17:00
16:20
Nâng cao bảo mật và thúc đẩy chuyển đổi số: Vai trò của SIM 5G trong kết nối di động
Phần thuyết trình của ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc kỹ thuật khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và ông Dương Thế Kựu - Giám đốc Công ty Idemia Việt Nam, đã diễn ra vào lúc 16h20 chiều cùng ngày. Hai diễn giả tập trung nhấn mạnh vào tầm quan trọng của bảo mật trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực di động.
Mở đầu, ông Sơn đã chia sẻ một số số liệu đáng chú ý về tình hình bảo mật trên toàn cầu hiện nay. Theo thống kê Idemia đưa ra, năm 2023 ghi nhận lên tới 930.707 cuộc tấn công lừa đảo thông tin xác thực, cùng với 52.646 sự cố liên quan đến phần mềm độc hại và 15.700 vụ gian lận thanh toán. Những con số này cho thấy rằng sự gia tăng đáng kể trong các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng nghiêm trọng, yêu cầu các tổ chức cần phải nâng cao khả năng bảo mật của mình.
Vai trò của SIM 5G trong bảo mật
Phần tiếp theo, ông Dương Thế Kựu nhấn mạnh về vai trò quan trọng của SIM 5G trong việc nâng cao bảo mật thông tin của thuê bao. Ông phân tích, dữ liệu định danh SIM (IMSI) sẽ được mã hóa khi kết nối vào mạng 5G SA, với mỗi lần xác thực sử dụng một khóa khác nhau. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro bị đánh cắp thông tin của khách hàng qua các thiết bị “IMSI catchers”. Những thiết bị này vốn rất dễ dàng được mua trên thị trường với giá chỉ từ 7$ đến 100$.
Giám đốc Công ty Idemia Việt Nam chia sẻ, cho đến nay Idemia vẫn luôn đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, với hơn €1 tỷ được chi cho các dự án R&D trong 5 năm qua. Indemia hiện đang có hơn 600 khách hàng doanh nghiệp trên toàn thế giới và cam kết mục tiêu đạt được 25% dự án cộng đồng có tác động tích cực đến 5.000 người bằng việc sẽ giảm thiểu khí thải carbon ra môi trường vào năm 2025.
Còn ông Nguyễn Văn Sơn, thì đưa ra cái nhìn tổng quan về mức độ chuyển đổi số tại Việt Nam dạo gần đây. Các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, dịch vụ công và bán lẻ đang có mức độ chuyển đổi số cao, trong khi lĩnh vực ô tô thì lại ở mức thấp. Ông nhấn mạnh rằng việc áp dụng SIM 5G SA sẽ phần nào giúp người dùng cải thiện khả năng bảo mật và có trải nghiệm tốt hơn trong các dịch vụ số.
16:10
Xu hướng Generative AI và 5G RedCap cho các thiết bị IoT
(Ông Trần Ngọc Hùng - Giám đốc Phát triển kinh doanh Mediatek)
Phần thuyết trình của ông Trần Ngọc Hùng - Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại MediaTek tập trung giới thiệu về những xu hướng nổi bật trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là sự kết hợp giữa Generative AI và 5G RedCap, mở ra những cơ hội lớn mới cho các thiết bị IoT.
Tầm quan trọng của Generative AI đang tạo ra nhiều thay đổi lớn trong các lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất đến dịch vụ. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, hiện nay nhu cầu về các giải pháp AI đang gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ như hiện nay. Do đó, công nghệ này sẽ không chỉ giúp tối ưu hoá quy trình làm việc mà còn mở ra khả năng phát triển các ứng dụng mới, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong ngành công nghiệp.
Diễn giả đến từ Mediatek đã trình bày về 5G RedCap, một công nghệ mới được thiết kế đặc biệt dành riêng cho các thiết bị IoT đã được Mediatek chia sẻ sẽ cung cấp một giải pháp hiệu quả hơn so với các modem 5GNR và LTE truyền thống. Cụ thể, RedCap sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp tối ưu hoá diện tích PCB đồng thời giảm chi phí trong sản xuất cho các ứng dụng cụ thể như đồng hồ thông minh, kính AR, và nhiều thiết bị kết nối khác.
Lợi ích của việc kết hợp Generative AI với 5G RedCap cũng đã được nêu bật. Việc này không chỉ giúp cải thiện hiệu suất của các thiết bị mà còn tăng cường khả năng xử lý dữ liệu ngay tại chỗ. Các thiết bị IoT có thể sử dụng AI để phân tích dữ liệu theo thời gian thực, từ đó đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác hơn. Theo đó, Mediatek dự đoán rằng sự phát triển này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thị trường IoT.
15:50
5G thúc đẩy thị trường thiết bị đầu cuối và cơ hội phát triển đa thiết bị thông minh
(Ông Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Chiến lược Sản phẩm, Ngành hàng Thiết bị Di động Samsung)
15:05
Cloud Gaming - Khai thác tiềm năng 5G và tương lai của ngành công nghiệp trò chơi
(Ông Đặng Minh Tâm - Kỹ sư giải pháp Alibaba Cloud)
Tiếp nối hội thảo, ông Đặng Minh Tâm giới thiệu về giải pháp Cloud Gaming. Đại diện Alibaba nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ này trong việc khai thác tiềm năng của 5G và cách mà nó đang định hình lại ngành công nghiệp gaming.
“Cloud Gaming là gì?”. Ông Đặng Minh Tâm giải thích: Khái niệm này cho phép người dùng chơi game qua Internet mà không cần phần cứng mạnh mẽ. Có nghĩa là, các trò chơi sẽ được chạy trên các máy chủ từ xa trong trung tâm dữ liệu, với video và âm thanh được truyền trực tiếp đến thiết bị của người chơi. Điều này giúp trải nghiệm của người chơi chất lượng cao hơn trên nhiều thiết bị khác nhau như máy tính, tablet, smart TV và smartphone.
Sau phần sơ lược về khái niệm, diễn giả đến từ Alibaba nhấn mạnh rằng công nghệ 5G đã mang lại rất nhiều lợi ích cho Cloud Gaming, trong đó bao gồm băng thông cao và độ trễ thấp. Bà cho biết, với băng thông lên đến 100Mbps, người dùng có thể trải nghiệm trò chơi ở độ phân giải 4K@60fps, tương đương với trải nghiệm esports chuyên nghiệp. Sự kết hợp này không chỉ cải thiện chất lượng hình ảnh mà còn giảm thiểu độ trễ xuống chỉ còn 10 - 40ms, tạo ra trải nghiệm gần như tương đương với chơi game trực tiếp trên thiết bị.
Theo ông Đặng Minh Tâm, Cloud Gaming có thể trở thành mô hình kinh doanh cốt lõi cho các nhà mạng trong kỷ nguyên 5G tới đây. Các nhà mạng có thể cung cấp các gói dịch vụ game di động, gói TV và băng thông rộng, và dịch vụ Cloud e-sports cho khách hàng. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu cho doanh nghiệp mà còn tạo ra những cơ hội mới trong việc phát triển dịch vụ giá trị gia tăng.
Ngoài ra, ông Tâm đưa ra một ví dụ thành công tiêu biểu là Migu, một công ty con của China Mobile. Bà cho biết công ty này đã phát triển nền tảng Cloud Gaming có tên “Migu Kuaiyou”, cho phép người dùng truy cập vào hàng ngàn trò chơi chất lượng cao mà không cần tải xuống. Nền tảng này khi ra mắt đã thu hút lượng lớn người dùng và tạo ra doanh thu đáng kể nhờ vào trải nghiệm chơi game tuyệt vời và mô hình kinh doanh linh hoạt.
14:45
5G thay đổi ngành công nghiệp giải trí, truyền hình hoặc 5G - cơ hội lớn cho Cloudgaming bùng nổ
(Bà Phạm Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền hình Viettel Telecom)
14:35
Giải pháp mạng riêng 5G và AI Edge: Chuyển đổi nhà máy thành Smart Factory
(Ông Simon Chen - SG Team Sr.Manger của Inventec)
Đại diện Inventec mở đầu bằng việc giới thiệu về Smart Factory, nơi mà công nghệ 5G sẽ kết hợp với AI và IoT tạo ra môi trường sản xuất thông minh hơn. Inventec đã phát triển ra một kiến trúc mạng đa dạng, cho phép người dùng thu thập dữ liệu từ nhiều cảm biến và máy móc khác nhau, từ đó tối ưu hoá quy trình sản xuất cũng như nâng cao hiệu suất.
Phần lớn nội dung mà đại diện Inventec chia sẻ tập trung vào cách mà Mạng riêng 5G có thể cải thiện hiệu suất sản xuất như thế nào. Ông Chen giải thích rằng việc sử dụng Cổng AI Edge 5G giúp tương tác được nhiều loại cảm biến và thực hiện phân tích AI để tăng cường tính ứng dụng trong sản xuất. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn đảm bảo truyền tải dữ liệu với độ trễ thấp hơn và độ tin cậy cao hơn.
14:25
Giá trị đặc biệt của 5G trong lĩnh vực y tế
(Ông Bùi Lê Hà - CEO Công ty CP Công nghệ & Y tế số MedOne, thuộc Hệ thống y tế MEDLATEC)
Khẳng định 5G mang lại nhiều giá trị cho lĩnh vực y tế, đại diện đến từ MEDLATEC trình bày rõ tầm quan trọng của công nghệ 5G, cụ thể là trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ và giúp cải thiện kết nối giữa bệnh nhân và bác sĩ. “Đặc biệt hơn, sự khác biệt lớn nhất là khả năng kết nối nhiều thiết bị cùng một lúc với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với 4G và độ trễ chỉ khoảng 1ms. Điều này cho phép các thiết bị theo dõi sức khoẻ hoạt động một cách hiệu quả nhất, giúp quản lý hệ thống y tế theo mô hình phi tập trung. Nhờ đó, trải nghiệm người dùng được nâng cao cũng như cải thiện khả năng chăm sóc sức khỏe từ xa của bệnh nhân”, ông Hà nói.
Hai ứng dụng cụ thể của công nghệ 5G trong lĩnh vực y tế cũng được ông Bùi Lê Hà trình bày trong bài phát biểu. Đầu tiên là chăm sóc tại nhà và theo dõi bệnh nhân từ xa, giúp bệnh nhân nhận được sự chăm sóc liên tục mà không cần phải đến bệnh viện. Tiếp theo là dịch vụ cấp cứu thời gian thực, có nghĩa là xe cứu thương sẽ được trang bị kết nối tốc độ cao, cho phép cập nhật hồ sơ bệnh án ngay trên đường đi giúp việc truyền tải thông tin nhanh chóng và chính xác.
Ông Bùi Lê Hà còn nhấn mạnh giá trị của dịch vụ khám bệnh ảo, cho phép bệnh nhân và bác sĩ tương tác qua video call với chất lượng cao, gần như không có độ trễ giúp tạo ra trải nghiệm khám bệnh thoải mái như khi đến trực tiếp các cơ sở y tế. Ông đề cập rằng việc sử dụng công nghệ để bảo trì thiết bị y tế theo thời gian thực cũng hỗ trợ một phần lớn, cụ thể là trong việc công nghệ này sẽ giúp phát hiện và sửa chữa kịp thời những hỏng hóc.
Cuối cùng, đại diện MEDLATEC giới thiệu đến Hệ thống trạm KCB từ xa MedStation, các kiot MedStation sẽ được đặt tại nhiều vị trí như trạm y tế huyện, xã và các nhà thuốc lớn, nhằm khắc phục tình trạng thiếu thốn dịch vụ khám chữa bệnh. Kiot này được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ chẩn đoán và kết nối trực tiếp qua 5G bao gồm videocall, thiết bị đo chỉ số sinh tồn như huyết áp và nhịp tim, và các thiết bị soi khám khác.
13:55
Nhu cầu của khách hàng 5G tại Việt Nam và xu hướng trên thế giới
(Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Di động Viettel Telecom)
Hiện nay 320 nhà mạng đã chính thức thương mại 5G, phủ rộng đến 110 quốc gia và 55% dân số thế giới. Theo thống kê của năm 2024, thuê bao 5G toàn cầu có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ với 2,2 tỷ người dùng, tương đương 26% thuê bao di động. Điều này có thể thấy, tiềm năng của thị trường 5G là vô cùng lớn.
Trong bối cảnh đó, Viettel là nhà mạng thương mại hoá 5G đầu tiên và đảm bảo vùng phủ số 1 tại Việt Nam lên đến 99% tại 63 tỉnh thành với tốc độ phát triển hạ tầng tốt hơn so với một quốc gia khác tại thời điểm khai trương như Hàn Quốc chỉ phủ được 82%, Indonesia với 23% và Úc với 12%. Dự kiến trong 5 năm tới, vùng phủ 5G Viettel sẽ đạt ngang với vùng phủ 4G.
Chia sẻ về xu hướng sử dụng Internet của người dùng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Di động Viettel Telecom cho biết: “Trung bình năm 2024, mỗi người Việt ghé thăm 67 trang web, thời lượng nhiều nhất dùng cho mạng xã hội tương đương với 27%. Đồng thời, các thế hệ khi sử dụng mạng xã hội cũng có sự khác biệt.” Cụ thể, Gen Z trung bình sẽ dùng đến 3 mạng xã hội lần lượt là Facebook, Tiktok, Youtube, trong khi đó Gen X và Gen Y chỉ dùng 2 ứng dụng là Facebook và Zalo. Thêm vào đó, khách hàng dùng 5G đa số ở độ tuổi từ 18 đến 34 chiếm 67,1% so với 4G, hoặc khách hàng làm việc trong lĩnh vực công nghệ tương đương 32% so với các ngành nghề khác.
Khi 5G chính thức khai trương còn làm thay đổi thói quen và thời gian sử dụng data trên thiết bị di động. Trung bình cứ 1 trên 5 khách hàng (tương đương với 20%) đã chuyển lên 5G sẽ giảm hành vi sử dụng Wifi và chuyển sang dùng data di động, đồng thời tăng thời gian sử dụng data trên di động.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, sắp tới các usecase 5G thu hút khách hàng cá nhân nhất sẽ được Viettel ưu tiên bao gồm: Kết nối băng thông rộng không dây (FWA), Ultra HD video/livestream, chăm sóc sức khoẻ từ xa và mua sắm với trải nghiệm AR. Đồng thời Viettel triển khai hệ sinh thái 5G cho doanh nghiệp bao gồm 8 nhóm giải pháp liên quan đến các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, thành phố thông minh, năng lượng, giao thông vận tải và logistic.
11:55
5G Viettel: Lộ trình triển khai và các tính năng hỗ trợ đối tác cùng phát triển hệ sinh thái sản phẩm
(Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và Đổi mới công nghệ, Viettel Network)
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Viettel 5G là mạng 5G hiện đại nhất thuộc top 5% trên thế giới triển khai mạng 5G SA hoàn chỉnh từ vô tuyến đến mạng lõi ngay từ thời điểm khai trương. Vào thời điểm khai trương Viettel triển khai khoảng 6500 trạm, trong năm 2025 tới đây Viettel tiếp tục triển khai mở rộng vùng phủ mạng 5G lên tới xấp xỉ 20000 trạm phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Mạng 5G SA Viettel đã triển khai Network Slicing giúp phân chia các mạng vật lý thành các mạng logic, mỗi slice phục vụ một mục đích kinh doanh hoặc khách hàng nhất định, căn cứ vào yêu cầu cụ thể về tốc độ, độ trễ, tính bảo mật. Hiện tại, chỉ mạng 5G SA hỗ trợ Network Slicing giúp cá thể hoá dịch vụ 5G.
Đối với nhóm khách hàng cá nhân, mạng 5G Viettel đã quy hoạch các loại slice sẵn sàng hỗ trợ các nhóm ứng dụng khác nhau như: Slice yêu cầu băng thông cao (livestreaming, AR/VR, Gaming); Slice yêu cầu độ trễ thấp (V2X, tele-health); Slice yêu cầu số lượng kết nối lớn (IoT). Thêm nữa, để sử dụng mạng 5G SA Viettel, khách hàng cá nhân cần có Iphone từ 13 trở lên hoặc một số máy Android như Samsung S21, S22, S23, S24 series,...
Diễn giả Nguyễn Thanh Hải đồng thời cho biết: “Viettel sẽ tiếp tục ban hành nhiều gói dịch vụ mới cho khách hàng cá nhân trong quý 1 năm 2025”.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, Network Slicing giúp các doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn mô hình triển khai PMN, theo yêu cầu về bảo mật, độ trễ và tối ưu chi phí. Một usecase điển hình là nhà máy thông minh với tổng chi phí khi ứng dụng 5G PMN rẻ hơn gần 22% so với giải pháp truyền thống.
Ông Hải cho rằng, Viettel hiện là nhà mạng Việt Nam đầu tiên tham gia GSMA Open Gateway, phát triển và cung cấp API chuẩn hoá cho nhà phát triển, giúp họ dễ dàng tích hợp ứng dụng vào mạng lưới, giúp khai thác tính năng vượt trội của mạng 5G. Viettel là nhà mạng tiên phong chuyển đổi mạng truyền thống thành mạng “mở”, mạng “có thể lập trình”.
Chia sẻ về xu thế triển khai Network APIs, diễn giả đến từ Viettel Network cho biết: “Trên thế giới đã có khoảng 38 Telco tại 23 quốc gia kinh doanh dịch vụ Network APIs, phần lớn các nhà mạng chỉ triển khai 2-5 APIs, hiện có 13/25 API đã công bố được kinh doanh trên thế giới. Điển hình có Camara là dự án mã nguồn mở do Linux Foundation và GSMA khởi xướng nhằm phát triển, chuẩn hoá các Network APIs, dự kiến đến tháng 3/2025, Camara sẽ cập nhật cho 15 API hiện tại và bổ sung thêm 11 API mới”.
Hiện tại, mạng lưới Viettel đã triển khai hỗ trợ Network APIs, lộ trình từ năm 2025 sẽ phát triển hơn 10 APIs theo chuẩn Camara, cung cấp SDK cho nhà phát triển giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, bổ sung môi trường Sandbox cho nhà phát triển. Đến năm 2026, Viettel sẽ liên kết với các nhà mạng trong nước và quốc tế để cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
11:45
5G và đổi mới trong kết nối - tương lai của công nghệ mạng
(Ông Phạm Lê Chung - Head of Cloud Software & Service, Ericsson)
Tiếp nối chủ đề, ông Phạm Lê Chung đi sâu hơn về những tiến bộ mới trong công nghệ 5G và cách 5G đang định hình lại tương lai của kết nối mạng. Ông Chung khẳng định rằng mạng 5G không chỉ là một bản nâng cấp thông thường mà nó là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực viễn thông.
Diễn giả đến từ Ericsson mở đầu bằng những số liệu ấn tượng về sự phát triển của mạng 5G trên toàn cầu. Hiện tại, số liệu đưa ra Ericsson đã triển khai hơn 348 mạng 5G, trong đó hơn 60 mạng 5G độc lập (SA). Ông nhấn mạnh rằng trong đó 34% lưu lượng di động toàn cầu hiện đều đang đi qua mạng 5G, thấy rõ được sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc áp dụng công nghệ này. Ông cũng cho biết rằng việc khoảng 55% dân số thế giới đã được phủ sóng 5G đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong phần tiếp theo, ông Chung đề cập đến network slicing là một trong những dịch vụ đặc biệt mới mà 5G mang lại. Network slicing cho phép tạo ra các mạng ảo hoá khác nhau trên cùng một hạ tầng vật lý, từ đó cung cấp các dịch vụ được tối ưu hoá cho từng nhu cầu cụ thể. Ông đưa ra ví dụ, để nâng cao trải nghiệm người dùng hơn các nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ ưu tiên cho các ứng dụng cần độ trễ thấp như video streaming hay trò chơi trực tuyến. Ngoài ra, ông Chung nhấn mạnh 5G sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi trong ngành công nghiệp, từ ngành sản xuất đến y tế và giáo dục. Các ứng dụng như IoT (Internet of Things) sẽ trở nên phổ biến hơn, giúp kết nối hàng triệu thiết bị thông minh và tạo ra một hệ sinh thái kết nối đa dạng. Ông đưa ra ví dụ về việc sử dụng 5G trong các nhà máy thông minh, nơi mà việc giám sát và quản lý quy trình sản xuất có thể được thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Cuối cùng, ông Chung khẳng định rằng tương lai của kết nối không chỉ là dựa vào tốc độ mà quan trọng nhất còn phải chú trọng vào chất lượng dịch vụ. Người tiêu dùng luôn mong đợi vào những trải nghiệm kết nối tốt hơn, với độ tin cậy cao và khả năng phục vụ đa dạng nhu cầu. Qua đây, ông muốn kêu gọi các nhà phát triển và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với nhau để tận dụng tối đa nhất tiềm năng mà công nghệ 5G đem lại.
11:15
AI và 5G - Động lực tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi số tại Việt Nam
(Ông Keane Nguyễn - Giám đốc quản lý đối tác cấp cao, Google)
Mở đầu phần trình bày, ông Keane Nguyễn tập trung chia sẻ về tiềm năng to lớn của AI và 5G trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số.
Đại diện Google nêu rõ, nếu các sản phẩm và giải pháp dựa trên AI được áp dụng rộng rãi thì nền kinh tế Đông Nam Á có thể đạt được 835 tỷ USD vào năm 2030. Riêng Việt Nam, dự kiến sẽ đạt được 200 tỷ USD, tương đương gần một nửa GDP hiện tại của quốc gia chúng ta. Điều này cho thấy rõ tiềm năng to lớn mà AI mang lại cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ông Keane Nguyễn đồng thời nhấn mạnh, nền kinh tế số của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với dự báo tăng trưởng hàng năm đạt 25% từ năm 2022 đến 2030. Tổng giá trị giao dịch (GMV) trong lĩnh vực thương mại điện tử được dự đoán sẽ tăng từ 9 tỷ USD vào năm 2022 lên khoảng 30-35 tỷ USD vào năm 2030, cho thấy rõ sự bùng nổ mà lĩnh vực này đem lại.
Việt Nam hiện nay có hơn 4.000 startup, cho thấy một hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển ngày càng nhanh chóng, đã cạnh tranh được với các quốc gia như Singapore hay Malaysia. Ông Keane Nguyễn cho biết rằng sự phát triển này không chỉ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, chuyên gia đến từ Google cũng đã chỉ ra rằng AI đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam, trong đó bao gồm tài chính, y tế và nông nghiệp. Các ứng dụng như trợ lý ảo trong dịch vụ khách hàng hay hệ thống chẩn đoán bệnh sử dụng AI đang ngày càng trở nên phổ biến. Ông nhấn mạnh rằng việc áp dụng công nghệ này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao tối đa hiệu quả hoạt động trong quá trình làm việc.
Chia sẻ trong phiên hội thảo, ông Keane Nguyễn cho rằng việc kết hợp giữa AI và 5G sẽ tạo ra những bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số. Mạng 5G sẽ cung cấp tốc độ kết nối nhanh hơn, độ trễ thấp hơn, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng trong các ứng dụng AI. Do đó, ông kêu gọi các doanh nghiệp tại Việt Nam tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh chuyển đổi số và tối ưu hóa quy trình làm việc.
10:50
Khách dự Viettel 5G Day trải nghiệm công nghệ ở khu showcase
Các sản phẩm dịch vụ nổi bật của Viettel và đối tác:
HUB 5G Viettel (sản phẩm của Viettel Telecom)
Sau khi là nhà mạng đầu tiên khai trương 5G tại Việt Nam, Viettel Telecom đã có 3 triệu khách hàng sử dụng 5G chỉ sau 15 ngày khai trương. Tới hiện tại, 70% khách hàng Viettel trong vùng phủ đã dùng 5G. Theo đo kiểm, sau khi cung cấp 5G internet Việt Nam đã tăng 30% so với trước đó.
5G Hub là nền tảng tập trung cung cấp toàn bộ gói cước 5G và các dịch vụ trong hệ sinh thái 5G của Viettel. Khách hàng đăng ký trên cổng Hub sẽ được giảm giá/miễn phí dịch vụ tiện ích tùy gói cước di động nền của khách hàng sử dụng
Với định hướng dẫn đầu về kênh bán và CSKH số, Viettel ra mắt cổng mua sắm số Hub 5G với 19 gói cước 5G và gần 20 dịch vụ nội dung chất lượng cao, với 3 tính năng nổi bật chính dành cho KH bao gồm:
Tự do tạo gói Combo (gói data và dịch vụ nội dung - Topping)
Mua Topping với giá ưu đãi
Đặt mua tại Hub, giao SIM tận nơi
Ưu thế của Hub 5G so với các nền tảng Selfcare khác
Nơi có hệ sinh thái các DV lớn nhất của Viettel với 19 gói cước và 20 dịch vụ nội dung đặc sắc; phục vụ cho cả khách hàng đã có SIM và mua SIM mới
Lựa chọn các dịch vụ đính kèm với giá ưu đãi nhất, lên tới 100% giá gói.
Thao tác nhanh gọn, giao SIM tận nơi, hỗ trợ nhiều hình thức thanh toán qua Tài khoản gốc và TK ví, ngân hàng…
Nền tảng điện toán không gian Xense AR
(Xense AR Spatial Computing Platform - sản phẩm của Viettel High Tech)
VHT là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, phát triển làm chủ công nghệ Bản đồ không gian và định vị trực quan visual positioning system – VPS (Make-in-Vietnam). VHT cũng đang phát triển hệ sinh thái các ứng dụng, nền tảng đi kèm để đưa công nghệ lõi thành giải pháp cho khách hàng/đối tác/người dùng.
Ứng dụng: Chỉ đường trực quan bằng AR; Xem các thông tin biển hướng dẫn hiển thị theo từng khu vực; Tương tác, chơi game trong không gian của sự kiện v.v.
Các điểm vượt trội
Công nghệ định vị không gian (VPS) với độ chính xác đến 10cm, đặc biệt hiệu quả trong các không gian lớn như tòa nhà, khu phức hợp (VD tại AEON MALL ~100.000m2)
Các công cụ tạo nội dung AR và SDK linh hoạt, giúp doanh nghiệp dễ dàng triển khai ứng dụng mà không cần đội ngũ kỹ thuật lớn.
Dựa trên mô hình PaaS, nền tảng cho phép tùy chỉnh và mở rộng để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng ngành, từ văn hóa, du lịch đến công nghiệp.
Thiết bị trải nghiệm hiện tại tận dụng điện thoại thông minh, đang làm việc với các nhà sản xuất kính AR để hướng đến trải nghiệm fully immersive
Network API (sản phẩm của Viettel Network)
Network API là dịch vụ mới trên mạng 5G. Với dịch vụ này, nhà mạng sẽ cung cấp các tính năng, khả năng của mạng lưới cho nhà mạng phát triển ứng dụng bên thứ ba thông qua các API (các tập lệnh).
Với Network API, các nhà nhà phát triển có thể sử dụng để phát triển thêm các tính năng mới dựa trên mạng lưới cho ứng dụng của mình (Network-Aware Application).
API Quality On Demand: Đây là một trong những Network API quan trọng và phổ biến nhất trên thế giới. Với API này, các nhà phát triển ứng dụng có thể yêu cầu các năng lực của mạng lưới để đảm bảo tốc độ, độ trễ cho ứng dụng hoặc một số người dùng VIP của ứng dụng.
Dễ hiểu hơn, việc thay đổi chất lượng mạng sẽ được trao quyền hoàn toàn cho các nhà phát triển ứng dụng, điều mà các công nghệ trước đây đều do nhà mạng quyết định.
Ứng dụng trong thực tế:
Truyền thông và giải trí (chơi game, livestream): yêu cầu dịch vụ cao hơn để có trải nghiệm tốt cho người dùng.
Điều khiển từ xa (lái xe từ xa, máy bay không người lái, cánh tay robot, dây chuyền sản xuất).
Thị giác máy tính và xử lý video từ xa.
API QoD đã được Viettel xây dựng và tích hợp vào ứng dụng truyền hình TV360. Khi người dùng xem truyền hình/phim trên TV360 qua 5G tại khu vực đông người (lễ hội, sự kiện v.v.) hoặc thời điểm lưu lượng mạng tăng cao vào giờ cao điểm có thể khiến video bị giật/lag. Người dùng có thể kích hoạt tính năng “Ưu tiên chất lượng” trên ứng dụng TV360 bản demo. Ngay lập tức API QoD sẽ được kích hoạt, thuê bao ngay lập tức nhận được chỉ thị của mạng 5G để khởi tạo một kết nối khác với chất lượng được ưu tiên (đảm bảo xem video không bị giật/lag) dựa trên công nghệ Network Slicing là công nghệ tiên tiến nhất của mạng 5G SA.
TV360 (sản phẩm của Viettel Telecom)
TV360 là nền tảng truyền hình tương tác thế hệ mới đầu tiên trên 5G với 13 triệu người dùng thường xuyên và đáp ứng 4 triệu người dùng đồng thời.
Ứng dụng cho phép người dùng xem truyền hình giải trí trên đa thiết bị, đa nền tảng và hoàn toàn miễn phí data 4G/5G Viettel.
Đặc biệt, cùng với 5G Viettel, TV360 tích hợp công nghệ truyền hình thế hệ mới AR/VR cho phép người dùng trải nghiệm truyền hình, TV Show 360 độ và game tương tác trên kính thực tế ảo, nâng cao trải nghiệm người dùng và mở ra cách thức tương tác mới, biến việc xem truyền hình trở thành hoạt động thú vị và sống động hơn bao giờ hết. Kho phim 4K lớn nhất thị trường mà TV360 cung cấp cũng mang đến cho người dùng 5G trải nghiệm giải trí tuyệt vời nhất.
Bên cạnh các nội dung công nghệ đặc biệt, TV360 cung cấp tới người dùng hơn 160 kênh truyền hình, các giải thể thao hàng đầu thế giới và kho phim giải trí đặc sắc số 1 trên thị trường, đáp ứng nhu cầu giải trí của mọi khách hàng.
Cloud - IDC
Viettel IDC là nhà cung cấp nền tảng dẫn đầu cho chuyển đổi số: Điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu là trái tim khỏe mạnh tiếp sức sống tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói riêng và cả Việt Nam nói chung.
- Viettel Cloud Server cung cấp máy chủ ảo với khả năng đáp ứng siêu nhanh, hiệu năng cao, bảo mật tốt, độ sẵn sàng cao và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
- Viettel Dedicated Private Cloud (vDPC) là dịch vụ điện toán đám mây trên hạ tầng chuyên dụng của Viettel IDC, cung cấp tài nguyên tính toán, lưu trữ và truyền dẫn với hạ tầng riêng biệt cho từng khách hàng ngay khi có yêu cầu, sử dụng giải pháp mạng định nghĩa bằng phần mềm - Software Define Data Center (SDDC), cho phép khách hàng tự thiết lập, cấu hình trung tâm dữ liệu ảo (Virtual Data Center).
- Viettel Cloud Object Storage: Dịch vụ lưu trữ toàn diện cho doanh nghiệp, cá nhân được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây với dung lượng lưu trữ không giới hạn, tính an toàn bảo mật cao và chi phí thấp
- Viettel Cloud Backup (BaaS) Giải pháp cho phép nhân bản một phần hoặc toàn bộ hệ thống máy chủ CNTT của doanh nghiệp lên hạ tầng điện toán đám mây (Cloud Backup), đảm bảo dự phòng hệ thống ngay cả khi hệ thống chính gặp lỗi hoặc gặp thảm họa. Hệ thống dự phòng có thể hoạt động thay thế hoàn toàn hệ thống chính khi cần thiết.
- Viettel Colocation (Thuê chỗ đặt thiết bị) Cung cấp không gian hạ tầng chỗ đặt, hệ thống điện, điều hòa và các thiết bị liên quan khác để triển khai hệ thống CNTT
- Viettel Server Leasing (Thuê máy chủ) Dịch vụ cung cấp máy chủ riêng, thiết bị mạng, bảo mật, lưu trữ,... với cấu hình đa dạng, không gian chỗ đặt tương ứng tại các Trung tâm dữ liệu của Viettel IDC, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, đảm bảo tính an toàn bảo mật cao.
Khách hàng được mời trải nghiệm công nghệ VR, tham quan Trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam Hòa Lạc 3. Data Center của Viettel tại Hòa Lạc là trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam xét theo tổng quy mô đầu tư với tổng diện tích sàn là 21.000m2 và tổng công suất điện 30 MW, dung lượng 2.400 rack. Trung tâm dữ liệu - Data Center (DC) của Viettel được xây dựng tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, địa điểm này đã đáp ứng được 8 tiêu chí khắt khe trong xây dựng một trung tâm dữ liệu bao gồm: Trung tâm Kinh tế - Chính trị; Tránh động đất, lũ lụt; Năng lực về kết nối – truyền dẫn; Mức độ sẵn sàng về hạ tầng điện; Giao thông thuận lợi; Điều kiện môi trường - khí hậu; Chính sách hỗ trợ ưu đãi; Tiêu chuẩn, chứng chỉ.
Các sản phẩm công nghệ của các DN khác
Một số sản phẩm công nghệ đáng lưu ý tại 5G Day:
GOOGLE AI - trợ lí cá nhân Gemini (có bản tiếng Việt), liên kết với Maps, Youtube. Tính năng Circle to Search trên Android: tìm hình ảnh, dịch thực đơn v.v.
ZTE với ipad Nubia có thể xem trực tiếp hình ảnh 3D
AONIC (nhà sản xuất drone lớn nhất Malaysia) với các thiết bị bay UAV không người lái ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, cứu nạn cứu hộ (khả năng tầm nhiệt)
ASTEC với các robot tự động hoá như iB_Go2 - chú chó robot được dùng trong nghiên cứu, thám hiểm, tuần tra giám sát và trong thương mại, được trang bị 4D LIDAR L1 với khả năng nhận dạng rộng và điểm mù siêu nhỏ, giúp thăm dò mọi địa hình với độ chính xác cao. Khoảng cách phát hiện tối thiểu chỉ 0,05m, cho phép robot cung cấp hình ảnh sắc nét, giúp nhận diện các tình huống nguy hiểm khi thực hiện tuần tra. Robot thú cưng Loona Eilik - giao diện đáng yêu, khả năng tương tác linh hoạt và thể hiện cảm xúc. Robot có thể nhận diện âm thanh, hành động của con người, và phản hồi bằng các cử chỉ hoặc âm thanh.
XIAOMI với CyberDog - chú chó Robot lấy cảm hứng sinh học, được thiết kế với động cơ mạnh mẽ và thuật toán tiên tiến, CyberDog có khả năng thích nghi linh hoạt với mọi địa hình và giữ cân bằng trước các tác động. Đặc biệt, CyberDog luôn sẵn sàng tuân theo lệnh của chủ qua giọng nói hoặc smartphone, mang đến trải nghiệm tiện ích và thông minh.
CHENGSHI ROBOT: robot cứu hộ nước và cứu hộ mặt đất, hệ thống cứu hộ trên nước và các sản phẩm khác. Các sản phẩm cứu hộ trên nước chủ yếu giải quyết vấn đề cung cấp các vật thể nổi hiệu quả trong phạm vi 200 mét cuối cùng của công tác cứu hộ trên nước, khắc phục sự không lường trước được khi người cứu hộ rơi xuống nước, sự không xác định vị trí của người bị đuối nước, các vấn đề phức tạp và thay đổi không ngừng của môi trường nước, cùng với rủi ro cao khi triển khai cứu hộ và không thể ném phao cứu sinh. Các robot cứu hộ mặt đất chủ yếu được sử dụng trong các ngành công nghiệp như hóa dầu, than đá và các lĩnh vực khác có ngưỡng kỹ thuật cao.
Các sản phẩm IoT ứng dụng đa ngành từ điện nước, công nghiệp, nông nghiệp, giám sát an ninh v.v.
10:25
5G - Trụ cột kết nối thông minh, động lực tăng trưởng kinh tế và chuyển đối DN
(Ông Hoàng Hưng Hải - Giám đốc Sản phẩm của Qualcomm)
Phần thuyết trình của chuyên gia đến từ Qualcomm bắt đầu bằng việc chia sẻ những tiềm năng to lớn của công nghệ 5G trong việc trở thành trụ cột quan trọng cho kết nối thông minh và sự hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi doanh nghiệp.
Nói về tiềm năng kinh tế của 5G, vị đại diện Qualcomm nhấn mạnh rằng công nghệ 5G hiện được dự đoán sẽ đóng góp gần 900 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Minh chứng cho điều này, ông chỉ ra rằng số lượng kết nối di động toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng, với hơn 2,1 tỷ điện thoại 5G được bán ra và trong đó có 305 nhà mạng đã khai trương các dịch vụ 5G. Điều này càng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 5G trên toàn cầu.
Trong phần tiếp theo, ông Hoàng Hưng Hải trình bày về sự đa dạng của các loại thiết bị 5G. Hiện nay, Qualcomm đã công bố và đang trong quá trình phát triển hơn 2400 thiết kế thiết bị 5G, trong đó bao gồm điện thoại thông minh, mô-đun nhúng và các thiết bị kết nối khác. Ông nhấn mạnh rằng sự phát triển này sẽ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng và hơn hết là thúc đẩy sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực như ô tô, IoT và công nghiệp. Nhắc đến trí tuệ nhân tạo (AI), ông Hải nhấn mạnh AI góp phần lớn tối ưu hóa hiệu suất của các thiết bị 5G. Do đó, Qualcomm đang cung cấp các giải pháp AI mạnh mẽ ở lớp biên, nhằm giúp tăng cường khả năng xử lý dữ liệu ngay tại chỗ với hiệu suất cao và tiêu thụ năng lượng thấp cho các ứng dụng yêu cầu độ trễ thấp và tính bảo mật cao.
Cuối cùng, diễn giả đến từ Qualcomm kêu gọi sự hợp tác giữa các nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị và các bên liên quan khác để tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ 5G. Ông nhấn mạnh rằng việc phát triển một hệ sinh thái vững mạnh xung quanh công nghệ này sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ông khẳng định sự phát triển này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn góp phần vào sự chuyển mình của nền kinh tế số toàn cầu.
10:05
2025: 5G trở thành công nghệ thúc đẩy nền kinh tế, mở nhiều cơ hội mới cho DN
(Ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Giải pháp Di động Nokia Vietnam)
Mở đầu phần thuyết trình, ông Phạm Văn Minh đã đưa ra những dự báo về xu hướng phát triển của công nghệ 5G tại khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông đã chỉ ra rằng việc triển khai 5G dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới do thời điểm lý tưởng cũng như lưu lượng dữ liệu di động lớn. Theo dự báo, từ năm 2025, lưu lượng 5G sẽ vượt qua mức 4G, trở thành công nghệ thúc đẩy nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp.
Diễn giả đến từ Nokia Vietnam đồng thời nhấn mạnh, dữ liệu được cung cấp từ Omdia cho thấy rằng 5G là công nghệ di động phát triển nhanh nhất hiện nay và sẽ chiếm hơn một nửa tổng lượng dữ liệu toàn cầu vào năm 2025. Các lĩnh vực như trò chơi, giải trí và thực tế tăng cường (XR) đều đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng dữ liệu cao. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội từ sự chuyển mình này. Bên cạnh đó, Nokia cũng cho thấy công nghệ 5G tạo ra các mô hình kinh doanh mới thông qua việc tối ưu hóa mạng lưới và cung cấp các dịch vụ mới như mạng slicing và AI.
09:55
Nền tảng kết nối 5G mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội mới
(Bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đối số TP.HCM)
Bà Võ Thị Trung Trinh có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Thành phố trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 5G. Bà nhận định, việc xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Theo nghị quyết số 31-NQ/TW, đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại và văn hóa hàng đầu tại Đông Nam Á, với mục tiêu tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm và GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 14.500 USD. Bà nhấn mạnh rằng trong đó kinh tế số sẽ đóng góp 40% vào GRDP của thành phố vào năm 2030.
Tính đến năm 2023, tỷ trọng kinh tế số của TP.HCM đã đạt 21,5% và dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2025. Bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng việc chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G sẽ là cú huých mạnh mẽ cho nền kinh tế số, giúp thúc đẩy các dịch vụ hành chính công và hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, thương mại điện tử và tài chính ngân hàng.
Đại diện Trung tâm Chuyển đối số TP.HCM cũng chia sẻ về việc Việt Nam đã chuyển đổi hơn 330.000 người dân sử dụng điện thoại 2G sang điện thoại thông minh có khả năng truy cập Internet trong năm 2024. Điều này không chỉ giúp người dân tiếp cận với môi trường Internet mà còn thúc đẩy tham gia vào các hoạt động số của xã hội. Với việc triển khai mạng 5G siêu tốc và độ trễ thấp, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 có 90% hộ dân sử dụng Internet băng rộng. Sự kiện 5G Day không chỉ là một cuộc triển lãm công nghệ mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và hợp tác. Do đó, TP.HCM khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng số và cung cấp các giải pháp CNTT trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế và giáo dục.
Bà Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh rằng sự phát triển này cần sự chung tay của tất cả nguồn lực xã hội để cải thiện cuộc sống người dân.
Cuối bài phát biểu, bà bày tỏ kỳ vọng rằng nền tảng kết nối 5G sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội mới, giúp mỗi người dân cảm nhận được giá trị thiết thực mà công nghệ mang lại.
09:45
“Viettel 5G Day là một diễn đàn kết nối”
(Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom Nguyễn Trọng Tính)
“Ngày hôm nay Viettel tổ chức sự kiện 5G Day với sự tham gia của tất cả các bên với mong muốn 5G Day không chỉ là một sự kiện để hội thảo, chia sẻ kiến thức mà còn là một diễn đàn kết nối. Chúng tôi hy vọng, từ đây, sẽ có những mối quan hệ đối tác chiến lược được hình thành, những ý tưởng táo bạo được khởi xướng, để đưa công nghệ 5G thực sự trở thành động lực thay đổi”.
“Là nhà mạng dẫn đầu, Viettel cam kết sẽ luôn tiếp tục mở rộng và nâng cấp hạ tầng 5G để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng, doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó Viettel cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phát triển hệ sinh thái số toàn diện và bền vững, ứng dụng các công nghệ AI, IoT, và Cloud vào mọi khía cạnh của cuộc sống” , ông Nguyễn Trọng Tính nhấn mạnh.
09:00
Đông đảo người yêu công nghệ có mặt tại Viettel 5G Day
Sự kiện 5G Day do Viettel Telecom tổ chức hôm nay 17/12, quy tụ hơn 1.000 đối tác doanh nghiệp, 50 gian hàng công nghệ. Phần showcase sẽ diễn ra xuyên suốt sự kiện từ 8h30 sáng đến 17h chiều, tại mỗi gian hàng đại diện các doanh nghiệp, giới thiệu những sản phẩm giải pháp mới nhất mà các công ty công nghệ mang tới.
Tại Viettel 5G Day, Viettel Telecom và các đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội sẽ giới thiệu các giải pháp dịch vụ của mình thông qua 8 nhóm sản phẩm chính bao gồm các giải pháp và hạ tầng 5G cho doanh nghiệp và nhóm 5G cho cá nhân, hộ gia đình.
Viettel Telecom mang tới 5G Day sản phẩm Hub 5G. Đây là nền tảng tập trung cung cấp toàn bộ gói cước 5G và các dịch vụ trong hệ sinh thái 5G của Viettel với 3 tính năng nổi bật chính dành cho khách hàng bao gồm: Tự do tạo gói Combo (gói data và dịch vụ nội dung - Topping); Mua Topping với giá ưu đãi; Đặt mua tại Hub, giao SIM tận nơi. Trong khi đó, Viettel High Tech (VHT) trưng bày Bản đồ không gian và định vị trực quan visual positioning system - VPS do VHT phát triển và làm chủ công nghệ.
Khách tham quan các gian hàng được trực tiếp tận hưởng sự hiện đại và tiện ích mà công nghệ mang lại, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác kinh doanh các sản phẩm dịch vụ 5G, IoT, Cloud. Mỗi gian hàng đều có những sản phẩm công nghệ mới nhất của các đối tác như Google sẽ tập trung giới thiệu các tính năng mới nhất của trí tuệ nhân tạo (AI), khách hàng có thể được tương tác với Gemini AI như một người trợ lý cá nhân hoặc trải nghiệm tính năng mới Circle to Search trên Android của Google.
Các khu trưng bày về thiết bị công nghệ cũng hứa hẹn nhiều trải nghiệm mới với các thiết bị bay UAV không người lái ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, cứu nạn cứu hộ từ AONIC - nhà sản xuất drone hàng đầu Malaysia. Hay ZTE mang đến ipad Nubia có thể xem trực tiếp hình ảnh 3D. Và các sản phẩm IoT ứng dụng đa ngành từ điện nước, công nghiệp, nông nghiệp, giám sát an ninh...