Từ ngày 13-15/6, Đoàn đại biểu Quốc hội do ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Nghị viện về đối thoại tôn giáo do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phối hợp với Nghị viện Maroc tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Marrakech ở Maroc.
Phiên khai mạc Hội nghị diễn ra trọng thể với sự tham dự của Chủ tịch Hạ viện Morocco Rachid Talbi El Alami, Chủ tịch Thượng viện Morocco Naam Mayara, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong và hơn 700 đại biểu trong đó có 60 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Nghị viện các nước cùng các nghị sĩ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, tổ chức tôn giáo - tín ngưỡng và các chuyên gia.
Trong thông điệp gửi tới hội nghị do Chủ tịch Hạ viện Maroc Talbi El Alami trình bày, Nhà vua Mohamed VI của Maroc đã nhấn mạnh ý nghĩa của hội nghị và tầm quan trọng của việc cùng tồn tại cũng như đối thoại giữa các tôn giáo; khẳng định sự gắn bó chặt chẽ của Maroc với các giá trị hòa bình và khoan dung, những thành tựu Maroc đã đạt được trong lĩnh vực quản lý lĩnh vực tôn giáo và hiệu quả hoạt động của các thiết chế tôn giáo.
Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU khẳng định hội nghị là diễn đàn để các nghị sỹ thuộc mọi quốc tịch, tôn giáo và đức tin gặp gỡ, thảo luận và cùng nhau tìm giải pháp cho những thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1889, IPU đã liên tục đặt ra các mốc quan trọng để thúc đẩy đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, đây là lần đầu tiên IPU tổ chức Hội nghị nghị viện về đối thoại tôn giáo ở quy mô toàn cầu, là diễn đàn để các đại biểu tham dự tham gia đối thoại mang tính xây dựng và chia sẻ thực tiễn thúc đẩy chung sống bền vững, hướng tới xây dựng các xã hội hòa bình và toàn diện hơn, đồng thời xây dựng lộ trình cho các hành động cùng hợp tác vì tương lai chung.
Phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Nghị viện và các nhà lãnh đạo tôn giáo: Thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì tương lai chung” thu hút sự tham gia của đông đảo nghị sỹ, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo.
Các phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của khung khổ pháp lý cho các hoạt động tôn giáo, giá trị của hòa bình, vai trò của các tôn giáo trong đời sống xã hội, thực tiễn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở các quốc gia.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Đoàn Việt Nam, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn kết, hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, được quy định trong Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong thông tin những thành tựu quan trọng trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người nói chung, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, sự tham gia tích cực của các tôn giáo vào các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, vai trò của các đại biểu Quốc hội là chức sắc tôn giáo trong việc phản ánh tiếng nói của nhân dân và tín đồ các tôn giáo đến diễn đàn của Quốc hội, trong đó có hoạt động lập pháp.
Đoàn Việt Nam cũng đề xuất nghị viện cũng như các tôn giáo mở rộng và phát huy các cơ chế hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin để nâng cao sự hiểu biết, xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau, cùng tìm ra biện pháp giải quyết hòa bình cho các xung đột cũng như các thách thức toàn cầu cấp bách.
Đoàn Việt Nam đề xuất tăng cường ngoại giao nghị viện với vai trò trung tâm của IPU là tổ chức nghị viện toàn cầu nhằm thúc đẩy hòa bình và hiểu biết thông qua đối thoại chính trị, hợp tác và hành động nghị viện; thúc đẩy việc triển khai các nội dung của Tuyên bố Québec năm 2012 của IPU về Quyền công dân, Bản sắc và Đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa cũng như Tuyên bố St. Petersburg năm 2017 về Thúc đẩy đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và giữa các dân tộc...