Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng tích hợp, kết nối, liên thông 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên môi trường mạng. Đây là bước tiến quan trọng để Vĩnh Phúc xây dựng chính quyền điện tử, trọng tâm phát triển kinh tế số.
Nhân viên kỹ thuật Viettel Vĩnh Phúc kiểm tra hệ thống mạng đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Ảnh: Thế Hùng
Chủ động bắt nhịp xu thế phát triển công nghệ thông tin toàn cầu, những năm qua, hạ tầng thông tin của tỉnh được đầu tư đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, trang bị hệ thống bảo mật bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh - huyện - xã đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng cố định, phục vụ công tác chuyên môn và thực hiện kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng đến 169 đơn vị, địa phương và đồng bộ đến cấp xã.
Toàn tỉnh có 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100% và đã phát sóng 2 trạm 5G của Viettel; hơn 1,3 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó có 284 nghìn thuê bao Internet băng rộng cố định và 1 triệu thuê bao Internet băng rộng di động.
Tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cố định đạt 90% thông qua 5 nhà cung cấp dịch vụ: Viettel Vĩnh Phúc, VNPT Vĩnh Phúc, FPT Vĩnh Phúc, Công ty SCTV và VTVcap.
Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin đã thiết lập, kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia, Cổng thanh toán tập trung Quốc gia và kết nối đến các cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, trung ương.
Hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam triển khai thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh. Hệ thống phần mềm thử nghiệm đã triển khai kết nối và hiển thị thông tin, dữ liệu của các lĩnh vực gồm Hệ thống điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Lĩnh vực Y tế; Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo; Giám sát an toàn giao thông, an ninh trật tự; Hoạt động hành chính công; Điều hành tác nghiệp; Giám sát thông tin trên không gian mạng.
Thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng số của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế số.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục, y tế đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, một số cơ sở y tế đã triển khai thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho việc khai báo thẻ bảo hiểm y tế; gần 11 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh, chiếm 72% tổng doanh nghiệp.
Toàn tỉnh có 59/68 hệ thống thông tin được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin; đã kích hoạt gần 630 nghìn tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 74% số người trên 14 tuổi; 9.509 chữ ký số của công ty, doanh nghiệp; 5.193 chữ ký số cá nhân do VNPT Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc cung cấp.
Năm 2022, Vĩnh Phúc đứng thứ 5 cả nước về tỷ trọng kinh tế số/tổng giá trị sản phẩm (GRDP). Năm 2023, tổng giá trị tăng thêm của một số ngành liên quan kinh tế số đạt 34.202 tỷ đồng, chiếm 21,6% tổng GRDP của tỉnh.
Để hạ tầng thông tin ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định đầu tư xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ quan trọng tạo động lực cho phát triển kinh tế số.
Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư, nâng cấp hình thành hạ tầng số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, triển khai điện toán đám mây để xây dựng Trung tâm dữ liệu số, Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng theo hướng quản lý, vận hành, lưu trữ tập trung.
Triển khai hội nghị truyền hình phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các sở, ngành của tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã, củng cố hệ thống thông tin cơ sở phục vụ triển khai chính quyền điện tử tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng lưới, cung cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật xây dựng Chính quyền điện tử, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phấn đấu đến năm 2030, có 60% hệ thống thông tin có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẽ dữ liệu cấp tỉnh; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử.
Theo Mai Liên (Báo Vĩnh Phúc)