Nhà báo Thái Duy, còn có bút danh là Trần Đình Vân khi ông viết cuốn Sống như Anh. Ông tên thật là Trần Duy Tấn, quê quán Hoài Đức (Hà Nội), ông sinh năm 1926 tại Bắc Giang.
Ngoài “Sống như Anh”, ông còn xuất bản một số cuốn sách khác như: “Người tử tù Khám lớn”, “Hải Phòng anh dũng”, “Đổi mới ở Việt Nam - nhớ lại và suy ngẫm”, “Khoán chui hay là chết”...
Năm 2020, trong số 7 nhà báo lão thành tiêu biểu được tôn vinh tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” vì đã có những cống hiến lớn lao, dành nhiều tâm huyết và tình cảm, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông làm báo Cứu Quốc (cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh) từ năm 1949. Sau đó, trở thành phóng viên chiến trường, tham gia đưa tin, viết bài về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại Hầm Đờ Cát vào thời khắc lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Năm 1960, nhà báo Thái Duy đã cùng Tổng biên tập Trần Phong và nhà báo Tống Đức Thắng của báo Cứu Quốc vượt Trường Sơn vào Nam sáng lập báo Giải Phóng – cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau năm 1975, ông tiếp tục làm báo Đại Đoàn kết (sát nhập báo Cứu Quốc và Giải Phóng thành báo Đại Đoàn kết) cho đến khi nghỉ hưu.
Ông viết tác phẩm Sống như Anh năm 1965 về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Bản thảo được ông viết ngay tại chiến trường miền Nam. Được một phóng viên Liên Xô (trước kia) mang ngay ra miền Bắc, qua đường hàng không từ Phnôm Pênh, tới Bác Hồ, được Bác khen ngợi, chỉ đạo in thành sách. Từ cái tên ban đầu là “Những lần gặp gỡ cuối cùng”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành “Sống như Anh”, đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở NXB Văn học tháng 7/1965, với 302 nghìn bản. Sau đó được tái bản liên tục, lên tới hàng triệu bản.
Theo Đại đoàn kết