Mới đây, Bloomberg đã công bố một bản báo cáo rất chi tiết về những tính năng sẽ có mặt trên iOS 13. iOS 13 sẽ là phiên bản hệ điều hành tiếp theo dành cho iPhone, iPad và iPod touch và phải đến đầu tháng 6 mới được công bố chính thức tại sự kiện WWDC 2019 dành cho lập trình viên. Tác giả của bản báo cáo này là Mark Gurman - một người có tiếng trong giới công nghệ Mỹ với nhiều thông tin rò rỉ chính xác từ Apple trong suốt những năm qua.
Trong số danh sách những tính năng mới trên iOS 13, không ít trong số đó khiến người dùng tỏ ra hào hứng như chế độ nền tối Dark Mode, tăng cường hiệu năng cho thiết bị, biến iPad thành màn hình phụ cho máy Mac...
Tuy nhiên, iOS 13 cũng sẽ sở hữu những tính năng mà người dùng cảm thấy không khỏi "quen thuộc" - đơn giản là vì những tính năng đó đã có mặt trên Android từ cách đây rất lâu rồi, và Apple đang "học tập" lại chúng và đem đến cho hệ điều hành của mình. Trong số đó, có hai tính năng dự kiến sẽ có mặt trên iOS 13 mà Android đã có từ thuở sơ khai.
Bàn phím vuốt (swipe)
Từ thời điểm iPhone ra mắt vào năm 2007, bàn phím của iOS mặc dù đã có thay đổi về giao diện sau khi iOS 7 "phẳng hoá" mọi thứ, nhưng cách thức nhập liệu cơ bản vẫn được giữ nguyên. Người dùng sẽ chạm vào từng chữ cái trên bàn phím để nhập liệu từng ký tự.
Điều này có thể thay đổi với iOS 13. Theo thông tin từ Bloomberg, Apple đang thử nghiệm một cách thức nhập liệu mới, cho phép người dùng nhập ký tự bằng cách lướt ngón tay qua các chữ cái trên bàn phím.
Nghe quen thuộc phải không? Vâng, đó chính là "Swype". Swype là phần mềm bàn phím do Nuance phát triển với cách thức nhập liệu vuốt như đã nói ở trên, và bắt đầu xuất hiện trên Android từ năm 2010. Nay, mặc dù ứng dụng Swype đã bị Nuance khai tử, tuy nhiên công nghệ và cách thức hoạt động của nó vẫn được sử dụng bởi tất cả các phần mềm bàn phím phổ biến như Gboard, SwiftKey hay thậm chí là cả Laban Key. Những phần mềm bàn phím này cũng có phiên bản dành cho iOS.
Tuy nhiên, Android không phải nền tảng đầu tiên mà Swype đặt chân. Trước Android, Swype đã có mặt trên các nền tảng như Windows Mobile, Symbian hay Bada. Trên thực tế, công ty chủ quản của Swype là Swype Inc. được thành lập từ năm 2002 (trước khi bị Nuance mua lại).
Và nay, gần 20 năm sau khi phương pháp nhập liệu này ra đời và 10 năm sau khi nó có mặt trên Android, thì Swype cuối cùng cũng đã được Apple cân nhắc đưa vào iOS. Cần phải nhấn mạnh cụm từ "cân nhắc", vì theo Mark Gurman, Apple có thể sẽ "lưu hành nội bộ" tính năng này và không đưa vào phiên bản chính thức của iOS 13.
Tải về tập tin và trình quản lý tải về
Một tính năng trên iOS 13 có thể khiến nhiều người bất ngờ là trình duyệt Safari sẽ có thể tải về (download) tập tin từ Internet. Ngoài ra, người dùng sẽ còn có thể quản lý tập tin tải về tương tự như cách họ làm trên máy tính.
Sở dĩ thông tin này gây bất ngờ là do Apple coi iOS là một nền tảng di động, ưu tiên tính ổn định và dễ sử dụng hơn là tính công năng nhưng lại phức tạp của một chiếc máy tính. Với lối suy nghĩ đó, Apple không cho rằng người dùng cần phải quản lý tập tin trên chiếc điện thoại của mình, từ đó khiến họ cũng không thể tải về bất kỳ thứ gì trên Safari (vừa để đề phòng mã độc, vừa là do iOS không có filesystem hiện hữu mà người dùng có thể truy cập).
Trái ngược lại, đối với Android và độ "mở" của mình, ngay từ những phiên bản đầu tiên, người dùng đã có thể tùy ý tải về mọi loại tập tin trên Internet. Khả năng tải về tập tin cũng chính là một trong những điểm mạnh của Android khiến cho một số người dùng ưu tiên lựa chọn smartphone chạy hệ điều hành này thay vì iPhone.
Tuy nhiên, với mong muốn iPad có thể thay thế máy tính, Apple có vẻ cũng đang nối gót Android trong việc nới lỏng iOS để những thiết bị của hãng trở nên "được việc" hơn. Sau ứng dụng Files với khả năng quản lý tệp tin trên iOS 11, thì việc Safari hỗ trợ tải về tệp tin cho thấy Apple đang từng bước để biến iPad nói riêng và các thiết bị iOS nói chung trở nên phù hợp hơn trong thời kỳ "hậu PC".
Các bạn có thể đọc danh sách đầy đủ những tính năng dự kiến sẽ có mặt trên iOS 13, macOS 10.15 và watchOS 6 trong bài viết này.
Theo GenK