Báo cáo "Thu hẹp khoảng cách AI: Nhận thức và xu hướng ứng dụng AI của người bán hàng trực tuyến ở Đông Nam Á”, do Lazada công bố ngày 9/4 vừa qua cho thấy, về mức độ ứng dụng AI trong thương mại điện tử tại Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia dẫn đầu xu hướng này.

Theo đó, Việt Nam và Indonesia cùng có tỉ lệ ứng dụng AI chiếm 42% trong các hoạt động kinh doanh, theo sau là Singapore và Thái Lan với tỉ lệ 39%.
Báo cáo cho thấy, các nhà bán hàng trực tuyến ở Đông Nam Á có sự quen thuộc nhất định với AI, với gần 7 trên 10 nhà bán hàng (68%) cho biết, họ có hiểu biết về AI. Con số này ở Việt Nam là gần 8 trên 10 nhà bán hàng (77%), cao hơn trung bình ở khu vực.
Tuy nhiên, dù người bán hàng tin rằng đã tích hợp AI vào khoảng 47% các khâu trong hoạt động kinh doanh trực tuyến nhưng con số thực tế chỉ đạt 37%. Điều này phản ánh khoảng cách rõ rệt giữa việc nhận biết và mức độ ứng dụng AI trên thực tế của các nhà bán hàng.
Khoảng cách này cũng có ở Việt Nam (42% ứng dụng thực tế so với 53%), nhưng nhà bán hàng trực tuyến ở Việt Nam vẫn thuộc top dẫn đầu khu vực trong việc áp dụng AI.
Ngoài ra, các nhà bán hàng trực tuyến cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của AI và tác động về chi phí của nó. Mặc dù 89% người bán thừa nhận vai trò của AI trong việc nâng cao hiệu suất công việc, nhưng gần 2/3 trong số đó (61%) vẫn hoài nghi về mức độ hữu ích nói chung của AI.
Hơn nữa, gần như tất cả người bán (93%) đều đồng ý rằng việc sử dụng AI sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong dài hạn, song 64% vẫn lo ngại chi phí và thời gian cần để thực hiện là rào cản trong việc tích hợp AI đối với họ.
Tại Việt Nam, các nhà bán hàng nhìn chung có cái nhìn tích cực về lợi ích của AI (94%), đặc biệt trong việc thúc đẩy năng suất, và họ cũng ít e ngại hơn về vấn đề chi phí và thời gian (35%).
Nghiên cứu cũng chỉ ra thêm một khoảng cách giữa nhận thức và triển khai AI thực tế: nhà bán hàng hiểu rõ tầm quan trọng của AI nhưng lại chưa biết cách để triển khai sử dụng một cách hiệu quả.
Nguyên nhân do các thách thức trong việc chuyển đổi từ các quy trình thủ công quen thuộc sang các giải pháp dựa trên AI. 93% các nhà bán hàng đồng ý rằng, việc đào tạo nâng cao kỹ năng AI cho nhân viên là quan trọng để tăng năng suất, nhưng 75% cũng thừa nhận nhân viên của họ vẫn thích sử dụng những công cụ quen thuộc thay vì các giải pháp AI mới.
Báo cáo phân loại ra 3 nhóm nhà bán hàng riêng biệt dựa trên mức độ ứng dụng AI với 5 khía cạnh cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của người bán: vận hành và hậu cần, quản lý sản phẩm, tiếp thị và quảng cáo, dịch vụ khách hàng, quản lý nhân sự,.
Thứ nhất là nhà bán hàng thành thạo AI. Đó là những người bán đã tích hợp AI vào ít nhất 80% hoạt động kinh doanh, cho thấy họ là những người tiên phong trong việc ứng dụng AI. Ở Việt Nam, chỉ có khoảng 1/5 (22%) người bán thuộc nhóm này (so với 24% trong khu vực).
Thứ hai là nhà bán hàng quan tâm đến AI. Họ là những người bán đã tích hợp một phần AI vào hoạt động kinh doanh, nhưng còn loay hoay khi ứng dụng thực tế AI ở các công đoạn quan trọng. Chủ yếu các nhà bán hàng ở Việt Nam thuộc phân khúc này (64%, so với 50% ở Đông Nam Á).
Nhóm cuối là nhà bán hàng thận trọng với AI. Nhóm này chiếm 14% còn lại trên tổng số người bán được khảo sát ở Việt Nam (so với 26% ở Đông Nam Á). Họ được đánh giá là bị tụt hậu trong việc ứng dụng AI, với hầu hết các khâu trong hoạt động kinh doanh vẫn được xử lý thủ công.
Phần lớn nhà bán hàng trực tuyến ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình ứng dụng AI vào kinh doanh, với 78% thuộc nhóm quan tâm và thận trọng với AI. Tại Việt Nam, các chức năng hướng tới khách hàng như dịch vụ khách hàng, tiếp thị và quảng cáo (43%) đang có mức độ áp dụng AI cao hơn so với các chức năng liên quan đến vận hành và hậu cần (38%).
Bên cạnh đó, dù kiến thức về AI tại Việt Nam hiện đang thấp hơn so với các nước trong khu vực, với sự tập trung vào đào tạo và nâng cao kỹ năng AI, các nhà bán hàng trực tuyến ở Việt Nam sẽ có khả năng củng cố vị thế của mình trong khu vực.