Hồi sinh viên truyền tay đọc những bài thơ trong “Cửa mở” và sau này là “Bơ vơ đông đảo”, cảm xúc lúc đó là bùng nổ, như có gì đó vỡ ra, chứ chưa được lắng đọng như bây giờ.
"… Những gã thạo đời rao giảng chân lý trên tiền là thượng đẳng hơn cả trên đức trên tài trên tình nghĩa
Những quan chức xoen xoét vì dân xoèn xoẹt khoét dân trắng trợn và phè phỡn vinh thăng
Những tên hãnh tiến lộng quyền lăm le biến bầu trời tư duy thành nghĩa địa”…
Ngôn ngữ trong bài thơ “Lời” từ tập “Bơ vơ đông đảo” quá mạnh, thẳng băng, trực diện, được viết cách đây hàng chục năm, nhưng, với tôi, nó có thể thời sự hơn bao giờ hết.
“Ai anh hùng chuồng cọp bỗng sát phạt bon chen
Ai dày dạn hi sinh bỗng xoay tiền kiếm gái
Ta lại gặp trong ta con thú người thảm hại
Lồng lộn giành ăn và hưởng khoái
Bao cao cả thiêng liêng theo rớt rãi nhểu xuống bùn…"
Năm 1947, mới 19 tuổi, Việt Phương được chọn làm thư ký cho ông Phạm Văn Đồng - khi đó là Đặc phái viên của Chính phủ ở Nam Trung Bộ. Từ đó, ông gắn bó với vị Thủ tướng lâu năm nhất của Việt Nam trong vai trò người giúp việc. Ông Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng 32 năm, thì ông giúp việc 53 năm, cho đến khi ông Đồng qua đời, năm 2000. Ông còn làm thư ký riêng của Tổng bí thư Lê Duẩn, cố vấn kinh tế Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải…
Những bài thơ của ông thật hấp dẫn, lạ, từ những chuyện thế sự đến những cảm xúc sâu lắng nhất trong con người. Thơ chính là người.
Cũng ngay trong bài thơ Lời với những ngôn từ mạnh mẽ, như trích dẫn trên, ông viết rất người, rất tình:
Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở
Cuộc đời thân như hơi thở ta ơi
Ta vui lắm những niềm vui cởi mở
Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi
Những câu thơ này vừa được đọc lên khi người ta giới thiệu vợ ông, bà Trần Tú Lan, tại cuộc giao lưu Tuyển tập thơ và Sách “Suy nghĩ về Ngày mai” của ông mới đây tại Hà Nội. Bà đã 90 tuổi và trông rất nhẹ nhàng, thanh tao.
Năm 1970, khi tập thơ Cửa mở được xuất bản, nó đã lập tức gây tiếng vang lớn bởi những quan điểm đổi mới so với cách nhìn nhận của thời đại lúc bấy giờ. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhớ lại: “Những năm 1970-73, xung quanh chúng tôi tràn ngập thơ Tố Hữu. Tập thơ Cửa mở như một luồng gió mới, làm say mê tuổi trẻ của chúng tôi. Quả thực ở thời điểm đó, đó là những bài thơ mới lạ, nói lên những vấn đề chân thực, đụng chạm đến tình cảm sâu xa của con người”.
Trong lời giới thiệu cho cuốn Tuyển tập thơ Việt Phương, nhà thơ Vũ Quần Phương viết, khi Cửa mở ra đời, giới làm thơ hy vọng Cửa mở sẽ mở thêm cho thơ những không gian riêng và một cách nhìn thẳng về những vấn đề nổi cộm trong đời sống. “Cửa mở bị phê phán nhưng tinh thần mở cửa của Việt Phương ở lại với lòng người như một gợi ý tỉnh thức, quả cảm và tự tin".
Trên thực tế, Cửa mở đã mang lại rắc rối lớn nhưng rồi ông Việt Phương đã được bảo vệ.
TS Nguyễn Sỹ Dũng kể lại một câu chuyện mà ông được nhắn nhủ kể lại tại buổi giao lưu. Chuyện là người ta tổ chức một cuộc họp để kiểm điểm ông Việt Phương. Tổng bí thư Lê Duẩn được mời dự họp. Ông hỏi họp để làm gì thì được trả lời là họp kiểm điểm ông Việt Phương về tập thơ Cửa mở. Ông kể lại: “Tổng bí thư Lê Duẩn nói, các anh không còn việc gì để làm nữa à?” rồi khẳng định ngày hôm sau sẽ dự họp.
Hôm sau, Tổng bí thư Lê Duẩn phát biển đầu tiên và nói suốt trong hai giờ đồng hồ về vai trò của văn hóa, của trí thức. Kết thúc bài phát biểu, Tổng bí thư nói, chốt lại, chúng ta kết thúc ở đây là được rồi, và nếu anh Phạm Văn Đồng thấy khó khăn để anh Việt Phương làm thư ký thì chuyển anh Việt Phương sang cho tôi. Vậy là cuộc họp tan, vấn đề cũng tan theo.
Ông Dũng kể thêm, khi còn làm Bí thư TPHCM, ông Nguyễn Văn Linh cũng rất quyết liệt. Khi TPHCM thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, cho các nhà máy ở vượt rào, nhiều người còn rất sợ và lo lắng nhưng ông nói "Cứ làm đi! Nếu đi tù thì tôi đi đưa cơm và tôi cùng đi tù với các anh. Tôi đi tù quen rồi".
Ông Nguyễn Sỹ Dũng nói: “Anh Việt Phương và một số trí thức đã dám nói vì có sự ủng hộ như vậy. Đó là điều rất quan trọng”.
Tôi thuộc thế hệ nhà báo sau này và chưa từng có cơ hội phỏng vấn ông Việt Phương. Tôi mới chỉ có cơ hội tiếp xúc với ông 2 lần. Đó là hai cuộc hội thảo lấy ý kiến khi thiết kế Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013. Khi nghỉ giải lao, tôi gặp ông xin phỏng vấn nhưng ông chỉ cười cười mà từ chối lịch sự.
Nay có thời gian đọc lại những bài thơ của ông, và đặc biệt là tập “Suy nghĩ về ngày mai” gồm nhiều bài viết sau Đổi mới, do Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật phát hành, mới thấy tư duy, tầm nhìn, bản lĩnh của ông vượt thời gian đến thế nào.
Tư Giang