Công nghệ IoT đang phát triển với tốc độ thần tốc
Công nghệ vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) đã xuất hiện ở mọi lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giao thông, tài chính, thương mại, bất động sản,... góp phần vào việc triển khai vận hành, quản lý, giám sát, đồng thời cung cấp dữ liệu phục vụ cho cảnh báo, dự báo. Các thiết bị IoT vì thế được xem là đầu vào của công nghệ tương lai, cung cấp nguồn “nguyên liệu thô” cho công nghệ dữ liệu lớn, tiếp đó là trí tuệ nhân tạo.
Thực tế cho thấy, lĩnh vực công nghiệp công nghệ liên quan đến IoT đã, đang và sẽ bứt tốc rất nhanh. Theo báo cáo khảo sát năm 2022 của IoT Analytics, trong năm 2021, số lượng thiết bị IoT được kết nối trên toàn cầu đã tăng 8%, lên 12,2 tỷ thiết bị.
Cơ quan này cũng đưa ra dự báo, số lượng thiết bị kết nối IoT còn tăng nhanh với tốc độ 18% trong năm nay và sớm cán mốc 14,4 tỷ thiết bị. Dự kiến đến năm 2025, lượng thiết bị IoT trên toàn cầu sẽ nhảy vọt lên con số 27 tỷ.
Bất chấp tác động của lạm phát, các cuộc xung đột ở Châu Âu và vấn đề thiếu hụt nhân sự, tốc độ phát triển của thị trường IoT thế giới vẫn không hề bị giảm nhiệt.
Chỉ riêng trong quý 1 năm 2022, tổng số tiền đầu tư được các quỹ mạo hiểm rót vào thị trường IoT đã chạm mốc kỷ lục 1,2 tỷ USD. Lượng ngân sách này gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý khi 45% tổng số các thương vụ M&A lớn trên thế giới trong khoảng thời gian từ quý 3 năm 2021 đến quý 1 năm nay đều liên quan đến mảng IoT.
Nhân lực IoT trong nước khan hiếm nguồn cung
Các ứng dụng ngành dọc liên quan đến IoT nói riêng và IoT Platform nói chung hiện vẫn mới mẻ tại Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu về ứng dụng IoT của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng bởi chủ trương chuyển đổi số.
Chia sẻ trong một cuộc hội thảo về đào tạo nhân lực IoT được tổ chức mới đây, bà Đào Thị Thảo - đại diện hãng công nghệ Vconnex cho biết, tiềm năng ứng dụng IoT ở Việt Nam rất lớn. Điều này diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài mở rộng quy mô nhà xưởng cũng như tăng nguồn vốn đầu tư, nghiên cứu tại Việt Nam.
Tuy vậy, ở góc nhìn của một doanh nghiệp công nghệ, bà Thảo cho rằng, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực IoT chất lượng cao.
Đây là một thách thức lớn bởi để tham gia sâu vào mảng thị trường này, các doanh nghiệp công nghệ Việt cần tới đội ngũ kỹ sư có kiến thức chuyên môn sâu và có tư duy hệ thống. Kinh nghiệm triển khai thực tế và bộ kỹ năng mềm cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Bất chấp nhu cầu của thị trường, việc khan hiếm nhân lực để tham gia phát triển các ngành trong lĩnh vực IoT đang là khó khăn của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước. Lý do là chưa có nhiều chương trình đào tạo giảng dạy về nền tảng IoT tại Việt Nam, để các bạn sinh viên có thể tiếp cận, học tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế.
Trước thực tế này, đại diện Vconnex cho biết sẽ chuyển giao giải pháp giáo dục IoT trên nền tảng Vconnex IoT Platform cho Đại học Đông Á (Đà Nẵng). Đây là bộ nền tảng Make in Việt Nam về IoT đã được ứng dụng thực tế trong nhiều ngành dọc.
Hi vọng đây là một giải pháp giúp sinh viên trong nước có thêm công cụ trải nghiệm thực tế, đồng thời có thể thực hành tạo ra sản phẩm, phát triển ứng dụng thực tiễn. Phát triển các mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được xem là cách để Việt Nam bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực IoT.
Trọng Đạt