Hoàn thành 29,2% sản lượng nông sản đăng ký tiêu thụ cho 19 địa phương
Song song với việc triển khai kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh, thành đang áp dụng biện pháp giãn cách để phòng chống dịch, từ trung tuần tháng 7 đến nay, 2 doanh nghiệp bưu chính Vietnam Post và Viettel Post còn được yêu cầu tập trung hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa vụ của các hộ sản xuất nông nghiệp tại các vùng đang có dịch, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội.
Nhiệm vụ này cũng nhằm thực hiện một phần nội dung công việc trong kế hoạch “Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, đã được Bộ TT&TT phê duyệt và giao 2 doanh nghiệp bưu chính lớn chủ trì triển khai.
Theo đại diện Vietnam Post, đơn vị đã lập Ban chỉ đạo trực tiếp điều hành việc tiêu thụ nông sản do Tổng giám đốc làm Trưởng ban. Cùng với đó, đã xây dựng phương án tiêu thụ, kế hoạch triển khai cụ thể.
Đặc biệt, doanh nghiệp này đã xây dựng và phân chia các sản phẩm nông sản theo 2 dòng, gồm tiêu thụ thường xuyên và tiêu thụ theo mùa/vụ, từ đó có phương án riêng cho mỗi dòng. Quy cách đóng gói, cách thức bảo quản sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc cũng được quy chuẩn lại một cách chi tiết cho từng loại sản phẩm.
Những ngày vừa qua, các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương đang giãn cách trên sàn Postmart đã được các Bưu điện tỉnh thành tập trung triển khai. Nhiều loại nông sản đặc trưng của các tỉnh, thành phía Nam như nhãn Đồng Tháp, nhãn An Giang, nhãn xuồng Sóc Trăng, chanh Long An, cam xoàn Vĩnh Long, dừa Bến Tre, mít Tiền Giang...
Thông qua các chương trình tiêu thụ nông sản, các Bưu điện tỉnh, thành đã kịp thời hỗ trợ bà con nông dân trong mùa dịch. Thống kê cho thấy, lượt truy cập trung bình vào các gian hàng nông sản trên sàn Postmart đạt gần 9.400 lượt/ngày, với sản lượng trung bình gần 1.500 đơn hàng/tuần.
Nhiều loại nông sản đặc trưng của các tỉnh, thành phía Nam đang được tiêu thụ qua các sàn Vỏ Sò, Postmart. |
Đại diện Viettel Post cho biết, sàn Vỏ Sò đã đặt mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ từ 3-5% sản lượng nông sản của các tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách. Thực hiện mục tiêu này, đơn vị đang song song vừa hỗ trợ người bán là các hộ sản xuất nông nghiệp, vừa thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người mua.
Trong đó, với kênh người bán, sàn Vỏ Sò phối hợp với các tổ chức đoàn thể tại địa phương như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ tạo thành các nhóm để hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi số, thông qua việc tổ chức các buổi tập huấn online và offline đào tạo kiến thức, kỹ năng về ứng dụng công nghệ, marketing, bán hàng.
Đồng thời, đơn vị cũng lập các nhóm Zalo theo từng huyện để chuyên trách hỗ trợ bà con nông dân bán hàng, đóng gói, lựa chọn khu vực giao hàng. Đơn vị còn xây dựng chính sách cho 500.000 người bán hàng liên kết trên sàn Vỏ Sò lan tỏa bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản, sàn Vỏ Sò đã mở rộng kênh tiếp cận khách hàng qua việc xây dựng website chuyên về sản phẩm nông sản, đặc sản và hàng thiết yếu cho các địa phương, triển khai bán nông sản offline tại các điểm phục vụ trên cả nước, đồng thời hỗ trợ chi phí vận chuyển cho người tiêu dùng và cam kết vận chuyển trong vòng 48 giờ.
Số liệu tổng hợp từ 2 sàn Postmart và Vỏ Sò cho thấy, trong khoảng 2 tuần gần đây, 2 doanh nghiệp bưu chính đã hỗ trợ tiêu thụ 1.181 tấn nông sản cho 19 tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách, đạt 29,2% sản lượng đăng ký; và tiêu thụ 38.500 quả dừa, hoàn thành 19% số lượng đăng ký.
Tổ chức tiêu thụ nội tỉnh, ưu đãi cước vận chuyển nông sản
Theo chia sẻ của đại diện Vietnam Post và Viettel Post, nhiều loại nông sản đặc trưng của các tỉnh, thành đang là thời điểm thu hoạch chính vụ với sản lượng lớn, tuy nhiên do địa phương trong thời gian giãn cách xã hội để phục vụ phòng chống dịch nên việc tổ chức lưu thông, vận chuyển nông sản gặp khó khăn nhất định.
Cũng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu vực bị phong tỏa, thời gian các sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp bưu chính vận chuyển và phát các đơn hàng nông sản, đặc sản đến tay người tiêu dùng có bị chậm hơn.
Mặt khác, trong quá trình triển khai hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ nông sản, dù bà con nông dân đã biết đến bán hàng online song đây vẫn là phương thức mới nên khâu thực thi còn hạn chế.
Một số loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch trùng nhau, chẳng hạn như nhãn Hưng Yên, nhãn Sơn La, nhãn xuồng Đồng Tháp... khiến cho việc tiêu thụ riêng từng loại gặp khó khăn, chỉ tập trung vào 1 lớp khách hàng nhất định theo khu vực, không hướng đến số đông người tiêu dùng cả nước.
Với các nông sản vào vụ thu hoạch trùng nhau, doanh nghiệp đã khoanh vùng và chia địa bàn các tỉnh phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ cho từng địa phương có sản phẩm. |
Giải quyết vướng mắc về lưu thông, vận chuyển hàng giữa các địa phương, các doanh nghiệp bưu chính đã đẩy mạnh kênh tiêu thụ nội tỉnh và cận vùng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, 2 sàn Postmart và Vỏ Sò đã liên tục tung ra các chương trình hỗ trợ vận chuyển, gồm từ đồng giá, giảm giá cho đến miễn phí. Hai đơn vị cũng đang thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào. Các sản phẩm nông sản đặc sản đều đạt tiêu chuẩn chất lượng, có chứng nhận OCOP hoặc VietGap để người tiêu dùng yên tâm mua nông sản, đặc sản cho bà con nông dân.
Vân Anh
Giải bài toán tiêu thụ nông sản, trái cây mùa vụ tại các tỉnh phía Nam đang giãn cách
Trước mắt, 2 doanh nghiệp Vietnam Post và Viettel Post sẽ tập trung xúc tiến tiêu thụ qua các sàn Postmart, Vỏ Sò những loại nông sản, trái cây mùa vụ có sản lượng lớn như: nhãn Đồng Tháp, nhãn An Giang, na Tây Ninh, khoai lang tím Vĩnh Long…