Năm 2020, trong bối cảnh ngành viễn thông toàn cầu suy giảm 1,1% do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội, Viettel Global tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Thậm chí, đây là năm có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất từ khi triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Từ trái qua phải là 3 thành viên HĐQT mới và ông Tào Đức Thắng (người mặc áo đen đứng thứ 3) – Chủ tịch HĐQT Viettel Global. Ngoài cùng bên trái là ông Nguyễn Đức Quang, tiếp đến là ông Lê Xuân Hùng, ngoài cùng bên phải là bà Nguyễn Thị Thanh Nga. |
Viettel Global đã thực hiện các bước chuyển dịch mạnh mẽ tại các thị trường như xây dựng và đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi số, tiếp cận một số lĩnh vực mới như E-sport, phổ cập Super App, ví điện tử, thực hiện các hoạt động chuyển đổi số về bán hàng và chăm sóc khách hàng để phù hợp và thích ứng nhanh với thị trường.
Tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 của Tổng công ty đạt 22.246 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế cao nhất từ khi kinh doanh đến nay, đạt 1.200 tỷ đồng.
Dòng tiền về Việt Nam năm 2020 cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 7.735 tỷ đồng (tương đương 332,8 triệu USD), hoàn thành 123% kế hoạch, tăng 28% so với năm 2019. Lũy kế đến hết năm 2020 Viettel Global đã thu hồi 50.186 tỉ đồng (2.182 triệu USD).
Hiệu quả hoạt động kinh doanh Viettel Global được cải thiện tốt nhờ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là viễn thông, giảm bớt hoạt động mua bán thiết bị có tỷ suất lợi nhuận thấp. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2020 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 37,3% (tăng đáng kể so với mức 35,7% của năm 2019 và 31,4% của năm 2018).
Trong năm 2020, các thị trường Châu Á tăng trưởng ổn định khi 3/4 thị trường tiếp tục củng cố thị phần số 1 (Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Telemor tại Timor-Leste), Mytel tại Myanmar nhanh chóng vươn lên vị trí số 2 chỉ sau hơn 2 năm kinh doanh với thị phần 30,8%. Metfone duy trì vị trí số 1 về viễn thông tại Campuchia với thị phần 41,8%. Unitel vẫn giữ vững thị phần về thuê bao với 57% và cũng là nhà mạng đầu tiên được cấp phép ví điện tử chính thức tại Lào. Telemor thuê bao data tăng thêm vượt kế hoạch đề ra, mở rộng vùng phủ và dung lượng 4G nâng mật độ phủ dân toàn quốc từ 55% lên 65%.
Tại Châu Phi, Halotel tại Tanzania là thị trường cũ đang kinh doanh có tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ cao nhất với 27%. Movitel tại Mozambique duy trì tăng trưởng doanh thu dịch vụ trên 20% trong 2 năm liên tiếp. Lumitel trở thành nhà cung cấp hệ sinh thái dịch vụ thanh toán số đứng đầu tại Burundi với 50% thuê bao di động là thuê bao ví.
Thị trường châu Mỹ vẫn duy trì được tăng trưởng khi Natcom tại Haiti đạt mốc thuê bao cao nhất trong vòng 8 năm kinh doanh với 2,7 triệu thuê bao lũy kế; Doanh thu dịch vụ duy trì tăng trưởng 2 con số trong 4 năm liên tiếp.
ĐHCĐ Viettel Global diễn ra sáng 25/6 đã diễn ra thành công với mục tiêu lợi nhuận có thể tương đương năm 2020 dù tình hình dịch bệnh tại các nước vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn. |
Năm 2021, Viettel Global đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 duy trì ở mức tương đương năm 2020, tức 20.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đặt kế hoạch từ dương đến tương đương năm 2020 (dựa trên các kịch bản dịch bệnh và chính trị - xã hội các quốc gia đầu tư), khoảng 1.200 tỷ đồng. Viettel Global dự kiến duy trì dòng tiền thu về Việt Nam ổn định ở mức 6.900 tỷ đồng.
Viettel Global cũng xác định tập trung chuyển đổi số toàn diện trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ và công tác quản trị nội bộ, đa dạng hóa các ứng dụng và dịch vụ số để kích thích tiêu dùng dữ liệu và gắn kết khách hàng.
Thu Hà