Băng tần 3.700 - 3.800 MHz là dải băng tần tầm trung đang được nhiều nhà mạng lớn trên thế giới tìm kiếm và sử dụng nhờ lợi thế về băng thông lớn, tốc độ cao, độ trễ thấp cùng chi phí đầu tư hiệu quả, đáp ứng được các mạng lưới 5G tiên tiến nhất hiện nay.
Với VNPT, việc trúng đấu giá khối băng tần C2 có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép VNPT nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất, đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G tốc độ cao tại Việt Nam. Cùng với dải băng tần 3.700 – 3.800 MHz, VNPT cũng đang sở hữu dải băng tần 1.800 MHz, đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới, đồng thời, tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G trong tương lai.
Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, đấu giá băng tần là bước đầu theo quy định của Nhà nước về việc triển khai 5G tại Việt Nam. Sau khi trúng đấu giá băng tần 3.700 – 3.800 MHz, VNPT sẽ chuẩn bị để có thể sớm triển khai thương mại hóa 5G thành công. Để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, VNPT sẽ hợp tác chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng băng tần 3.800 - 3.900 MHz trong lần đấu giá lại sắp tới. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.
Trong thời gian qua, VNPT đã có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và bài bản chiến lược phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số để có thể phát huy tối đa sức mạnh của 5G. Tập đoàn VNPT ưu tiên việc phát triển hạ tầng mạng 5G theo hướng nâng cao trải nghiệm của người dùng, đem đến tốc độ cao, dung lượng lớn, độ trễ thấp nhất mà vẫn tối ưu chi phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay, sự kiện đấu giá tần số có ý nghĩa quan trọng với ngành TT&TT, kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G, là cơ sở để phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia: “Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt không chỉ thể hiện cam kết của Bộ TT&TT trong việc thúc đẩy phát triển ngành viễn thông, mà còn là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp tham gia đấu giá phát triển thương mại hóa 5G, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”.
Chia sẻ về quá trình quản lý, cấp phép tần số, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục tần số Vô Tuyến điện (Bộ TT&TT) nhấn mạnh: Để thương mại hoá 5G, việc đầu tiên Nhà nước cần làm là cấp phép sử dụng băng tần chính thức cho các doanh nghiệp để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ. Cấp phép băng tần 5G phải thực hiện bằng hình thức đấu giá tần số.
Việc cấp phép tần số bằng hình thức đấu giá không phải là chính sách mới hoàn toàn mà đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009. Việc này nhằm 2 mục tiêu: Minh bạch hóa quy trình cấp phép tần số quý hiếm và thu tiền sử dụng tài nguyên cho ngân sách.
“Mục tiêu quan trọng nhất là minh bạch quy trình để cấp phép sử dụng cho những doanh nghiệp đủ năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên quý hiếm này, đảm bảo cho thị trường thông tin di động phát triển tốt và cạnh tranh lành mạnh”, ông Đoàn Quang Hoan nói.