Thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục triển khai nhiều chiến dịch nhằm dứt điểm tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo gây ảnh hưởng đến người dùng di động. 

Để làm điều đó, Bộ TT&TT đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các đại lý, nhà mạng viễn thông. Bộ TT&TT cũng đã thực hiện chiến dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đảm bảo các thuê bao là chính chủ. 

Dù cơ quan quản lý đã vào cuộc ráo riết, tích cực, thế nhưng có một sự thực không thể phủ nhận, đó là SIM rác, SIM kích hoạt sẵn vẫn tồn tại trên thị trường. Qua nhiều đợt khảo sát của VietNamNet, số lượng đại lý sai phạm đã giảm mạnh, nhưng nhiều người vẫn có thể tìm mua được SIM rác dễ dàng. 

W-sim-rac-t10-2023-2-1.jpg
SIM rác, SIM kích hoạt sẵn vẫn tồn tại và được mua bán công khai. Ảnh: Trọng Đạt

Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), mỗi tháng, cả nước ghi nhận khoảng 1,5 triệu SIM mới được bán ra thị trường. Trong đó, phần nhiều thuộc về 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone. Các mạng di động như Vietnamobile, Itel, Local, Wintel, VNSKY chỉ chiếm lượng nhỏ trong tổng thuê bao phát triển mới. Khảo sát của VietNamNet tại Hà Nội cho thấy trên thị trường SIM rác chủ lực vẫn là 4 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile. 

Trong vai người có nhu cầu, phóng viên VietNamNet đã dễ dàng tiếp cận và mua thành công SIM rác, SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng lớn gồm Viettel, VinaPhone và MobiFone.

Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 17/8.2023, SIM nghe gọi kích hoạt sẵn của Viettel, VinaPhone, MobiFone hiện được bán phổ biến với giá khoảng từ 100.000 đến 180.000 đồng. Với SIM data, mức giá này cao hơn, dao động trong khoảng từ 200.000 đến 250.000 đồng, giá SIM đã bao gồm gói cước. Trong khi đó, SIM rác của Vietnamobile thường kèm sẵn gói cước data với mức độ dao động giá lớn, từ 70.000 đến 150.000 đồng.

Tại một điểm bán SIM trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), chủ cửa hàng cho biết có bán SIM nghe gọi đã kích hoạt trước của VinaPhone và MobiFone. Sau đó, người này đưa cho phóng viên khoảng chục thẻ SIM để chọn số. SIM nghe gọi không kèm gói cước của 2 nhà mạng này đều được bán với giá 120.000 đồng.

Ở một điểm bán hàng Viettel tại Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), ban đầu khi được hỏi, chủ cửa hàng hướng dẫn người dùng tự khai báo thông tin chính chủ trên ứng dụng My Viettel. Tuy nhiên, khi đưa ra gợi ý cần mua SIM không đăng ký với lý do dùng làm SIM phụ, chủ cửa hàng gật đầu ra hiệu đồng ý và chìa ra một tập SIM đã kích hoạt sẵn của Viettel đồng giá 180.000 đồng.

W-dai-ly-sim-1710-1-1.jpg
Đại lý bán SIM kích hoạt sẵn trên phố Kim Mã. Ảnh: Ngô Minh

VietNamNet cũng ghi nhận tình trạng tương tự ở một đại lý SIM thẻ lớn tại Ba Đình (Hà Nội). Trong vai một người đi mua SIM nhưng không mang căn cước công dân, phóng viên đã tiếp cận hỏi mua SIM tại đại lý nằm trên phố Kim Mã. "Nhà em chỉ còn mấy cái SIM này, bán nốt cho anh nhé", cậu nhân viên nhanh nhảu trả lời và cho biết có SIM kích hoạt sẵn của cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone.

Theo chủ cửa hàng: "SIM này lắp vào dùng luôn, không cần đăng ký đâu. Có thể vài tuần hoặc 2-3 tháng nữa sẽ bị nhà mạng nhắc đăng ký thông tin. Khi ấy anh tự xử lý nhé". 

Phóng viên sau đó chọn mua thẻ SIM cũ, được dán băng keo để cố định của nhà mạng VinaPhone với giá 200.000 đồng, có sẵn 50.000 đồng trong tài khoản. Khi kiểm tra chiếc SIM này bằng cách nhắn tin với cú pháp TTTB gửi Tổng đài 1414, kết quả trả về cho thấy, thẻ SIM được đăng ký dưới tên “Nguyen Thi Luong”, sinh năm 1957, với ngày kích hoạt là 4/7/2023. 

Phóng viên VietNamNet cũng đã tiến hành khảo sát một số đại lý bán SIM ở các khu vực quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng thuộc địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy, nhiều đại lý vẫn công khai bán SIM rác và người mua không khó để mua được những chiếc SIM đã được kích hoạt sẵn.

Cụ thể, tại một quầy bán SIM nằm trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), khi được hỏi mua, người bán không ngần ngại đưa ra các thếp SIM của 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel. 

Khi hỏi về giá, người bán SIM tại khu vực Tây Sơn cho biết: "Ở đây bán SIM nghe gọi bình thường nên giá chỉ 100.000 đồng cho các mạng, trong tài khoản có sẵn vài nghìn đồng để khách có thể gọi luôn được trong lúc cần liên lạc gấp".

Sau đó, bằng những thao tác rất thuần thục, người bán sử dụng khay SIM gắn với điện thoại feature phone để kích hoạt thẻ SIM của MobiFone. Chỉ giây lát sau, cột sóng ngay lập tức hiện trên màn hình, điện thoại gắn SIM liền có thể nghe gọi bình thường.

W-dai-ly-sim-1710-4-1.jpg
Một điểm bán SIM rác trên đường Vũ Trọng Phụng. Ảnh: Ngô Minh

Tại một cửa hàng bán SIM thẻ nằm trên đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội), người mua SIM còn được thoải mái lựa chọn số theo yêu cầu, sở thích. SIM kích hoạt sẵn có giá bán đa dạng, khởi điểm từ 90.000-120.000 đồng, nếu chọn đầu số 09 sẽ có giá đắt hơn. Tại đây, người mua chỉ việc lấy SIM kích hoạt sẵn và lắp vào máy mà không cần thêm bất kỳ thao tác nào khác.

Dù người dùng có thể chọn lựa SIM của nhà mạng nào cũng được, tuy nhiên, theo chia sẻ của người bán, hàng hiện nay không còn nhiều. "SIM kích hoạt sẵn không còn dư dả như trước nữa đâu", chủ cửa hàng nói.

Với một cửa hàng bán SIM, sửa chữa điện thoại trên đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội), trong vai người có nhu cầu, phóng viên VietNamNet cũng không khó để mua được SIM đã kích hoạt, bao gồm cả SIM nghe gọi lẫn SIM data. Trong đó, “SIM data tập trung ở 2 nhà mạng VinaPhone và MobiFone nhờ giá rẻ, còn mạng Viettel do chi phí đắt nên ít nhập về”, chủ đại lý tại Hà Đông chia sẻ.

Ở một đại lý khác nằm trên phố Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội), theo giới thiệu của người bán: "SIM Vietnamobile có giá 150.000, duy trì 60.000, có 5GB data/ngày. Em lấy SIM MobiFone thì chị để giá 250.000, SIM này đã đăng ký gói cước, ngoài 1GB data/ngày, em có thể vào YouTube, Facebook, TikTok miễn phí". 

Sau đó, chỉ bằng một cuộc gọi với nội dung “Chị lắp SIM vào máy rồi đấy, kích hoạt cho chị đi em”, chủ cửa hàng dễ dàng giúp phóng viên kích hoạt thành công chiếc SIM MobiFone sử dụng tên người dùng khác mà không cần trình CCCD hay chụp ảnh đăng ký. Tâm sự thêm, bà chủ cửa hàng này cũng cho hay: "Dạo này làm gì có SIM nữa đâu em, việc mua SIM rác vì thế khó hơn trước nhiều". 

Trong đợt khảo sát mới nhất, VietNamNet cũng ghi nhận một số điểm bán SIM rác của Vietnamobile với mức giá từ 70.000 đến 150.000 đồng. Khi được nhờ kích hoạt SIM Vietnamobile không cần đăng ký, một chủ đại lý trên đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) hướng dẫn: "Anh chỉ cần gọi đến số 0922.789.789, bảo họ kích hoạt SIM cho là được". Sau đó, người này lắp SIM vào máy và thực hiện cuộc gọi.

Ở đầu dây bên kia, giọng một tổng đài viên vang lên. Qua vài câu trao đổi của chủ đại lý với tổng đài viên, chiếc điện thoại gắn thẻ SIM liền có thể truy cập mạng bình thường. Đáng chú ý, số máy 0922.789.789 cũng chính là số điện thoại của Tổng đài Chăm sóc khách hàng được in trên mặt sau chiếc thẻ SIM Vietnamobile.

W-dai-ly-sim-1710-2-1.jpg
Ngừng bán SIM qua đại lý được xem là một giải pháp để giải quyết "điểm nóng" về SIM rác. Ảnh: Trọng Đạt

Nhìn chung, các đại lý SIM thẻ vẫn là mắt xích thiết yếu trong công cuộc diệt trừ SIM rác. Doanh nghiệp viễn thông gần như không thể kiểm soát được hoạt động của hệ thống đại lý. 

Mới đây, ngày 15/10, Cục Viễn thông đã có văn bản gửi tới các doanh nghiệp viễn thông di động. Theo đó, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng nghiêm chỉnh thực hiện cam kết với lãnh đạo Bộ TT&TT về việc ngừng cung cấp SIM thuê bao di động qua các đại lý. 

Các doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo việc quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các đại lý và nhân viên vi phạm. Một số nhà mạng cũng nhận được yêu cầu kiểm tra, xác minh nội dung mà báo VietNamNet đã phản ánh, đồng thời xử lý các đại lý và nhân viên vi phạm. 

Quan điểm của Bộ TT&TT là chỉ có phát triển thuê bao một cách chặt chẽ mới hạn chế được tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ ra thị trường. Nếu phát hiện tình trạng SIM rác vẫn bày bán tràn lan, Bộ TT&TT sẽ đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3-12 tháng tùy theo mức độ vi phạm.