Lưu lượng sử dụng các hệ thống truyền hình trực tuyến tăng mạnh
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được dự báo còn diễn biến khó lường, nhiều địa phương đã tổ chức khai giảng online và triển khai việc học trực tuyến cho hàng chục triệu học sinh.
Theo ghi nhận của không ít phụ huynh, trong 2 ngày qua, các buổi học trực tuyến của học sinh, nhất là tại những trường sử dụng giải pháp hỗ trợ dạy - học trực tuyến của nước ngoài như Zoom, liên tục bị rớt mạng, gián đoạn thời gian học.
Trong 2 ngày qua, việc học online của một số học sinh gặp khó khăn do kết nối Internet bị chập chờn, quá tải. (Ảnh minh họa) |
Thông tin với ICTnews, đại diện VNPT cho biết, tại thời điểm khai giảng sáng 5/9 và ngày đầu tiên của năm học 6/9, lưu lượng sử dụng các hệ thống truyền hình trực tuyến như Microsoft Team, Google Meet, Zoom ... đã tăng lên gấp 4 lần so với các ngày trước đó.
Nhà mạng Viettel cũng ghi nhận việc nhiều địa phương tổ chức cho học trực tuyến dẫn tới nhu cầu sử dụng Internet cố định của các gia đình tăng lên đáng kể trong 2 ngày qua.
Mặt khác, các nhà mạng cho hay, từ sáng ngày 4/9, tuyến cáp biển AAE-1 gặp sự cố trong khi một tuyến cáp biển khác là AAG vẫn chưa khôi phục hoàn toàn dung lượng do lỗi cáp xảy ra từ trung tuần tháng 8, đã gây ảnh hưởng nhất định đến kết nối của người dùng dịch vụ Internet quốc tế.
Mở rộng, tăng cường kết nối đáp nhu cầu học tập trực tuyến
Đại diện VNPT cho hay, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, nhất là với giáo viên, học sinh, sinh viên đang dạy và học online, nhà mạng này đã ưu tiên xử lý định tuyến lưu lượng để đảm bảo cho các dịch vụ học tập trực tuyến, họp/hội thảo online. “Đến chiều ngày 6/9, lưu lượng trên mạng lưới của VNPT đã đảm bảo lưu thoát, ổn định phục vụ khách hàng”, đại diện VNPT khẳng định.
Để đảm bảo năng lực mạng lưới đáp ứng nhu cầu học online của học sinh, sinh viên sau ngày khai giảng, cũng như phục vụ họp trực tuyến của các cơ quan/doanh nghiệp trong tình hình giãn cách xã hội, trước đó VNPT đã tăng cường kết nối đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp hệ thống truyền hình trực tuyến như Microsoft Team, Google Meet, Zoom...
Song song đó, VNPT đang tiến hành đấu nối ứng cứu khẩn đến các hướng nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến và tiếp tục lên kế hoạch đấu nối tăng cường mở rộng cáp biển từ nay đến cuối năm 2021 để đảm bảo phục vụ nhu cầu học và làm việc online của khách hàng trong thời gian này.
Trao đổi với ICTnews, đại diện Viettel cũng cho biết, nhằm khắc phục tình trạng khó khăn trong truy cập do ảnh hưởng của sự cố cáp biển cũng như sự gia tăng nhu cầu Internet, Viettel đã chủ động mở rộng dung lượng, tối ưu các hướng truy cập, ưu tiên kết nối để đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến. Đến thời điểm sáng nay, ngày 7/9, hiện tượng chập chờn khi truy cập vào các ứng dụng học tập đã được khắc phục tối đa.
Ngoài ra, theo thống kê của Viettel, lượng khách hàng đăng ký mới/nâng cấp các gói cước Internet cố định băng rộng từ đầu năm học có tăng nhẹ. Các gia đình phổ biến lựa chọn đăng ký mới/nâng cấp lên các gói cước có dung lượng khoảng 80MB, tương đương chi phí từ 180.000 - 200.000 đồng/tháng.
Với băng thông này, theo phân tích của nhà mạng, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng Internet của các gia đình, bao gồm việc học trực tuyến, giải trí và làm việc online. Với các gia đình có diện tích rộng, nhiều phòng, Viettel khuyến nghị sử dụng bộ sản phẩm Home Wi-Fi, với chi phí chỉ từ 265.000 đồng/tháng, ứng dụng công nghệ Mesh, phủ sóng đến toàn bộ ngóc ngách trong căn nhà và mang lại trải nghiệm rất tốt.
“Nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc, học tập, giải trí của khách hàng trong thời gian giãn cách, Viettel đã tối ưu mạng lưới, bổ sung băng thông cần thiết, bố trí lực lượng ứng trực kỹ thuật 24/24h để kịp thời hỗ trợ đến từng doanh nghiệp, từng khách hàng khi gặp sự cố trong quá trình sử dụng”, đại diện Viettel thông tin thêm.
Vân Anh
Sẽ sớm có chương trình “Sóng và điện thoại cho em”, hỗ trợ học tập trực tuyến
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa giao Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và điện thoại cho em” để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số.