Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, ngành sản xuất công nghiệp của Vĩnh Long hiện nay chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ trọng 98,4%. Tỉnh Vĩnh Long hiện có 2 khu và 1 tuyến công nghiệp, có 68 dự án hoạt động trong khu công nghiệp (KCN), trong đó có 40 dự án FDI với các ngành chủ yếu như công nghiệp chế biến, linh kiện phụ tùng; dệt may - da giày,…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những ngành này đang đối diện với khó khăn và có sự sụt giảm nghiêm trọng. Do vậy, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, các chính sách hỗ trợ xúc tiến đầu tư, đổi mới, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; nâng cao năng lực, hạ tầng của các khu công nghiệp như Đông Bình, An Định để thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
Nhà máy sản xuất linh kiện ô tô đóng tại KCN Bình Minh (Vĩnh Long) là dự án sản xuất, xuất khẩu 100% chi tiết linh kiện cho hầu hết tất cả các thương hiệu ô tô trên toàn thế giới. |
Đáng chú ý, nếu như trước đây những dự án đầu tư vào các KCN Vĩnh Long phần lớn trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm; thức ăn gia súc - thủy sản; giày da... thì nay đã có thêm các dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ (CNHT) như sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Nhờ đó, Vĩnh Long đã định hướng thu hút được vốn đầu tư, tăng cơ hội tham gia chuỗi giá trị, tạo năng lực sản xuất mới cho công nghiệp.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Chương trình phát triển CNHT đến năm 2025, trong đó bên cạnh những ngành nghề đã có, tỉnh chủ trương phát triển công nghiệp công nghệ cao theo hướng kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT của tỉnh.
Thu Uyên