Ngân hàng Phát triển châu Á hôm qua (14/12) đã điều chỉnh dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Đông Nam Á, khi các nền kinh tế trong tiểu vùng áp đặt những hạn chế có trọng điểm để ứng phó với biến thể Delta của Covid-19. 

Theo đó, tăng trưởng của khu vực này được điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 3,0%. 

Dự báo tăng trưởng cho năm sau được tăng lên 5,1%, khi các nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng hạn chế nói chung và phục hồi các hoạt động kinh tế.

Lạm phát trong khu vực được dự báo vẫn nằm trong tầm kiểm soát, ở mức 2,1% năm nay và 2,7% năm tới, cho phép thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng hơn và hỗ trợ các nỗ lực phục hồi đại dịch. Rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng vẫn là sự gia tăng lại số ca mắc Covid-19.

Dấu hiệu thuận nghịch đan xen

Kinh tế Mỹ quý 4 được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5% so với quý trước (so với mức tăng tương ứng 2% tăng trưởng trong quý 3), theo đó tốc độ tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 5,5%, theo dự báo của Conference Board. 

{keywords}
Kinh tế Mỹ quý 4 được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5% so với quý trước

Kết quả này xác nhận những nỗ lực của Mỹ trong việc phục hồi kinh tế từ mức tăng trưởng âm của năm ngoái. Gói kích thích tài chính vẫn tiếp tục phát huy tác dụng. Tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình sau khi tăng mạnh 41,4% trong quý 3, tiếp tục dự báo sẽ tăng 3,4% trong quý 4. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục xu hướng giảm từ 8,8% của quý 3 còn dự kiến 6,8% trong quý 4.

Lạm phát của Mỹ tiếp tục cao kỷ lục trong tháng 10 (tăng tới 6,2% so với cùng kỳ), tiếp tục giữ mặt bằng cao từ tháng 6 trở lại đây.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục xu hướng phục hồi ổn định. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các chính sách siết chặt quản lý khu vực bất động sản, chính sách zero-Covid nghiêm ngặt trước xu hướng tăng các ổ dịch mới, nguy cơ thiếu hụt năng lượng… qua đó gây sức ép lên lạm phát và tiêu dùng, tiếp tục là những thách thức cho tăng trưởng của nước này thời gian tới. 

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng quý 4 và triển vọng năm 2022 của Trung Quốc: Oxford Economics hạ dự báo quý 4 còn 3,6%; Goldman Sachs, Nomura dự báo tăng trưởng 2022 ở mức dưới 5%.

Kinh tế châu Âu dù đang đối mặt với nhiều khó khăn như giá năng lượng tăng cao, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và làn sóng dịch bệnh mới, song vẫn được nhận định sẽ phục hồi mạnh mẽ. 

Cuối tháng 11, Liên minh châu Âu (EU) đã nâng dự báo tăng trưởng của khối này trong năm nay từ mức 4,8% lên 5%. Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ của châu Âu đã dẫn đến sự thiếu hụt về nguyên vật liệu và làm gia tăng giá hàng hóa. Tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ đạt đỉnh 2,6% năm nay trước khi giảm nhẹ vào năm 2022.

Kinh tế Nhật Bản tiếp tục suy giảm, tăng trưởng GDP giảm 3% trong quý 3. Đây là lần thứ 5 trong 8 quý gần nhất Nhật Bản có tăng trưởng quý âm. Chính phủ đã đưa ra các chính sách nhằm khôi phục kinh tế như gói kích thích tài khóa sẽ có quy mô trên 40.000 tỷ yên, các chính sách giảm thuế, nâng lương cho người lao động và khôi phục hỗ trợ di chuyển nội địa. 

Ở dự báo được điều chỉnh trong tháng 10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của Nhật Bản xuống còn 2,4% từ mức 2,8%.

Các nước ASEAN tình hình sản xuất tăng trưởng trở lại khi những biện pháp hạn chế do Covid-19 được nới lỏng. Nhiều quốc gia cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, Indonesia đứng đầu với PMI đạt 57,2 (tăng từ 52,2 điểm trong tháng 9), Singapore có PMI đạt 54,5 - mức tăng vững chắc tháng thứ hai liên tiếp. Malaysia, Philippines và Thái Lan đều ghi nhận mức cải thiện nhẹ trong sản xuất.

Thương mại toàn cầu đang chậm lại trong bối cảnh gián đoạn sản xuất cùng với sự sụt giảm của nguồn cung và nhu cầu nhập khẩu. Theo WTO, chỉ số thương mại hàng hóa tháng 11 đã giảm xuống còn 99,5 điểm (gần mức điểm cơ sở 100).

Nguyên nhân chính là các cú sốc nguồn cung, đặc biệt là tình trạng dồn ứ tại cảng do nhu cầu nhập khẩu tăng cao và gián đoạn sản xuất hàng hóa như ô tô và chất bán dẫn. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với hàng hóa thương mại cũng đang có chiều hướng giảm, thể hiện qua mức sụt giảm số lượng đơn hàng.

Đầu tư toàn cầu phục hồi rõ nét những tháng gần đây bất chấp những khó khăn do dịch bệnh mang lại. Chỉ số theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài (fDI) tháng 9 đứng ở mức 939 điểm (tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước) - cao nhất kể từ tháng 11/2019. 

Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tập trung vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số, phát triển lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, lượng vốn đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch tăng cao (nhờ các dự án nhiều vốn) thay vì năng lượng tái tạo, khi giá dầu và khí đốt gia tăng.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu diễn ra trầm trọng từ tháng 8 đã gây ra lạm phát giá trên thị trường năng lượng quốc tế, tạo phản ứng dây chuyền với những nhân tố bất ổn, khủng hoảng khó lường cho kinh tế thế giới vốn đang khó khăn do đại dịch.

Như vậy, kinh tế thế giới vẫn còn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng như những yếu tố bất ổn đến từ thị trường năng lượng, song đang dần hồi phục trong tình trạng sống chung với dịch bệnh. 

Mặc dù tăng trưởng kinh tế ở các khu vực còn khác nhau, nhưng những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hiện ở trạng thái phục hồi, có thể mang lại những cơ hội đối với thương mại và đầu tư cho Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến lạm phát và giá cả đang là yếu tố đáng lo ngại.

Thích ứng để vượt lên hoàn cảnh

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong những tháng tới đây vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Mô hình phòng, chống dịch trong nước đã có sự thay đổi từ “zero-Covid” sang “sống chung thích ứng, an toàn“ với virus cần được tiếp tục triển khai bên cạnh với việc tăng cường phủ vắc xin để tránh các trường hợp giãn cách ở các địa phương tác động đến khôi phục sản xuất, lưu thông. 

{keywords}
Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm trong nước đang phục hồi

Tại Báo cáo "Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam“ tháng 12, Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận Việt Nam đã tiêm vắc xin nên tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm bắt đầu theo xu hướng giảm. Tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều ghi nhận tăng trưởng tháng thứ 3 liên tiếp.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỷ USD, giúp thặng dư cán cân thương mại được duy trì tháng thứ 2 liên tiếp, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký phục hồi sau khi giảm trong tháng 10.

Lạm phát tăng nhẹ do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm trong nước đang phục hồi và chi phí logistics tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chính phủ tiếp tục chính sách tài khóa thắt chặt và cân đối ngân sách tiếp tục có thêm 1 tháng thặng dư nhờ thu ngân sách tăng.

Chính sách sống chung với Covid-19 đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải tiếp tục thận trọng và hành động nhanh chóng, cả về tiêm vắc xin, giãn cách xã hội, xét nghiệm và cách ly y tế. Ngoài ra, cũng cần có các hỗ trợ về chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân và giúp nền kinh tế trong nước phục hồi.

Hướng đi cần thiết để thực hiện mục tiêu này là cung cấp hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn được ghi nhận trong thực hiện chi ngân sách năm nay, một phương án chính sách khác có thể cân nhắc là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục theo dõi sát khu vực tài chính.

Cộng đồng DN châu Âu cũng lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam, sau khi giãn cách xã hội kết thúc. Dấu hiệu tích cực này đã được thể hiện trong Chỉ số môi trường kinh doanh EuroCham (BCI) quý 3, khi BCI chứng kiến mức tăng nhẹ với 18,3 điểm phần trăm (từ mức thấp kỷ lục được ghi nhận trong tháng 9). Mặc dù vẫn ở mức chưa cao, nhưng BCI đã ghi nhận những cải thiện về triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Hoạt động bán lẻ tiếp tục suy giảm làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trong nước. Đà suy giảm đã được chặn lại kể từ tháng 10, sau nghị quyết 128 nhưng hoạt động bán lẻ cả năm nay tiếp tục đà suy giảm. Trong bối cảnh các DN dự kiến có các chương trình kích cầu cuối năm nhân Tết âm lịch, cầu và cung bán lẻ dự kiến cũng sẽ nhúc nhắc đi lên.

Tuy nhiên, DN còn nhiều khó khăn kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 cuối tháng 4 về các mặt gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, gia tăng chi phí hoạt động và giảm năng suất, thiếu hụt lao động. Chắc chắn, khu vực DN cần thêm thời gian để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó,  rủi ro tiềm ẩn nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đối với lĩnh vực tiền tệ, tài khóa và đời sống của người dân đã bị bào mòn về kinh tế trong đại dịch.

Trong bối cảnh xuất khẩu vẫn đang là một động lực lớn cho tăng trưởng, cần tận dụng cơ hội từ các FTA mới như EVFTA/UKVFTA và CPTPP...

Gần đây có nhiều góp ý của các nhà kinh tế về quy mô của gói kích thích kinh tế, từ 2-3% GDP đến 8-10% GDP cho năm 2022 và 2023. Dù vậy, đến nay quy mô chính thức chưa được công bố và xem xét ở Quốc hội.

Điều đó thể hiện sự thận trọng và cách thức Việt Nam sẽ thích ứng trong bối cảnh thế giới đối diện với lạm phát và giá cả tăng cao sau khi thực hiện các gói hỗ trợ khổng lồ giúp người dân và DN. 

Tư Hoàng

Kiên trì với mở cửa và hồi phục

Kiên trì với mở cửa và hồi phục

Sau hơn 2 tháng đi vào cuộc sống, nghị quyết 128 chuyển trạng thái phòng chống dịch sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh” để lại những dấu ấn tích cực lên nền kinh tế và tâm lý xã hội.