Thế giới đang trải qua một thời kì có nhiều biến động phức tạp và khó lường: xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, bất ổn tại Trung Đông mới đây được dự báo sẽ làm tăng rủi ro cho kinh tế toàn cầu, có khả năng đẩy các ngân hàng trung ương vào cuộc chiến chống lạm phát mới. Bối cảnh này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam khi đất nước vẫn đang trên đà hồi phục.
Sau khoảng thời gian dài chiến đấu chống lại những hệ luỵ từ đại dịch Covid-19 và sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Trạng thái trì trệ lan rộng hầu khắp các ngành khiến sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, lợi nhuận mỏng đi đáng kể. Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp PROFIT500 (500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam) giữ được nhịp tăng trưởng trong nửa đầu năm nay thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan lại gia tăng.
Số liệu tính chung 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy dưới sức ép từ cả trong và ngoài nước, 135,1 nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, tăng 19,89% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh bối cảnh đầy thách thức của môi trường kinh doanh.
Tuy còn nhiều khó khăn tồn đọng nhưng nền kinh tế Việt Nam cũng đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III có xu hướng cải thiện với mức tăng 5,33% - cao nhất so với hai quý đầu năm; ngành công nghiệp có sự phục hồi khá tốt với mức tăng trưởng đạt 4,57%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp vào những chuyển biến tích cực kể trên không thể không nhắc tới nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế. Dù ở bất kì hoàn cảnh nào, đối diện với bao nhiêu khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Với mục đích vinh danh các đại diện doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận tốt, có vị thế trong ngành và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung, Vietnam Report và Báo VietNamNet sẽ phối hợp tổ chức Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500) và Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống - Bán lẻ - Bao bì năm 2023 vào ngày 26/10 tại Hà Nội.
Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, các nghiên cứu của Vietnam Report được hoàn thiện với phương pháp luận khoa học và minh bạch. Cụ thể, bảng xếp hạng PROFIT500 được đánh giá theo phương pháp tính điểm trọng số với các trụ cột chính là lợi nhuận trước thuế, doanh thu, các chỉ số phản ánh khả năng sinh lời (ROA, ROE, ROR), cùng một số chỉ tiêu tham chiếu khác như uy tín truyền thông, quy mô lao động… Trong khi đó, Top 10 Công ty uy tín các ngành được xây dựng dựa trên ba tiêu chí chính: năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding, và kết quả khảo sát đối tượng nghiên cứu cùng các bên liên quan.
Ngày nay, bên cạnh những thành tựu đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự gắn kết và uy tín thương hiệu cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thành công, giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới. Do đó, việc tăng cường đầu tư hình ảnh thương hiệu, nâng cao uy tín ngày càng được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Theo Vietnam Report, các doanh nghiệp nhận định 3 yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến uy tín truyền thông trong thời gian gần đây là tần suất xuất hiện, chất lượng thông tin và thông tin liên quan đến hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong đó, những chủ đề thường xuyên xuất hiện nhất là hình ảnh/ PR/ scandals, sản phẩm, giá, tài chính/ kết quả kinh doanh và quản trị.
Khảo sát các doanh nghiệp cũng chỉ ra 5 động lực được đánh giá sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới, bao gồm: Mở rộng kinh doanh, đa dạng hoá thị trường tiềm năng trong và ngoài nước; Mặt bằng lãi suất vay ngân hàng thương mại giảm; Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%; Vị thế và năng lực cạnh tranh được cải thiện; và Đầu tư công được đẩy mạnh.
Với nỗ lực khuếch đại những động lực tăng trưởng kể trên, đồng thời chủ động xoay trục chiến lược sản xuất - kinh doanh phù hợp, bắt nhịp với những chuyển động mới trong môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, khẳng định vị trí trong chu kì kinh tế mới, đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi, kiến thiết quỹ đạo tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và biến động khó lường, ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận tốt và giàu uy tín càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng công chúng chờ đón và đánh giá cao. Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam và Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống - Bán lẻ - Bao bì năm 2023 không chỉ là dịp để đại diện các doanh nghiệp quy tụ cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, mà còn là bệ phóng quan trọng giúp thương hiệu vươn xa hơn, vững bước phát triển trong thời kì mới.
(Nguồn: Vietnam Report)