Năm 2010, tỉnh Vĩnh Phúc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, chỉ có 14 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 80 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 6,6 tiêu chí.
Hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhân lực khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn.
Sau 11 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo khu vực nông thôn ở Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc.
Hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Nông thôn mới đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nông dân với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ cho hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng.
Các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh"; phong trào "Tuổi trẻ Vĩnh Phúc xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế", "Ngày thứ bảy tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh" hay phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới"; phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, tạo động lực, khí thế, huy động sức dân cùng tham gia thực hiện chương trình.
Tỉnh luôn thực hiện nhất quán phương châm “Người dân nông thôn là chủ thể xây dựng nông thôn mới”, “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; phát động rộng khắp phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Năm 2021, Vĩnh Phúc có 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Vĩnh Tường hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới; các huyện Tam Đảo, Tam Dương hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới; huyện Sông Lô đạt 8/9 tiêu chí và huyện Lập Thạch đạt 7/9 tiêu chí.
Các địa phương tiếp tục nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 30% số thôn được công nhận thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Giai đoạn tới, để hoàn thành mục tiêu có từ 8 đến 10 xã nông thôn mới nâng cao, 53 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; các huyện Tam Dương, Tam Đảo hoàn thiệu tiêu chí nông thôn mới và hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định; huyện Sông Lô, Lập Thạch đủ các điều kiện, tiêu chí huyện nông thôn mới, tỉnh tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, quán triệt tinh thần “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Khuyến khích người dân chủ động, tích cực đóng góp nguồn lực tham gia xây dựng, đầu tư nâng cấp, bảo trì các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm thiểu sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp. Ưu tiên nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ nay đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; ban hành và tổ chức có hiệu quả các chính sách đặc thù về đầu tư, hỗ trợ cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Quỳnh Nga