Năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettel giữ vững tăng trưởng trong bối cảnh diễn biến phức tạp về dịch bệnh và kinh tế trên toàn cầu. Mức tăng trưởng doanh thu 6,1% đem lại cho Viettel lợi nhuận trước thuế lên tới 43,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021 và nộp ngân sách Nhà nước 38 nghìn tỷ đồng tương đương mức đóng góp năm 2019.
Viettel cho biết, nguồn doanh thu chủ lực từ viễn thông được duy trì khi tập đoàn tiếp tục giữ vững vị trí nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động số 1 Việt Nam với 54% thị phần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ viễn thông Viettel bằng 1,5 lần trung bình ngành trên thế giới.
Về hoạt động đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên doanh thu dịch vụ của Viettel đạt gần 3 tỷ USD (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng) tương đương với viễn thông trong nước, đóng góp 50% doanh thu dịch vụ viễn thông. Nguồn ngoại tệ chuyển về nước trong năm 2022 lên tới gần 500 triệu USD, cao nhất trong 5 năm vừa qua. Lũy kế đến nay, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài.
Đại diện Viettel cho hay, lĩnh vực giải pháp và dịch vụ số thể hiện sự bứt phá, doanh thu từ các giải pháp CNTT tăng trưởng 58%. Thuê bao Viettel Money phát triển mới tăng gấp 6 lần so với các năm, vượt mốc 5 triệu thuê bao. Viettel Money cũng là nền tảng phát triển nhanh nhất thị trường năm 2022, đoạt giải thưởng uy tín nhất ngành viễn thông, công nghệ thế giới.
Điểm nhấn trong năm 2022 của Viettel là ra mắt dịch vụ TV 360 đạt 10 triệu người xem, trở thành nền tảng truyền hình OTT lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Viettel Cloud ra mắt vào 14/10/2022 là hệ sinh thái điện toán đám mây đa dạng nhất Việt Nam.
Cùng với việc tiếp tục chuyển đổi số cho các ngành giáo dục, y tế, giao thông, Viettel đã triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho chính quyền 35 tỉnh/thành phố, xây dựng trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) cho 20 tỉnh, thành phố. Không chỉ cung cấp giải pháp, Viettel trở thành đối tác tư vấn chuyển đổi số, đánh giá trưởng thành số cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Điểm khác biệt lớn là hầu hết những giải pháp do Viettel cung cấp đều do người Việt phát triển, làm chủ công nghệ.
Lĩnh vực thương mại điện tử và logistics được tái cấu trúc, tối ưu các sản phẩm, dịch vụ theo hướng tăng cường đầu tư công nghệ, nâng cao hiệu quả và tạo sự khác biệt trong trải nghiệm khách hàng. Tại lĩnh vực bán lẻ, những giải pháp bán hàng trực tuyến kết hợp trải nghiệm tại cửa hàng giúp 78% khách hàng đánh giá cao Viettel Store về trải nghiệm sản phẩm mới, gần 70% thích thú khi nhân viên có thể hỗ trợ đa nhiệm các dịch vụ khác nhau ngay tại cửa hàng.
Lĩnh vực an ninh quốc phòng, Viettel đã nghiên cứu, làm chủ, chế tạo thành công các loại khí tài chiến lược quan trọng, trở thành hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Viện hàng không Vũ trụ Viettel ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Hệ sinh thái hạ tầng viễn thông 5G của Viettel đảm bảo tiến độ của Bộ TT&TT và Tập đoàn, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G.
“Thành tựu của mỗi lĩnh vực, mỗi đơn vị của Viettel có thể khác nhau, nhưng công thức chung cho thành công đều là khát vọng lớn, nỗ lực không ngừng và không lùi bước. Văn hoá Viettel đã xây dựng cho chúng tôi một thái độ độc đáo: luôn tìm thấy cơ hội trong khó khăn, sẵn sàng đối diện với thách thức, không né tránh trước nhiệm vụ. Đó là sức mạnh nội lực bền bỉ của người Viettel - những con người mang trong mình sứ mệnh Sáng tạo vì con người”, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, nhấn mạnh.
Theo kết quả nghiên cứu của Brand Creativity, có tới 73% người được hỏi ngẫu nhiên đang sử dụng ít nhất 1 dịch vụ do Viettel cung cấp. Trong đó, 95% người khảo sát được chia sẻ cảm nhận về tinh thần tích cực, nhiệt huyết khi tiếp xúc và làm việc với Viettel.