Xây dựng kênh phân phối hiện đại, tiện dụng, hướng tới khách hàng
Với khách hàng (KH) cá nhân, ứng dụng VietinBank iPay Mobile đã thu hút hơn 6,5 triệu KH sử dụng với gần 60 triệu giao dịch được thực hiện mỗi tháng, tăng trưởng 150% qua mỗi năm, qua đó góp phần làm giảm áp lực giao dịch tại quầy. Theo đó, số lượng giao dịch tại quầy đã giảm hơn 50% trong năm 2022. VietinBank iPay Mobile không chỉ là ứng dụng ngân hàng số mà còn là hệ sinh thái số, kết nối tới hơn 2.400 nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp mọi nhu cầu đời sống hàng ngày của KH.
Cùng với đó, nền tảng ngân hàng số VietinBank eFAST dành cho KH doanh nghiệp được xem như “trợ lý tài chính số” với hơn 130 tính năng. VietinBank eFAST cung cấp toàn bộ các dịch vụ ngân hàng đang được phục vụ tại quầy giao dịch (chỉ trừ các dịch vụ liên quan đến tiền mặt), từ các dịch vụ ngân hàng thường xuyên và thiết yếu đến các dịch vụ chuyên biệt được “may đo” theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.
VietinBank cũng là ngân hàng tiên phong trong ứng dụng nền tảng ngân hàng mở. Đến nay, số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng mở đã tăng trưởng vượt bậc, bằng 25% tổng số lượng giao dịch qua các kênh phân phối của VietinBank.
Mặt khác, để cung cấp khả năng tiếp cận vốn cho KH một cách nhanh chóng, tiện lợi, VietinBank đã đưa ra các sản phẩm cấp tín dụng online gồm thấu chi online, cấp thẻ tín dụng online. Bên cạnh đó, ngân hàng còn kết nối cho vay phục vụ đời sống dành cho lái xe/chủ đơn vị cung cấp của đối tác Grab.
“Từ khâu thẩm định, đến việc ra quyết định cho vay, giải ngân, theo dõi khoản vay, nhắc nợ tự động và xử lý khoản vay hoàn toàn được thực hiện online giúp rút ngắn thời gian, giảm thiểu rủi ro tác nghiệp, tăng năng suất lao động cho ngân hàng, mang đến cho KH sự tiện dụng nhất”, đại diện ngân hàng chia sẻ.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới
Thời gian qua, VietinBank đã và đang đầu tư mạnh, triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến trong công tác chuyển đổi số. Điển hình, ngân hàng ứng dụng thành công công nghệ tự động hóa robotics process automation (RPA) vào quy trình cho vay cầm cố sổ tiết kiệm với lượng hồ sơ tự động xử lý khoảng 3.000 hồ sơ mỗi tháng, giúp tiết kiệm 65% thời gian tác nghiệp.
Trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy, theo đại diện VietinBank, hiện tại ngân hàng triển khai 8 chatbot nội bộ phục vụ công tác đào tạo, hỗ trợ nghiệp vụ ngân hàng, 1 chatbot với KH, dự kiến đầu năm 2023 sẽ đưa vào ứng dụng voice bot. Đặc biệt, VietinBank đã đẩy mạnh khai thác và phân tích dữ liệu lớn với các bài toán như vực dậy KH ngủ đông, tối ưu năng suất lao động tại phòng giao dịch, phân tích chuỗi KH, gợi ý, tư vấn cho KH dựa trên phân tích dữ liệu hành vi của KH…
Từ số hoá lên chuyển đổi số - chiến lược giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030
Với mục tiêu trở thành ngân hàng số hàng đầu được công nhận rộng rãi, mang đến cho ngân hàng sự trải nghiệm vượt trội, VietinBank đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản, toàn diện và đầu tư nguồn lực để triển khai có hiệu quả. Ngân hàng đã lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực và uy tín thế giới tham gia cùng VietinBank trong xây dựng, hoạch định chiến lược, kế hoạch triển khai cho chương trình Chuyển đổi số của VietinBank giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030.
Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số VietinBank cho biết: Chương trình Chuyển đổi số lần này được xem là đại dự án thứ 3 của VietinBank sau dự án chuyển đổi tái cấu trúc mô hình tổ chức (năm 2014), chuyển đổi hệ thống Corebanking (năm 2017). Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025 sẽ là cuộc cách mạng, không chỉ thay đổi về công nghệ, về sản phẩm, dịch vụ mà còn là về mô hình tổ chức, văn hoá, tư tưởng, cách nghĩ, cách làm mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao.
VietinBank tin tưởng rằng với sự quyết tâm, cam kết triển khai của Ban Lãnh đạo VietinBank, cùng với sự nỗ lực của hơn 24.000 cán bộ VietinBank trên toàn hệ thống, sự phối hợp của đơn vị tư vấn uy tín hàng đầu thế giới, chương trình Chuyển đổi số của VietinBank sẽ đạt tới chất lượng quốc tế.
Minh Hồng