Ông Nguyễn Nhật Tuyên - đại diện VNG, Ông Nguyễn Tuấn Huy - đại diện Hiker Game, Ông Lê Giang Anh - đại diện JOY Entertainment và Ông Vũ Phan Trung - đại diện DOTGEARs cùng Ông Vũ Xuân Sinh - đại diện VTC Academy có "cuộc chạy đua" cùng các thí sinh của mình tiến vào Vòng Chung kết của Giải thưởng Chim Xanh 2016.
Tại Vòng Chung kết, hoạt động Coaching được diễn ra trong vòng 1 tháng từ 24/11/2016 đến 24/12/2016, các thí sinh được BTC sắp xếp lịch gặp gỡ, làm việc cùng Huấn luyện viên của mình. Mỗi Huấn luyện viên lựa chọn và đảm nhận việc hỗ trợ thí sinh cải tiến sản phẩm thông qua việc tư vấn, góp ý, hỗ trợ tối đa bằng nguồn lực hiện có của mình. Nhờ đó hoạt động Coaching cũng trở nên vô cùng phong phú. Từ việc Huấn luyện viên "xúi" thí sinh các kỹ thuật để làm mượt sản phẩm cho đến việc hứa hẹn những "giấc mơ" triệu download.
Hoạt động Coaching còn thể hiện đa sắc thái ở cách thức triển khai với từng "cặp đôi" thí sinh và huấn luyện viên, từ online đến offline, từ email đến chat, từ tin nhắn đến những cuộc điện thoại. Sự kết nối giữa ban tổ chức, huấn luyện viên và thí sinh không ngừng nghỉ suốt chặng đường Coaching góp phần to lớn đến việc phát triển sản phẩm theo kế hoạch cam kết từ thí sinh đến những nỗ lực từ sự tâm huyết của huấn luyện viên đối với sản phẩm mà họ nhận Coaching.
Chia sẻ về hoạt động Coaching tại vòng Chung kết của Giải thưởng Chim Xanh 2016, các Huấn luyện viên cho hay: “Cả 2 đội đều đưa ra được gameplay rất tốt, nhưng theo 2 hướng khác nhau. Mysterious Stone hướng về lối chơi kinh điển nhưng thêm nhiều ‘đổi mới’, định hướng mở rộng trong tương lai cũng rất khả quan, với khả năng thương mại hóa thành công cao. Hyper Looper thì thiên về lối chơi tương tác đơn giản, dễ chơi dễ "nghiện", phù hợp với thị trường quốc tế. Nếu được đầu tư hoàn thiện, khả năng trở thành game "chục triệu downloads" khá dễ dàng”, Ông Nguyễn Nhật Tuyên, Giám đốc Game Studio, huấn luyện viên của hai sản phẩm Mysterious Stone và Hyper Looper chia sẻ.
Còn huấn luyện viên Lê Giang Anh, CEO của Joy Entertainment thì lại khá hài lòng với các “học trò” của mình. “Các bạn nắm bắt vấn đề tốt, tuy chưa có nhiều kinh nghiệm. Đội phát triển game Color Path Jump khá ổn. Nếu có thể tổ chức một buổi workshop nhỏ cho các team lọt vào TOP 10 thì hiệu quả mang lại sẽ còn tốt hơn thế nữa”, ông cho biết.
Đánh giá về thí sinh của hai nhóm Magic Light và BearCatcher, ông Vũ Phan Trung, giám đốc DOTGEARS Studio, huấn luyện viên của cả hai đội có những đánh giá tốt về “học trò” của mình. Tất nhiên, ông cũng khẳng định để tới được bước hoàn thiện cuối cùng, tất cả còn phải cố gắng rất nhiều và nỗ lực một cách hết sức mình mới sớm tìm ra sự đột phá riêng.
“Đội làm BearCatcher có 1 Programmer và 1 Artist. Đây là sự kết hợp rất hiệu quả để phát triển mini game. Tuy nhiên nếu muốn thương mại hoá cần nỗ lực nhiều hơn của 2 bạn để hoàn thiện sản phẩm. Còn đội làm Magic Light chỉ có thế mạnh về lập trình khi có đến 4 bạn Programmer và không có Artist riêng, nên gặp khó khăn trong thiết kế đồ hoạ. Hướng giải quyết là sử dụng phong cách đồ hoạ tối giản, sử dụng hình khối và màu để tạo ấn tượng”, ông Trung chia sẻ.
Không chỉ riêng ông Trung mà những vị huấn luyện viên còn lại cũng đang dốc lòng, dốc sức để giúp đỡ các đội game mà mình đã lựa chọn và được giao trọng trách hỗ trợ. Ông Nguyễn Tuấn Huy, giám đốc Hiker Games Studio đã không ngần ngại chia sẻ các đầu mối thực hiện phần âm thanh và tiếng động của mình ở nước ngoài, để các bạn trẻ có thể kết nối và được chỉ bảo hướng dẫn. Đây là những mối quan hệ đáng quý, bởi chính các đối tác này đã tham gia thực hiện phần âm thanh, nhạc nền của các sản phẩm game nổi tiếng như 7554, Đại Minh Chủ, Mộng Võ Lâm… những trò chơi đã làm nên tên tuổi và thành công của Emobi Game ngày xưa và Hiker Games trong hiện tại.
“Hoạt động huấn luyện tuy có nhiều khó khăn về vị trí địa lý, tuy nhiên ban tổ chức rất nhiệt tình "kết nối" các đội với huấn luyện viên, cộng với phương tiện liên lạc hiện nay khá dễ dàng nên không có khó khăn gì đáng kể. Các thí sinh cũng rất nhiệt tình đưa ra các câu hỏi. Tôi đánh giá cao các câu hỏi về khả năng thương mại hóa trong tương lai. Điều đó chứng tỏ sân chơi Bluebird Award không còn đơn thuần dành cho các sản phẩm "sinh viên" mà đang dần trở thành nơi hội tụ các sản phẩm Việt thật sự chất lượng”, trích lời ông Nguyễn Nhật Tuyên.
Một đặc điểm chung là hầu hết các game, app vẫn còn nhiều lỗi, yếu về phần hướng dẫn cách chơi cũng như trải nghiệm ban đầu và đặc biệt hay bỏ quên việc dẫn dắt người chơi tới với cốt truyện chính. Điều này được xem là khó tránh khỏi bởi các đội game chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển và hoàn thiện sản phẩm. “Lâu nay em chỉ biết làm game rồi đẩy lên các chợ ứng dụng. Em thường đánh giá game qua lối chơi hoặc đồ họa. Nhưng sau khi thay đổi theo chỉ bảo của anh huấn luyện viên thì thấy game bỗng hấp dẫn hơn nhiều”, Ngọc Thành, tác giả của game Dark Lane Free cho biết.
“Sau khi nghe những lời nhận xét của bản giám khảo mình như được mở mang thêm kiến thức và nhận thấy mình con nhiều thiếu sót khi gặp huấn luyện viên là anh Vũ Phan Trung và được nghe những nhận xét cụ thể về game. Anh đưa ra rất nhiều ý kiến để cải thiện sản phẩm, cũng như định hướng cho mình vềhỗ hướng phát triển trong tương lai. Sự hỗ trợ của anh cũng làm mình thêm tự tin và thấy game rất có triển vọng. Mong rằng sẽ được anh nhận xét về những game sau này”, Đào Văn Dũng, thí sinh phát triển game BEARCATCHER chia sẻ.
Thời gian huấn luyện các đội làm game, app sẽ kéo dài tới hết 24/11. Sau đó, các đội thi bước vào giai đoạn bình chọn cuối cùng, kéo dài trong thời gian 1 tháng. Để lựa chọn ra sản phẩm xuất sắc nhất, ban tổ chức sẽ căn cứ vào chỉ số Active User trên kho ứng dụng.
Về Bluebird Award
Còn có tên gọi là Giải thưởng Chim Xanh, đây là cuộc thi lớn nhất trong năm dành riêng cho giới lập trình game trên thiết bị di động. Chương trình nhằm phát hiện và khuyến khích cá nhân, nhóm, doanh nghiệp Việt Nam phát triển những ứng dụng và trò chơi trên thiết bị di động có tính sáng tạo, giải trí và giáo dục, góp phần đưa các nhân tố này tham gia vào thị trường toàn cầu.
Bluebird Award 2016 bao gồm ba vòng là Sơ loại, Trung loại và Chung kết. Đội chiến thắng sẽ có cơ hội được tham quan trụ sở chính của Google tại Mỹ, bên cạnh giải thưởng 50 triệu đồng tiền mặt.
Danh sách các sản phẩm dự thi:
Google Play Store: http://goo.gl/ZPxXs0
App Store: http://goo.gl/du5BLa
Thông tin chi tiết, vui lòng truy cập website: www.bbg.com.vn
hoặc Fanpage: https://www.facebook.com/bluebirdaward
Ngay bây giờ, hãy cùng tham gia trải nghiệm và cổ vũ cho các nhà phát triển tương lai của Việt Nam!
Noah