Báo cáo quý I/2023 cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và bán lẻ mạnh tay cắt giảm nhân sự.
Thông tin CTCP tập đoàn Thế giới Di động (MWG) do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch, cắt giảm cả vạn người lao động trong 6 tháng qua khiến nhiều người lo ngại về triển vọng sức cầu của nền kinh tế.
Việc cắt giảm mạnh chi phí nhân viên giúp Thế giới Di động tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trong quý I/2023 nhưng ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng dù hệ thống có quy mô hơn 5.700 cửa hàng trên cả nước.
Giải thích về sự sụt giảm mạnh số lượng nhân sự, MWG cho rằng, do biến động tự nhiên. Các năm trước, số lượng nhân sự nghỉ việc được bù đắp bằng số lượng tuyển mới. Nhưng từ cuối năm 2022, công ty tạm ngừng tuyển dụng thay thế.
Dù là do biến động tự nhiên, sự sụt giảm nhân sự tại MWG cũng khiến nhiều người lo ngại bởi chủ trương của ông Nguyễn Đức Tài là: "luôn coi trọng tài sản con người trong doanh nghiệp, coi chi phí cho nhân viên là khoản đầu tư không bao giờ phí". Sự sụt giảm sức mua trong nhiều quý qua có thể đã ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn cũng cắt giảm mạnh nhân sự. Novaland, CenLand, Đất Xanh… cắt giảm lao động ở nhiều vị trí, từ môi giới kinh doanh, truyền thông… cho đến cả công nghệ thông tin.
Sự trầm lắng của thị trường bất động sản, kéo dài trong suốt cả năm 2022 cùng với sự thiếu hụt của dòng tiền cũng như chi phí nguồn vốn tăng cao… đã khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Cắt giảm chi phí thường là giải pháp được lựa chọn đầu tiên.
Trong quý I/2023, ngay cả ông lớn Vinhomes (VHM) cắt giảm mạnh số lượng nhân sự trực tiếp. Trong 3 tháng đầu năm, Vinhomes cắt giảm hơn 1.500 người cho dù doanh nghiệp này vẫn ghi nhận lợi nhuận lớn, quán quân trên thị trường chứng khoán.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cắt giảm nhân sự mạnh trong 2 quý vừa qua như Đất Xanh, Novaland, Phát Đạt... Trong quý I, Đất Xanh (DXG) cắt giảm cả nghìn lao động, giảm hơn 1/3 so với đầu năm. Novaland tiếp tục cắt giảm nhân sự trong bối cảnh phải tái cấu trúc vì mất thanh khoản do vay nợ nhiều.
Gần đây, Chính phủ nỗ lực tìm giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công, cắt giảm thuế phí và các thủ tục hành chính… để hỗ trợ nền kinh tế. Một loạt giải pháp được đưa ra như tín dụng phát triển nhà xã hội, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản, giãn nợ, khơi thông thị trường trái phiếu…
Một số doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu khởi động lại các dự án. Sức ép đối với các doanh nghiệp còn lớn khi lãi suất chưa giảm nhiều, niềm tin của người mua nhà giảm và đặc biệt là sức cầu thấp. Thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế cần thêm thời gian để có thể hồi phục.
Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global trong tháng 4 cũng cho thấy, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm do nhu cầu khách hàng vẫn yếu.
Chỉ số PMI tháng 4 giảm xuống còn 46,7 điểm, so với 47,7 điểm của tháng 3, nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Sự chùng xuống của hoạt động sản xuất còn được nhận thấy ở tình trạng kém sôi động trên thị trường mở và liên ngân hàng. Có nhiều khoảng thời gian từ đầu năm tới nay, vốn rẻ bị ế. Lãi suất thấp hơn và kỳ hạn vay dài hơn nhưng Ngân hàng Nhà nước ế vốn cho vay trên kênh OMO (thị trường mở).
Trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng cũng có dấu hiệu thừa vốn, vay mượn lẫn nhau để bù đắp thanh khoản với mức lãi suất nhiều thời điểm xuống rất thấp. Như hồi cuối tháng 3 và đầu tháng 4, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 1-2%/năm. Đây là mức lãi suất qua đêm thấp nhất trong 8 tháng và tương đương giai đoạn "tiền rẻ" từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022.
Theo đánh giá của Chứng khoán BSC, doanh nghiệp bất động sản vẫn khó vì niềm tin của người mua nhà giảm, nhu cầu thực chưa được đáp ứng, nhu cầu đầu tư giảm mạnh và hạn chế trong việc tiếp cận khoản vay. Trong khi đó, các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và cổ phiếu, tín dụng… khó khăn. Thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn ảm đạm.