Tết gần kề nhưng tôi không có chút nào háo hức, vui vẻ. Mấy ngày qua, tôi mệt mỏi, chỉ biết khóc để giải tỏa.

Quê tôi ở miền Trung. Tôi vào Bình Dương làm công nhân được 10 năm. Kinh tế cũng có đồng vô đồng ra, không đến nỗi túng quẫn. 5 năm trước, tôi lấy chồng. Anh ấy làm công cho một xưởng gỗ, sống chung dãy trọ và cùng quê với tôi.

Một năm sau, tôi sinh được 1 bé trai kháu khỉnh. Hiện tại, con tôi đang học mầm non. Bình thường, vợ chồng tôi chia nhau việc nhà và chăm con. Việc đưa rước con đều do chồng tôi phụ trách.

Giữa tháng 1/2024, chồng tôi được nghỉ Tết sớm do xưởng gỗ hết việc. Anh được chủ xưởng thưởng Tết thấp hơn các năm trước, vỏn vẹn 5 triệu đồng.

anh-1-ve-que-an-tet-1.jpg
Chồng về quê ăn Tết sớm, vợ lủi thủi vừa làm vừa chăm con nhỏ. Ảnh minh họa: Pexels

Thấy chồng thất nghiệp, tôi khuyên anh tìm việc làm thêm như: chạy xe ôm công nghệ, giao hàng, bốc vác… Chồng tôi cũng liên hệ một vài nơi để xin việc thời vụ. Thế nhưng, công việc nào anh cũng không thích, sợ vất vả, nặng nhọc…

Một tuần sau, trong bữa cơm tối với tàu hũ chiên và canh cải, chồng tôi có vẻ ăn uống không ngon miệng. Anh thở dài, nói sẽ về quê trước để giảm chi phí ăn uống. Tôi khuyên anh nên ở lại, chờ vợ con về và trông con giúp tôi. 

Tuy nhiên, chồng tôi dứt khoát phải về trước, chứ ở lại mà không có việc làm khiến anh cảm thấy bí bách. Anh tính về quê sẽ kiếm việc làm thêm.

Trước sự kiên quyết của chồng, tôi đành bấm bụng để anh về trước, một mình ở lại đi làm, chăm con, lo Tết. Tôi biết mình sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng phải làm sao khi chồng mình đã có suy nghĩ như thế.

Chồng về quê được 3 ngày, tôi gọi điện hỏi thăm nhưng anh không bắt máy. Vì vậy, tôi gọi điện thoại cho mẹ chồng. Tôi mới nhắc đến chồng thì mẹ đã than phiền. 

Mẹ chồng kể, từ hôm về nhà, chồng tôi tụ tập bạn bè ăn nhậu, lúc ra hàng quán, có khi rủ về nhà nhậu nhẹt, hát hò thâu đêm. Thậm chí, ba mẹ nhờ dọn dẹp nhà cửa, thu hoạch rau cải trong vườn, chồng tôi đều nói bận, không làm.

Tôi tắt vội điện thoại, quay sang ôm con. Tôi cảm thấy tủi thân xen lẫn bực tức. Trong khi tôi cố gắng vừa đi làm vừa chăm con, anh lại ăn chơi, nhậu nhẹt, không biết tiết kiệm. Chẳng những vậy, anh rõ ràng đã lừa dối tôi, nói về quê tìm việc nhưng lại suốt ngày rượu chè.

Tôi nén cơn giận, chờ đến sáng hôm sau gọi lại cho chồng. Thế nhưng, 8h sáng, anh vẫn chưa thức dậy, giọng còn ngái ngủ. Bao ấm ức dồn nén, tôi trách chồng không lo tìm việc, kiếm tiền ăn Tết, suốt ngày tụ tập chơi bời.

Không chờ tôi nói hết câu, anh quát lớn: “Cô đừng thấy tôi thất nghiệp mà lên giọng. Bao năm, thằng này vẫn chí thú làm ăn, lo cho vợ con. Lâu rồi, tôi mới có dịp về quê ăn Tết sớm, gặp lại hội bạn cũ mà cô cũng lên lớp, dạy dỗ.

Cắm đầu làm thì cô mới hả dạ, thư giãn một chút đã tru tréo. Tôi chán cái kiểu của cô lắm rồi, được thì sống tiếp, không thích thì ly hôn. Tôi đây không níu kéo nhé!”.

Đầu dây bên kia im bặt, tôi lập tức chạy vào nhà vệ sinh của công ty khóc nức nở. Tôi đã làm gì sai, nói gì không đúng mà chồng tôi lại phản ứng như thế.

Anh ấy có hiểu áp lực vừa đi làm vừa phải chăm con của tôi không? Trong khi tôi bận bịu túi bụi, anh vui vẻ bên bạn bè, tôi không có quyền ý kiến sao?

Tôi thực sự không thể nhẫn nhịn thêm nữa. Tôi dự định về nhà ngoại ăn Tết, không về nhà chồng nữa. Liệu tôi làm như thế thì chồng có nhận ra lỗi sai của anh ấy không?

Độc giả Đinh Hường