Tới 2h00, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm điểm chưa từng có, mất gần 80 điểm xuống dưới ngưỡng 1.300 điểm. Tất cả 30 mã chủ chốt thuộc nhóm VN-30 đều giảm giá. Trong đó, FPT, PNJ, VPBank, GVR, BIDV, Vietinbank, GAS, MWG, Sabeco, SSI, POW, TPBank, VietJet giảm sàn. Trong phiên, nhiều mã VN-30 khác cũng có lúc giảm sàn.
Chốt phiên 25/4, chỉ số VN-Index giảm 68,31 điểm xuống 1.310,92 điểm. Tất cả 30 mã chủ chốt thuộc nhóm VN-30 đều giảm giá. Trong đó, Bảo Việt, BIDV, FPT, PNJ, VPBank, GVR, , Vietinbank, Hòa Phát, GAS, MWG, Petrolimex, Sabeco, SSI, POW, Sacombank, TPBank giảm sàn. Thanh khoản đạt 24,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 21,9 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.
Tới 1h27, chỉ số VN-Index giảm hơn 56 điểm xuống gần 1.320 điểm. Tất cả 30 mã chủ chốt thuộc nhóm VN-30 đều giảm giá. Trong đó, FPT, PNJ, VPBank. GVR giảm sàn. Trong phiên, BVH, GAS cũng có lúc giảm sàn.
Tới 1h10, chỉ số VN-Index giảm hơn 46 điểm xuống gần 1.330 điểm. Thanh khoản khá yếu. Tất cả 30 mã chủ chốt thuộc nhóm VN-30 đều giảm giá. Trong đó, FPT, PNJ, BVH, GVR có lúc giảm sàn.
Áp lực bán tăng gia trở lại vào gần cuối phiên giao dịch buổi sáng ngày đầu tuần sau khi thị trường chứng khoán đã xanh tăng điểm vào đầu phiên. Sắc đỏ bao trùm, nhiều mã cổ phiếu blue-chips giảm và VN-Index tụt giảm.
Thị trường chứng khoán tiếp tục cho thấy 2022 là một năm khó khăn đối với các nhà đầu tư khi quay đầu giảm khá nhanh về gần cuối phiên buổi sáng với hầu hết các mã chủ chốt trên sàn giảm điểm.
Lúc 10h53, chỉ số VN-Index giảm sâu hơn 22 điểm và hướng về ngưỡng 1.350 điểm. Trong khi đó, HNX-Index và Upcom-Index cũng giảm nhanh.
Trong nhóm VN-30, nhóm 30 cổ phiếu chủ chốt trên sàn HOSE, chỉ có Vingroup (VIC), Vincom Retail (VRE) và Vietcombank (VCB) tăng nhẹ và 3 mã ngân hàng đi ngang (gồm ACB, HDBank, MBBank), còn lại đều giảm.
Thế Giới Di Động (MWG) giảm mạnh 5.600 đồng xuống 150.200 đồng/cp; Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) giảm 5.000 đồng xuống 110.000 đồng/cp; Sabeco (SAB) giảm 6.000 đồng xuống 164.300 đồng/cp; FPT giảm 4.200 đồng xuống 106.900 đồng/cp; GAS giảm 3.300 đồng xuống 109.000 đồng/cp…
Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong phiên đầu tuần sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin chứng khoán thế giới tiếp tục giảm sâu. Chứng khoán Mỹ trong phiên cuối tuần chứng kiến phiên giảm điểm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới hơn 900 điểm trong chỉ một phiên.
Trước đó, chứng khoán Việt Nam ghi nhận thêm một tuần tiêu cực từ 18-22/4. Khối các nhà đầu tư cá nhân bán mạnh, trong khi đó nhóm ngoại mua ròng, gom hàng.
Chỉ trong hơn 2 tuần vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm gần 10%, qua đó khiến vốn hóa bốc hơi gần 35 tỷ đồng. Rất nhiều mã cổ phiếu giảm trên 40%. Không ít mã giảm sàn liên tục và bốc hơi 70-80% như trong các nhóm cổ phiếu nóng “họ FLC”, “họ Louis”, “họ HUT-Tasco”…
Thị trường cổ phiếu Việt giảm nhanh trong bối cảnh lãnh đạo một số doanh nghiệp bị bắt liên quan tới các sai phạm “thao túng thị trường chứng khoán”, “lừa đảo” như trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, ông Đỗ Anh Dũng…
Gần nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Chứng khoán Trí Việt, Louis Holdings (HoSE: TGG), Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land (HNX: BII) và một số đơn vị liên quan, bắt tạm giam ông Đỗ Thành Nhân, ông Đỗ Đức Nam…
Điều mà nhiều người lo ngại là dòng tiền đang bị rút ra khỏi thị trường cổ phiếu khi mà sức hấp dẫn kém đi, các doanh nghiệp đưa vốn trở lại sản xuất, lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng trở lại và một lượng tiền có thể bị hút do hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp không còn thuận lợi.
Hầu hết các công ty chứng khoán đưa ra dự báo thận trọng.
BSC cho rằng, cần thêm một hai phiên xác định xu hướng rõ ràng hơn xem tín hiệu hiệu hồi phục tại ngưỡng 1.360 điểm như thế nào.
Còn MBS cho rằng, cần quan sát diễn biến thị trường ở vùng hỗ trợ 1.350 – 1.370 điểm. Thanh khoản thị trường tăng dần cho thấy nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh các mã cổ phiếu chiết khấu về mức hấp dẫn.
SHS cũng đánh giá, ngưỡng 1.350 điểm sẽ là vùng quan trọng cần quan sát.
M. Hà