Bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Nguyễn Thái Luyện) khai, trước khi về làm Giám đốc Công ty Alibaba, Lĩnh bán cà phê cho Luyện. Đến năm 2016, khi anh trai thành lập công ty, bị cáo được Luyện nhờ về làm Giám đốc kinh doanh.
Trong quá trình làm giám đốc, mỗi khi Luyện đưa giấy tờ nói ký thì bị cáo ký và không biết đó là giấy tờ gì.
Về việc ký hợp đồng nhận chuyển nhượng dự án, mỗi khi ký hợp đồng, bị cáo được Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (phụ trách pháp lý Công ty Alibaba) đưa tới các địa phương ký mà không biết dự án ở đâu, bán cho ai.
Theo cáo buộc, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, Lĩnh đã đứng tên nhận chuyển nhượng 92 thửa đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, từ nguồn tiền bất hợp pháp chiếm dụng của khách hàng ở Công ty Alibaba.
Sau khi hoàn tất thủ tục đặt cọc hoặc chuyển nhượng, Lĩnh ký ủy thác cho Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Trần Huy Phúc (Giám đốc, đại diện theo pháp luật các Công ty Law Firm, Công ty 108) để thực hiện vẽ, lập dự án dân cư không có thật, phân lô trái pháp luật, quảng cáo gian dối… để chiếm đoạt số lượng tiền lớn của khách hàng.
Một người em trai khác của Luyện là Nguyễn Thái Lực (trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) trình bày, bản thân còn trẻ, không am hiểu về pháp luật, bị cáo hoàn toàn tin tưởng vào anh trai nên mới thực hiện theo chỉ đạo.
“Anh Luyện chỉ gọi bị cáo lên làm trợ lý, bị cáo chịu trách nhiệm nhận thông tin từ phòng pháp lý về báo cáo lại cho anh bị cáo”, Lực trình bày.
Thừa nhận tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng bị cáo Lực kêu oan tội danh “Rửa tiền”.
Lực cho biết đã nhận lệnh của bị cáo Mai đi rút 13 tỷ về giao lại cho Mai, đồng thời nói không biết đây là nguồn tiền bất hợp pháp.
Với vai trò là trợ lý của Nguyễn Thái Luyện, Lực có nhiệm vụ cập nhật tiến độ pháp lý các dự án của Alibaba từ phòng pháp lý để báo cáo cho Luyện biết và chỉ đạo các bước tiếp theo. Ngoài ra, Lực cũng đứng tên cá nhân nhiều thửa đất nông nghiệp do Luyện mua tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, quận Thủ Đức.
Ngoài ra, ngày 19/9/2019, sau khi CQĐT kết thúc việc khám xét tại trụ sở Công ty Alibaba, Lực được Võ Thị Thanh Mai chuyển 13 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân và chỉ đạo Lực rút về đưa cho mình. Toàn bộ số tiền này là từ nguồn tiền của Công ty Alibaba. Hành vi của Lực và Mai đã phạm vào tội “Rửa tiền”.
Thừa nhận hành vi lừa đảo, nhưng bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Tài chính Công ty Alibaba, Giám đốc Công ty Alibaba Law Firm), kêu oan về hành vi “Rửa tiền”. Bị cáo khai không chỉ đạo ai đi rút tiền.
Về số tiền 13 tỷ đồng, Mai khai trước đó có nhờ bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (nhân viên kế toán Công ty Alibaba) đứng tên một sổ tiết kiệm 30 tỷ đồng và cũng nhờ Thắng đứng một khoản vay 18 tỷ đồng.
Sau đó, Mai chỉ đạo Thắng đi tất rút khoản tiết kiệm rồi tất toán khoản vay, còn lại 13 tỷ đồng thì chuyển lại cho Mai. Mai cũng thừa nhận số tiền này có nguồn gốc từ Công ty Alibaba.
Cáo buộc cho hay, theo sự phân công của Luyện, Mai quản lý hoạt động của bộ phận kế toán, giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu, chi của Công ty Alibaba. Toàn bộ chi phí hoạt động của Công ty Alibaba và các pháp nhân liên quan đều phải được sự đồng ý của Luyện, Mai mới duyệt cho bộ phận kế toán chi tiền.
Ngoài ra, Mai còn là Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm, chủ đầu tư 28 dự án không có thật.