Nhu cầu lớn
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hàng may mặc là nhóm hàng mà Vương quốc Anh có nhu cầu nhập khẩu lớn. Theo dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu hàng may mặc vào Anh đạt khoảng 24 đến 25 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2017- 2019, chiếm 3-4% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Anh.
Năm 2020 và năm 2021, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và vấn đề Brexit của Anh cũng đã làm nhập khẩu hàng may mặc của Anh giảm đáng kể, chỉ đạt 22,95 tỷ USD trong năm 2020 và tiếp tục giảm xuống 20,84 tỷ USD trong năm 2021.
Tính chung trong giai đoạn 2017-2021, nhập khẩu hàng may mặc của Anh giảm bình quân 3,7%/năm.
Bước sang năm 2022, sự phục hồi của nền kinh tế Anh, kéo theo đó, nhu cầu nhập khẩu đối với hàng hóa nói chung, hàng may mặc nói riêng vào Anh tăng đáng kể với trị giá nhập khẩu hàng may mặc đạt 13,3 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2022, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp hàng may mặc thứ 12 tại Anh, chiếm tỷ trọng khoảng 2,2-2,8% tổng trị giá nhập khẩu hàng may mặc của Anh trong giai đoạn 2017-2021. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại Anh đã tăng lên 4,33%.
Tại Anh, hàng may mặc của Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với các thị trường thuộc khu vực châu Á như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia và một số thị trường thuộc khu vực EU như Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp.
Việc Anh rời khỏi EU đồng nghĩa với việc Anh sẽ không được hưởng các lợi ích như các thị trường nội khối EU, đặc biệt là những ưu đãi về thuế quan, các điều kiện, quy chuẩn trong khối EU… Đây cũng là nguyên nhân khiến Anh giảm nhập khẩu hàng may mặc từ các thị trường thuộc khu vực EU, thay vào đó, Anh đã đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường ngoại khối EU. Anh là quốc gia có số lượng các Hiệp định FTA tương đối lớn. Hiện Anh có các FTA có hiệu lực với hơn 60 quốc gia.
Tuy nhiên, con số này hiện không bao gồm tất cả các quốc gia của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Anh cũng đã gia nhập.
Trong các thành viên của CPTPP, Anh đã có quan hệ đối tác FTA với 7 thành viên (Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico, Peru, Singapore và Việt Nam) và đang trong quá trình đàm phán hoặc thực hiện các hiệp định thương mại với thêm hai thành viên (Australia và New Zealand). Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng mong muốn mở các cuộc đàm phán thương mại với Canada, Israel và Mexico để mở rộng các hiệp định thương mại liên tục hiện đang có; và các quốc gia của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả-rập Xê-út và UAE).
Đối với Việt Nam, mặc dù Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường trên nhờ có UKVFTA, tuy vậy, hàng may mặc Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn hơn nhờ giá cả cạnh tranh hơn tại Anh.
Cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, Anh sẽ tiếp tục giảm nhập khẩu hàng may mặc từ thị trường EU, thay vào đó, Anh sẽ đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường ngoại khối EU, trong đó có Việt Nam. Do đó, để có thể tận dụng hiệu quả lợi ích mà Hiệp định UKVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hàng dệt may nhập khẩu của Anh.
Trong đó, yêu cầu mới nhất mà Chính phủ Anh đưa ra là kể từ ngày 01/01/2023, nhãn hiệu UKCA áp dụng bắt buộc tại Anh với hàng hóa lần đầu tiên đưa ra thị trường thay thế cho các nhãn hàng hóa trước đó đã lưu thông.
UKCA là nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn Anh. Nhãn hiệu này rất quan trọng đối với những doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm chế tạo sang thị trường nước này.
Năm 2021, UKCA đã được đưa vào sử dụng, tuy nhiên sau ngày 31/12/2022 bắt buộc mọi hàng hóa chế tạo phải sử dụng nhãn hiệu này để xuất khẩu vào Anh, trừ một số sản phẩm được luật quy định. Nhãn UKCA có quy định riêng về mẫu mã, hình thức và có thể do doanh nghiệp tự đánh giá hoặc bên thứ 3 đánh giá tùy theo yêu cầu của mặt hàng cụ thể.
Dán nhãn hiệu UKCA có 4 đối tượng cần quan tâm, gồm: Nhà sản xuất, nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối. Không có chi phí nào từ phía Chính phủ Anh liên quan đến dán nhãn hiệu UKCA nếu doanh nghiệp tự công bố.
“Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng cần lưu ý về quyền con người và nhân quyền và mở rộng quyền hạn này để bao gồm các vi phạm liên quan đến các công ước về chống tham nhũng, biến đổi khí hậu và môi trường trong quá trình sản xuất hàng dệt may để xuất khẩu sang thị trường Anh”, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, cùng với các Hiệp định khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), EVFTA, thì UKVFTA sẽ tạo ra cho ngành dệt may nền tảng thương mại vững chắc hơn và có sự tương hỗ lẫn nhau. Ngành dệt may Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhờ việc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc để xuất khẩu sang Anh, EU mà vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi. Đây là thế mạnh mà nhiều nước trong khu vực ASEAN không có.