủ năng lực và kinh nghiệm để chuyển đổi những dịch vụ, giải quyết bài toán thực tế mà doanh nghiệp gặp phải, cho họ thấy áp dụng AI sẽ có được lợi thế về lâu dài”, các chuyên gia cho biết.

Đại diện của hai doanh nghiệp dịch vụ cung cấp là Viettel IDC và VNG Cloud đều cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ cần đưa ra các gói giải pháp để doanh nghiệp vừa và nhỏ (với nguồn lực hạn chế) có thể tiếp cận được một cách tốt nhất.

Theo chia sẻ, VNG Cloud xây dựng giải pháp đặc thù cho từng ngành. Để doanh nghiệp bắt đầu nhanh nhất cho hành trình AI, họ có thể sử dụng các giải pháp sẵn có tích hợp sẵn AI, giải quyết các bài toán thực tế trong từng ngành cụ thể. "VNG cung cấp các giải pháp AI sẵn có để khách hàng sử dụng ngay mà không cần quan tâm quá nhiều đến việc đầu tư các nguồn lực". Trong khi đó, phía Viettel IDC cũng đưa ra các dịch vụ cung cấp từ hạ tầng cho tới quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. 

“Khi áp dụng AI, chúng ta thường nghĩ đến giải quyết các vấn đề lớn, cao siêu. Nhưng thực tế, doanh nghiệp nên bắt đầu từ những bước nhỏ nhưng có ích lợi lớn cho quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp. Sau đó mới tính đến các bài toán lớn hơn mà AI có thể ứng dụng”, đại diện Viettel IDC chia sẻ.

“AI nên bắt đầu từ những cái nhỏ để làm sao đại chúng hóa được AI, càng dùng nhiều hơn thì chúng ta sẽ càng có nhiều dữ liệu”, ông Vũ Minh Trí cho hay.

Duy Vũ

Bộ TT&TT hướng dẫn thuê dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước

Bộ TT&TT hướng dẫn thuê dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước

Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT vừa hoàn thành xây dựng tài liệu hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây, thuê dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp sử dụng trong cơ quan nhà nước và xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam.