Mở cửa phiên giao dịch chính thức ngày 8/9 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ (tối 8/9 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast Auto (VFS) tiếp tục giảm giá. Trước đó, cổ phiếu VinFast đã giảm 7 phiên liên tiếp.
Tính tới 20h45 ngày 8/9 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS giảm 2,4% so với phiên liền trước, xuống 17,5 USD/cp. Vốn hóa của VinFast giảm xuống còn 40 tỷ USD.
Trong 7 phiên liền trước, cổ phiếu VinFast đã liên tục giảm giá sau khi xác lập đỉnh cao 93 USD/cp. Vốn hóa của VinFast cũng giảm nhanh từ mức gần 210 tỷ USD vào hôm 28/8 về gần ngưỡng 40 tỷ USD như hiện tại.
Với mức vốn hóa này, VinFast xuống vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng vốn hóa các hãng xe hơi trên thế giới, còn đứng trên một số hãng xe lâu đời là Hyundai và Kia.
Cụ thể, VinFast hiện đứng sau các hãng xe: Tesla (811 tỷ USD, tính tới đầu phiên 8/9) của tỷ phú Elon Musk, Toyota của Nhật (239 tỷ USD), hãng siêu xe Porsche của Đức (99,4 tỷ USD), hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc là BYD (95 tỷ USD), Mercedes-Benz (75,6 tỷ USD), BMW (67 tỷ USD), Volkswagen (62 tỷ USD), Stellantis (56 tỷ USD), hãng xe Ferrari của nước Ý (54,5 tỷ USD) và Honda (55 tỷ USD).
VinFast đang tham dự triển lãm xe điện Fully Charged Live tại Canada từ 8-10/9 với 2 mẫu xe VF 8 và VF 9.
Theo thông tin từ HNX, VinFast hôm 31/7 đã huy động 5.000 tỷ trái phiếu, với kỳ hạn 20 tháng và lãi suất 14,5%/năm.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD cho VinFast, trong đó của ông Phạm Nhật Vượng là 1 tỷ USD. Còn Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay 1 tỷ USD thời hạn tối đa 5 năm. Dự kiến, với khoản tiền này, VinFast có thể tự tin thực hiện các kế hoạch trong ít nhất 2 năm tới.
VinFast là một hãng xe hơi thành lập năm 2017 và chính thức chuyển hoàn toàn sang xe điện từ năm 2022. VinFast ước tính bán 50.000 xe ô tô điện trong năm 2023. Đây là hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam và khu vực ASEAN đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.