Gom hết vốn liếng cộng với sự giúp đỡ của gia đình, Toàn mua mảnh đất 2ha trị giá 2 tỷ đồng cách nhà 70km. Anh bắt đầu trồng rau và có những khoản thu nhập đầu tiên. Nhưng sau một thời gian, Toàn nhận ra thu nhập từ trồng rau không cao, anh chuyển sang nuôi cá và heo rừng.
Đến thời điểm thu hoạch, cá rẻ, anh thu được 200 triệu đồng trong khi tiền vốn đã lên tới 100-150 triệu. Có đợt sắp thu hoạch thì dịch tả châu Phi ập đến, anh mất sạch số lợn. Cũng có đợt nước ở trang trại lên cao, tràn vào ao, anh mất hết cá.
Ảo tưởng, vỡ mộng
Không nản chí, Toàn xoay qua nuôi gà, mỗi đợt khoảng 1.000-2.000 con nhưng giá gà cũng thấp, tiền lời chỉ đủ sống, không có dư. Toàn nhẩm tính, trung bình mỗi năm thu nhập chỉ khoảng 100 triệu, không bằng đi làm công ty.
“Làm nông nghiệp thành bại dựa vào rất nhiều yếu tố: thị trường, dịch bệnh, nguồn vốn… Có những đợt các trang trại lớn cũng dính dịch bệnh, thiệt hại vài chục tỷ đồng. Trang trại mình bé nên chuyện dịch bệnh cũng khó tránh.
Còn chuyện nguồn vốn, nhiều khi có vốn to thì lo kiểu vốn to. Thị trường gà, lợn mấy năm gần đây càng đầu tư lớn càng thiệt hại nhiều. Làm nhỏ lãi ít, nhưng hễ làm lớn thì dịch bệnh, giá rẻ”, Toàn chia sẻ về những khó khăn suốt gần 4 năm làm trang trại.
Trước khi về rừng, anh cũng ảo tưởng về cuộc sống thôn quê yên bình, không áp lực của chốn thị thành nhưng rồi… vỡ mộng. “Làm nông là đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chứ không màu hồng, đẹp đẽ như trên mạng đâu. Đó là điều mình đã thấm thía và rút ra được”.
“Các bạn trẻ bây giờ hay xem ảnh, clip trên mạng về cuộc sống nông thôn yên ả, mộng mơ. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ khi các bạn quyết định lập nghiệp ở quê. Phần lớn hơn chính là những nhọc nhằn, khó khăn mà bạn phải đối mặt mỗi ngày để tồn tại”.
Dù vẫn đang duy trì hoạt động ở trang trại nhưng Toàn cho rằng quyết định bỏ phố về quê của mình đã thất bại. Sở dĩ đến thời điểm này anh vẫn còn ở đây là vì một số vấn đề về giấy tờ của mảnh đất.
“Nếu tôi bỏ đi không làm nữa thì sẽ có nguy cơ mất đất. Sau này, khi giải quyết xong, nếu đất được giá, rất có thể tôi sẽ bán đi để về Biên Hoà làm công việc khác ổn định hơn”, anh nói.
Ít hơn Toàn 5 tuổi, Ngô Tấn Quyền ở Tam Kỳ, Quảng Nam cũng nhận định, việc bỏ phố về quê phù hợp với người giàu nhiều hơn là người trẻ nuôi giấc mộng lập nghiệp.
“Sau những trải nghiệm, tôi thấy về quê không phải là cuộc sống dành cho số đông. Nó không đơn giản chỉ là chuyện bạn yêu cây cỏ rồi cầm một số tiền đi mua đất, lập trang trại là yên ổn sống mãi đến già.
Một là bạn đã vững chắc về tài chính, muốn kiếm một mảnh đất thỉnh thoảng về nghỉ dưỡng. Hai là bạn phải có nguồn tài chính đủ duy trì cuộc sống ở quê được vài năm khi công việc mới chưa mang lại thu nhập. Hoặc bạn phải có nghề phụ để nuôi ước mơ làm nông. Nếu không phải 2 trường hợp trên thì giấc mộng về quê sẽ sớm tan tành”.
Đừng quá tin hình ảnh trên mạng
Quyền nhớ, trong suốt 2 năm đầu vật lộn với quyết định bỏ phố thị, đã có những thời điểm anh nản chí và cô đơn đến mức nào.
“Mỗi sáng, tôi đều sắp xếp ra khỏi nhà, đi ăn sáng như những ngày đi làm bình thường, rồi tìm một góc nào đó để ngồi suy nghĩ, tìm cơ hội mặc dù những việc đó tôi hoàn toàn có thể làm ở nhà. Nhưng tôi phải ra khỏi nhà để ba mẹ khỏi lo lắng, sốt ruột. Nếu cứ loanh quanh ở nhà, chính mình cũng chán mà ba mẹ thấy vậy lại nói ra nói vào, đôi khi là những lời khiến mình tổn thương”, Quyền tâm sự.
Bỏ mức thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng của một kỹ sư cơ khí vào năm 2018, Quyền quyết định về quê vì bị hấp dẫn bởi cuộc sống yên bình, không áp lực chốn công sở.
Do không chọn công việc làm nông nên Quyền cũng không chuẩn bị vốn lớn. Trong tay anh chỉ có đúng 1 tháng lương sau khi nghỉ việc. Tận dụng vốn liếng cơ khí, anh chọn làm mô hình trồng rau thuỷ canh trên sân thượng cho các gia đình.
Mọi thứ khá ổn cho đến khi mùa mưa tới. Mô hình của Quyền không phù hợp với thời tiết, dẫn đến không có khách.
Anh nhanh nhẹn chuyển ngay sang làm hệ thống tưới cây cho các nhà vườn. Nhưng hướng đi này cũng không tồn tại được lâu vì anh nhận được ít khách, lại bị khách nợ tiền. Luôn tâm niệm “trời không phụ lòng người”, Quyền tiếp tục chuyển sang mảng dược liệu, rồi sản xuất đồ mỹ nghệ gỗ mini. Nhưng tất cả đều không ổn và kết thúc bằng việc đổ lên đầu anh những khoản nợ.
Số nợ lên đến 200 triệu đồng cũng là lúc anh bắt đầu nghĩ tới việc lên TP.HCM đi làm trả nợ dần. “Lúc này, tôi cũng bắt đầu hoài nghi về năng lực của bản thân”, Quyền tâm sự.
Trong khi đó, gia đình thì buồn lòng, bạn bè ở phố thăng tiến ông nọ bà kia, các bạn ở quê làm nông cũng đã có gia đình yên ấm. Chỉ có mình chưa có gì trong tay - suy nghĩ ấy càng khiến anh nản chí.
Nhưng may mắn hơn những “tấm gương thất bại” khác, Quyền lại tìm thấy hướng đi mới là sản xuất trầm hương. Công việc này được anh và cộng sự phát triển khá tốt khoảng gần 3 năm qua.
Tuy nhiên, khi nhớ lại những ngày tháng lăn lộn hết nghề này sang nghề khác sau khi bỏ phố về quê, Quyền vẫn chưa hết những nỗi niềm. Anh nói, nếu có ai đó xin lời khuyên, anh sẽ nói họ nên suy nghĩ thật kỹ, đặc biệt là người trẻ.
“Thứ nhất, bạn phải có tiền đủ để sống được khoảng vài năm khi việc trồng rau, nuôi cá chưa thể mang lại thu nhập ổn định, thậm chí còn thất bát. Thứ hai là bạn phải linh động và liên tục thay đổi hướng đi nếu thấy nó không phù hợp. Không phải cái gì bạn thích làm cũng phù hợp với địa phương và nhu cầu khách hàng”, Quyền nói.
Cùng quan điểm, anh Toàn đúc kết: 'Đừng quá tin những hình ảnh trên mạng. Nhiều khi có hội nhóm chuyên khoe ra hình ảnh đẹp đẽ của những người thành công khi về rừng để thu hút người đọc, nhằm bán đất mà thôi. Những bài viết chia sẻ về thất bại, khó khăn thì rất ít khi được duyệt”.
Ảnh: NVCC
Bỏ phố hay trụ lại: Về quê bình an nhưng... lạc chỗ
Những ngày ở quê cắm cúi vào ruộng đồng, em thấy bình an, nhưng cảm giác như lạc chỗ. Chỗ của em là phải ở phố lớn, thử thách bản thân.