Chuyến xe 0 đồng chở những người không quen
Trưa 27 Tết, bà Ngô Thị Huệ (67 tuổi) và chồng ăn vội suất cơm rồi tập trung ở trước sảnh Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội). Lúc này, người phụ nữ quê ở Văn Yên, Yên Bái mới cảm nhận được chút không khí Tết. Bà được những người không quen hỏi han thân tình, trao những món quà nhỏ và đặc biệt dành tặng một chuyến xe ấm áp.
Hơn nửa năm nay, bà Huệ ở Hà Nội chăm chồng điều trị ung thư. Việc chữa trị vô cùng tốn kém, hai vợ chồng tiết kiệm từng suất cơm, chỉ dám thuê manh chiếu ngủ 50 nghìn đồng ở một phòng trọ.
Sức khỏe của chồng yếu nhiều do bệnh tật, nên nghĩ đến cảnh chen chúc trên những chuyến xe khách ngày Tết, nhiều đêm, bà Huệ thấp thỏm đến mất ngủ.
Trong những ngày cuối năm bộn bề lo lắng ấy, người phụ nữ 67 tuổi nhận được tin mình sẽ được đi chuyến xe 0 đồng. "Nghe bác sĩ thông báo, tôi thở phào nhẹ nhõm, chúng tôi được hai tài xế tốt bụng đưa về tận nhà mà không mất bất cứ một chi phí nào", bà Huệ kể.
"Hai tài xế tốt bụng" mà bà Huệ nhắc đến là anh Nghiêm Văn Quang và anh Đoàn Minh Phú (cùng sinh sống ở Hà Nội) - thành viên của nhóm "PUN - Hành trình kết nối yêu thương". Họ không phải là những tài xế chuyên nghiệp, nhưng thường xuyên bỏ tiền túi, điều khiển xe cá nhân đi khắp các tỉnh thành đưa bệnh nhân nghèo về nhà mà không lấy bất cứ một chi phí nào.
Thời điểm cuối năm, mỗi người đều có những công việc bận rộn riêng, song anh Quang, anh Phú vẫn sắp xếp thời gian đăng ký nhận các cuốc xe 0 đồng.
"Tôi xin nghỉ phép một ngày để kết hợp với thành viên trong nhóm đưa các bệnh nhân về quê ăn Tết. Chúng tôi muốn dành tặng các bệnh nhân chuyến xe miễn phí thay một món quà nhỏ, bù đắp phần nào sự kém may mắn, thiệt thòi cho họ. Chúng tôi mong những chuyến xe này sẽ giúp lan tỏa yêu thương và những thông điệp tốt đẹp tới cộng đồng", anh Phú nói.
Trên chuyến xe 0 đồng chiều 27 Tết của anh Quang, anh Phú còn có chị Bùi Thị Hương (quê Lào Cai).
Chị Hương đã ở Hà Nội hơn nửa năm để điều trị bệnh ung thư vú. Nghĩ đến cảnh các con háo hức ra ngõ đón mẹ, chị lại trực trào nước mắt.
Chị Hương nghẹn ngào cho biết, dù không quen biết anh Quang và anh Phú nhưng chị được hai anh đưa về tận nhà. Chị Hương chưa bao giờ được đi một chuyến xe êm ái và được đối xử như người thân trong nhà như vậy.
"Tôi có lịch ra viện cách đây 3 ngày, nhưng đã cố xin ở lại để đi chuyến xe này".
Món quà ấm lòng
Chiều cùng ngày, anh Nguyễn Văn Thanh (38 tuổi, quê ở Văn Chấn, Yên Bái) cùng vợ và con trai 8 tháng tuổi cũng được về nhà sau gần 3 tháng điều trị ở Bệnh viện K.
Con trai anh Thanh không may bị ung thư võng mạc. Anh Thanh cùng vợ phải gửi 3 đứa con đầu ở nhà để dắt díu nhau xuống Hà Nội chữa bệnh cho con.
Chi phí điều trị cho con được bảo hiểm hỗ trợ, song các khoản tiền ăn uống, thuê trọ, mua sắm đồ dùng thiết yếu giữa Thủ đô cũng là một gánh nặng với cặp vợ chồng làm nghề lao động tự do này.
Để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng anh Thanh phải ăn chung suất cơm, xin cháo, bánh chưng từ thiện. Về chỗ ở, họ thuê chỗ ngủ rẻ nhất quanh bệnh viện với giá 100 đồng/3 người.
Anh Thanh kể: "Mỗi lần đưa con xuống Hà Nội hoặc từ Hà Nội ngược về Yên Bái, vợ chồng tôi thường mất khoảng 500 nghìn đồng tiền đi lại (bao gồm phí đi xe giường nằm đến bến xe Mỹ Đình và tiền bắt taxi đến bệnh viện). Chúng tôi có con nhỏ nên nhiều đồ, nhiều nhà xe còn càu nhàu không muốn nhận".
Vì vậy, nghĩ đến khoản tiền về quê dịp Tết, anh Thanh lại lo sốt vó. Anh Thanh dự tính, nếu không chen chân được lên xe khách, có thể anh phải thuê xe ghép hoặc đi taxi về quê với chi phí gần 2 triệu đồng. Số tiền này với gia đình anh là quá lớn.
Ba ngày trước lịch về quê, anh Thanh được phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K thông báo sẽ có xe đưa vợ chồng anh cùng con nhỏ về nhà. Vợ chồng anh Thanh mừng đến suýt khóc khi không phải bỏ bất cứ một chi phí nào mà vẫn có thể về quê đón Tết cùng các con nhỏ và gia đình thân yêu.
Đưa anh Thanh về quê chiều 27 Tết là anh Hoàng Tuấn Hùng. Năm nay là năm thứ hai anh Hùng tham gia lái các chuyến xe 0 đồng đưa bệnh nhân về quê ăn Tết.
"Trước Tết, nhóm thiện nguyện của tôi liên hệ với bệnh viện nhận thông tin danh sách bệnh nhân cần hỗ trợ. Tôi và anh em đăng ký tuyến phù hợp với mình và sắp xếp thời gian, công việc", anh Hùng nói.
Theo anh Hùng, Tết là dịp đoàn viên và ai cũng mong muốn được về nhà. Với những bệnh nhân không may mang trong mình căn bệnh ung thư, họ thiệt thòi vất vả hơn nhiều.
Vậy nên, anh cùng các thành viên trong nhóm của mình muốn tặng cho các bệnh nhân những chuyến xe đặc biệt để họ được về nhà cùng người thân mà không lo bị chặt chém hay nhồi nhét khi đi xe khách ngày Tết.
"Năm ngoái, tôi chở 8 bệnh nhân về nhà. Có bệnh nhân vừa truyền dịch xong đã xin bác sĩ rút dây truyền, chẳng kịp nhận quà, lì xì mà lao xuống sảnh lên xe. Vậy mới hiểu, với những bệnh nhân quanh năm suốt tháng ở bệnh viện, họ khao khát được về nhà thế nào. Nụ cười, niềm vui đoàn viên của các bệnh nhân giúp chúng tôi có thêm động lực trên hành trình những chuyến xe lan tỏa yêu thương", anh Hùng nói.
Không chỉ dịp Tết, những ngày trong năm, ngoài giờ làm việc, anh Quang, anh Phú hay anh Hùng cùng nhiều anh chị em khác thường xuyên nhận chở các cuốc xe đưa "những người không quen" về nhà. Bất kể quãng đường gần hay xa, họ đều không nhận bất cứ một khoản chi phí nào.
Trong dịp tết Nguyên đán 2024, nhóm "PUN - Hành trình kết nối yêu thương" của những "tài xế" này đã chở nhiều bệnh nhân về các tỉnh thành xa xôi. Chị Nguyễn Diệu Linh, đại diện nhóm cho hay, nhóm tổ chức được 14 chuyến xe 0 đồng đưa hàng chục bệnh nhân về Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La.
Ông Nguyễn Văn Quân, cán bộ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện K cho biết, dịp cuối năm, Bệnh viện K đã tổ chức nhiều chuyến xe yêu thương đưa bệnh nhân nghèo về quê ăn Tết. Ngoài nhóm thiện nguyện trên còn có nhiều nhóm và nhà hảo tâm khác đã dành tặng các món quà, các chuyến xe hỗ trợ bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân khi được đưa về nhà đã bật khóc vì xúc động. Hành động lan tỏa yêu thương của những tài xế đặc biệt ở Thủ đô khiến những hoàn cảnh khó khăn được an ủi phần nào và có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật.
Theo Dân trí