Kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã được UBND tỉnh ban hành.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4, giúp giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội.
Các sở, ngành, địa phương tại Vĩnh Long sẽ tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến mức 3, 4. (Ảnh: Sở TT&TT Vĩnh Long) |
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, UBND tỉnh Vĩnh Long đã vạch rõ 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được tập trung triển khai trong thời gian tới.
Theo đó, với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất hình thức khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến mức 3 và 4, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Vĩnh Long được giao trách nhiệm chủ trì với Văn phòng UBND tỉnh cùng 2 sở: TT&TT, Nội vụ chủ động đề xuất giảm thời gian và ưu tiên giải quyết với các hồ sơ nộp trực tuyến.
“Tùy tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, áp dụng sáng kiến trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phí, lệ phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị, địa phương”, UBND tỉnh Vĩnh Long hướng dẫn cụ thể.
Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã cũng được yêu cầu phải bố trí công chức làm nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến. Có thể phối hợp với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để triển khai.
Nhằm đảm bảo cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4, Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm thường xuyên rà soát khâu thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên online mức 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Đối với các dịch vụ công không đủ điều kiện đưa lên trực tuyến mức 4, cần ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để đưa tối đa các hoạt động cung cấp dịch vụ công lên môi trường mạng từ quá trình nộp, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho đến trả kết quả.
Tổ chức hội thi trực tuyến tìm hiểu về DVCTT là nhiệm vụ được UBND tỉnh giao Sở TT&TT chủ trì, với yêu cầu hoàn thành trong tháng 11.
Từ nay đến cuối năm, nhiều nhiệm vụ khác về cung cấp DVCTT trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai như: Thực hiện quét an toàn thông tin để kết nối tích hợp dữ liệu chính thức từ Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; Rà soát, đánh giá chất lượng theo danh sách các DVCTT mức 3, 4 đã cung cấp...
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, việc cung cấp DVCTT mức độ cao đã được đẩy mạnh. Hầu hết các dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức 4. Một số cơ quan nhà nước có những giải pháp tăng cường hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT, tiêu biểu như ưu tiên về thời gian giải quyết thủ tục hay lệ phí thực hiện.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT của các bộ, ngành, địa phương, ngày 16/5, Bộ TT&TT đã hướng dẫn các bộ, tỉnh một số giải pháp cần triển khai ngay. Trong đó, có khuyến nghị về giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến; giảm lệ phí khi người dân, doanh nghiệp chọn dùng dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Vân Anh
Ưu tiên triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, tỉnh khẩn trương hoàn thành dứt điểm, có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án 06.