Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/8, sự hứng khởi của các nhà đầu tư sau thông tin VinFast (một công ty con của Vingroup) niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ với mức định giá lên tới 85 tỷ USD đã khiến cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng kịch trần với dư mua rất lớn.
Tính tới 10h9, cổ phiếu Vingroup tăng 4.900 đồng lên 75.600 đồng/cp với dư mua giá trần gần 5,9 triệu đơn vị. Đây là điều chưa từng có đối với cổ phiếu này.
Trước đó, kể từ đầu tháng 8, sau khi có thông tin về kế hoạch niêm yết VinFast trên sàn chứng khoán Mỹ với định giá cao, cổ phiếu Vingroup có những phiên tăng trần với khối lượng và giá trị khớp lệnh kỷ lục, Đơn cử phiên 4/8, 21,2 triệu cổ phiếu VIC được chuyển nhượng, mức cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2007.
Nhiều khả năng trong phiên giao dịch hôm nay 16/8, Vingroup cũng sẽ tự lập kỷ lục về giao dịch. Trong 1 tiếng đầu buổi sáng, đã có hơn 11 triệu cổ phiếu VIC được chuyển nhượng trên sàn chứng khoán HOSE.
Bên cạnh đó, Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tăng mạnh 1.400 đồng lên 63.100 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) cũng tăng khá ấn tượng.
Việc bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng bứt phá đã giúp thị trường chứng khoán sôi động, chỉ số VN-Index tính tới 10h15 tăng hơn 6 điểm lên hơn 1.240 điểm.
Nhóm cổ phiếu “họ Vin” tiếp tục tăng bứt phá trong buổi sáng 16/8 sau khi cổ phiếu VinFast tăng mạnh trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, qua đó kéo vốn hóa của hãng xe ô tô điện Việt Nam tăng vọt.
Kết thúc phiên giao dịch 15/8 trên sàn Nasdaq của Mỹ, cổ phiếu VinFast vọt lên trên ngưỡng 37 USD. Với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính quy mô vốn hóa của nhà sản xuất xe điện VinFast đạt mức 85 tỷ USD. Đây cũng là doanh nghiệp Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất tính đến hiện tại.
Tính đến hết ngày 15/8 tại Việt Nam, giá trị vốn hóa của Vingroup là khoảng 11,2 tỷ USD. Vinhomes là 11,4 tỷ USD và Vincom Retail là 3 tỷ USD.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast cho biết, việc thị trường chứng khoán Mỹ định giá VinFast ở mức 85 tỷ USD là vượt tưởng tượng của bà cho dù bà và lãnh đạo VinFast tin tưởng mức định giá 23 tỷ USD là rất bình thường và giá trị của VinFast sẽ còn đi lên.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, mức định giá 85 tỷ USD đã khẳng định niềm tin của thị trường đối với doanh nghiệp.
Bà Thủy cũng cho biết, mức định giá cao là một tin vui. VinFast có rất nhiều tiềm năng, nhưng phát triển mạnh mẽ hơn nữa phụ thuộc hoàn toàn vào chính doanh nghiệp. Và mọi thứ không phải màu hồng như ngày hôm nay (15/8).
Vingroup hiện nắm giữ hơn 51% cổ phần VinFast. Và nếu tính theo tỷ lệ này, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản hơn 43 tỷ USD tại hãng xe điện Việt đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ. Con số này gấp gần 4 lần so với vốn hóa hiện tại của Vingroup.
Trong vài tuần gần đây, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng mạnh, thêm khoảng 30% và hiện lên trên 70.000 đồng/cp, nhưng vốn hóa chỉ đạt 270 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 11 tỷ USD).
Với mức vốn hóa hơn 85 tỷ USD, VinFast đã chính thức vượt các ông lớn như Mercedes - Benz, BMW, , Honda, Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng. Đây cũng là bước ngoặt lịch sử VinFast trở thành công ty niêm yết đại chúng tại Mỹ, bước vào đường đua huy động vốn toàn cầu cùng với hàng ngàn doanh nghiệp lớn.
Theo cập nhật của Forbes, tính tới ngày 16/8, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản đạt 5,9 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với phiên liền trước và đứng thứ 458 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Với việc cổ phiếu VinFast tăng mạnh và vốn hóa lên 85 tỷ USD, giá trị tài sản Vingroup (hiện sở hữu hơn 51% VinFast) có thể cũng lên theo. Tài sản của ông Vượng có thể tăng vọt.
Trước đó, theo đánh giá của Bloomberg, tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể tăng thêm 11 tỷ USD nhờ VinFast, từ mức 5 tỷ USD lên 16 tỷ USD. Nếu tài sản của ông Vượng lên mức 16 tỷ USD, tỷ phú giàu nhất Việt Nam sẽ top 4 tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á.