Một người vợ chia sẻ, ở nhà cô, tiền ai nấy tiêu, hai vợ chồng đóng góp vào quỹ chung theo tỷ lệ 50-50. Các bà vợ khác rần rần phản đối và cho rằng tiền trong nhà phải về một mối.
Lời tòa soạn:
Theo truyền thống gia đình ở Việt Nam, vợ thường nắm “tay hòm chìa khóa”. Nhưng ngày nay, các cặp vợ chồng trẻ đã có những suy nghĩ khác. Người vợ không còn giữ phần lớn thu nhập của chồng, mà chỉ đề nghị đóng góp một phần đủ để chi tiêu trong nhà. Người chồng có thể giữ và tự quản lý phần còn lại.
Nhiều người cho rằng cách đóng góp này cho thấy phụ nữ hiện đại không còn phải phụ thuộc tài chính vào người chồng. Ngược lại, người chồng cũng cần phải san sẻ gánh nặng việc nhà với người vợ. Đó cũng là cách thể hiện rõ ràng nhất sự công bằng và bình đẳng giới trong quan hệ gia đình hiện đại.
Bạn có ý kiến như thế nào về quan điểm này? Hãy gửi câu chuyện về cách đóng góp tài chính của gia đình vào email: bandoisong@vietnamnet.vn.
Chia sẻ câu chuyện vợ chồng đóng góp tiền bạc 50-50 của một người vợ đã khiến các chị em tranh cãi gay gắt trên một hội nhóm.
Người vợ kể, ngày mới cưới, vợ chồng cô rất hay cãi nhau về chuyện tiền bạc. Cô thường phàn nàn chồng mua món này, món kia đắt đỏ, lãng phí. Đáp lại, anh chồng chỉ ra những thứ cô tiêu phóng tay. Mỗi lần tranh cãi, cô lại chụp màn hình danh sách chi tiêu của mình gửi chồng.
Đến khi cô có bầu, cuộc khẩu chiến về chuyện chi tiêu còn căng thẳng hơn. Cô trở nên nhạy cảm với những tranh cãi và thường xuyên khóc lóc. Hai người thống nhất với nhau là để tình trạng này kéo dài không ổn. Cặp đôi quyết định ngồi lại, bàn bạc về việc đóng góp vào quỹ chung bằng cách dùng các ứng dụng chi tiêu.
Thời điểm cô mang bầu, tỷ lệ đóng góp sẽ là chồng 70, vợ 30, còn lại hầu hết các thời điểm đều chia 50-50, tức là nếu mỗi tháng chi tiêu 10 triệu đồng thì mỗi người góp 5 triệu.
“Chúng mình thống nhất tiền sẽ nộp về cho mình. Mình sẽ chia tiền thành các khoản nhỏ với tên và số tiền rõ ràng, rồi cứ vậy chi tiêu thôi”.
Mỗi lần một người chi tiêu gì là tin nhắn đều báo về điện thoại của cả hai, cứ vào ứng dụng là xem được tất cả các khoản chi tiêu trước đó. “Mình gọi đó là tôn trọng ‘quyền được biết’ của nhau. Vợ chồng mình ai cũng có tiền riêng, thích làm gì thì làm, thế nên mỗi dịp lễ, mình đều có quà. Khi chồng nghèo thì mời vợ bữa ăn, ly trà sữa, khi anh giàu thì quà xịn hơn. Sinh nhật vừa rồi anh mới đổi laptop cho mình, ấm lòng ấm dạ lắm”.
Cô vợ cho biết, nhờ cách đóng góp và chi dùng tiền bạc "phân minh” này, cô cũng nhẹ lòng khi anh chi tiền cho những món đồ anh thích nhưng cô không ưng ý.
Chia sẻ của cô ngay lập tức thu hút hàng trăm bình luận, chủ yếu là của những người phụ nữ đã có gia đình. Ý kiến chia thành 2 phe rõ rệt – người cho rằng đây là cách chi tiêu công bằng và văn minh của nhiều cặp vợ chồng hiện đại, người lại chỉ trích sự rành mạch cứng nhắc, thiếu lòng tin vào nhau của cặp đôi.
Một phụ nữ thẳng thắn nhận xét: “Chia như thế này thì giống góp gạo nuôi con chung. Quan điểm của tôi là chồng đi làm phải đưa tiền cho vợ phần lớn, chỉ giữ lại đủ tiền chi tiêu cá nhân thôi. Chẳng lẽ anh ta kiếm được 30 triệu nhưng chỉ góp 15 triệu, còn 15 triệu tiêu riêng. Làm như thế thì đâu khác gì bạn bè”.
Cô cũng nói thêm: “Nhiều người cũng lạ, cứ nghĩ đưa hết tiền cho vợ thì không có tiền nọ tiền kia. Chẳng lẽ khi chồng có việc cần thì vợ không đưa lại cho tiêu? Vợ giữ quỹ đen tiêu một mình hay sao?”.
Chị Vy Nguyễn chia sẻ, gia đình chị cũng “tiền về một mối”. Chồng đa phần đưa lương cho vợ, chỉ giữ một phần đủ để chi tiêu trong tháng, nếu phát sinh gì thì vợ đưa thêm. “Mình không thích kiểu 50-50. Quan trọng là vợ chồng phải tin tưởng nhau, chứ đưa tiền rồi không tin tưởng nửa kia thì cũng mệt mỏi lắm”.
Ý kiến của một cô vợ khác nhận được 65 lượt “thích”: “Mình thấm nhuần tư tưởng của mẹ mình nên không bao giờ có chuyện góp tiền như vậy. Mẹ mình giữ tiền rồi cân đo đong đếm, và ba mình cũng không có nhu cầu giữ tiền. Ba vừa cầm cục tiền là chạy thẳng về nhà đưa vợ, còn chưa kiểm tra là bao nhiêu. Cho nên cứ mẫu người như ba mình mà chọn chồng, đỡ phải cãi nhau”.
Ngược lại, có những cô vợ vui vẻ và hài lòng với chuyện không quản lý toàn bộ tài chính của chồng. Hai người sẽ góp quỹ chung theo một tỷ lệ nhất định tùy theo thu nhập mỗi người. Phần còn lại, mỗi người tự quản lý và chi tiêu. Cũng có gia đình không có quỹ chung nhưng phân chia rõ ràng: Chồng nộp học phí, điện nước, thuê giúp việc; vợ lo chợ búa, quần áo, du lịch.
“Nhà mình, tiền chồng để đầu tư, tiền vợ để nuôi con. Nếu vợ thiếu thì bảo chồng đưa thêm. Chẳng bao giờ vợ chồng mình để ý xem người kia có bao nhiêu tiền và ai là người chi nhiều, chi ít. Nhưng cả hai đều chủ động chia sẻ với nhau là em có bao nhiêu, anh có bao nhiêu” – chị Thu Hà chia sẻ câu chuyện đóng góp tài chính của gia đình mình.
Chị Trang Phạm cho biết, chị đồng tình với quan điểm của người vợ. Chị cho rằng mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi gia đình sẽ có cách chia sẻ trách nhiệm khác nhau, “miễn sao cả hai cảm thấy được tôn trọng, không ai cảm thấy bị bỏ rơi là được”.
Thảo chỉ nhìn thấy mặt chồng giãn nở, vui vẻ nhất mỗi khi anh được nhận lương tháng. Anh ngồi khoanh chân trên giường, rút từ trong túi ra xấp tiền rồi đếm đi đếm lại.
Nhà có 6 người gồm 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ nhưng không ngày nào người phụ nữ này không phải chi tiêu tiền chợ dưới 200 ngàn đồng dù lúc nào chị cũng có tâm lý tính toán nát óc để không hụt trước thiếu sau.