Theo AP, cảnh sát Na Uy ban đầu từng cân nhắc cho phá một phần con đập tại nhà máy thủy điện Braskereidfoss trên sông Glåma dài nhất và nhiều nước nhất nước. Ý tưởng là sử dụng một vụ nổ hạn chế, có kiểm soát để giải tỏa áp lực lên đập, ngăn chặn nguy cơ các cộng đồng ở hạ lưu bị ngập lụt.
Tuy nhiên, phát ngôn viên cảnh sát Fredrik Thomson cho biết, đề xuất đó đã bị hủy bỏ sau khi nước bắt đầu tràn qua đập.
Nước lũ tràn qua và gây vỡ đập thủy điện Braskereidfoss ngày 9/10. Ảnh: EPA, AP
Động thái diễn ra sau khi cơn bão Hans đổ bộ, gây hỗn hỗn loạn khắp Bắc Âu trong những ngày gần đây và khiến miền nam Na Uy rơi vào khủng hoảng sau lũ lụt và lở đất trên diện rộng. Mực nước các con sông ở quốc gia này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong ngày hôm nay (10/8).
Báo Guardian đưa tin, một cụ bà ngoài 70 tuổi ở Na Uy đã tử vong hôm 9/8 sau khi ngã xuống suối. Trong khi, nhà chức trách đã cho sơ tán 700 – 800 cư dân ở quận Innlandet, nơi tọa lạc nhà máy thủy điện Braskereidfoss.
Ngập lụt và lở đất khiến mọi con đường chính nối liền thủ đô Oslo và thành phố Trondheim đều phải tạm ngừng hoạt động hôm 8/8.
Theo một quan chức cảnh sát của quận Innlandet, lực lượng chức năng đang phối hợp với công ty chủ quản nhà máy thủy điện Braskereidfoss để giám sát chặt tình hình đập nước.
Viện thủy văn quốc gia Na Uy (NVE) lưu ý, các khu vực ở miền đông và miền trung đất nước vẫn trong tình trạng báo động đỏ. Mực nước ở nhiều sông, suối đang ở mức cao kỷ lục.
Thủ tướng Jonas Gahr Støre đã đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng thiên tai. “Khi tạnh mưa, một thử thách khác lại bắt đầu: nước cần phải thoát ra ngoài”, ông Støre nói.