Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất. Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành địa phương thực hiện chỉ đạo này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động xử lý ngay theo thẩm quyền hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Đồng thời, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành văn bản chỉ đạo là sản phẩm sau hội nghị về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong những năm qua, hoạt động FDI tại Việt Nam ngày càng sôi động. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI lớn với công nghệ hiện đại đang đầu tư, mở rộng đầu tư với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.
Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập, nhưng nhìn chung, các nhà đầu tư đều chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành với Việt Nam.
"Người Việt Nam có câu: Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi. Người Việt Nam vốn rất linh hoạt, cộng với sự chia sẻ, đồng hành và linh hoạt của các nhà đầu tư thì nhất định các khó khăn sẽ được xử lý, thách thức sẽ được vượt qua”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng nêu rõ, việc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) chuẩn bị kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động FDI trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, các bên cùng cố gắng với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, vì lợi ích chung của cả 2 phía: cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước, Nhân dân Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ 5 quan điểm xây dựng các yếu tố nền tảng thu hút đầu tư. Trong đó, Việt Nam nhất quán mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; qua đó tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư…
Trong các định hướng thu hút đầu tư, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao.
“Các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu rõ, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Đồng thời, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD.
Thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam
Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển"; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Cạnh đó là sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp.
Với tinh thần cầu thị, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư về tiếp cận vốn tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, đất đai, thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải…
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng cho rằng cần xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu…
Đồng thời, nêu cao tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực phát triển…
"Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển. Đề nghị chúng ta hãy cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp FDI đã nêu nhiều khó khăn vướng mắc cũng như đề xuất nhiều giải pháp đến người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit khuyến nghị Việt Nam xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Việt Nam có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế thu nhập đặc biệt hỗn hợp với rượu vang, rượu mạnh và không áp dụng loại thuế này với các sản phẩm thiết yếu như sữa, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Ông cũng kiến nghị miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện. Ông Kim Sung Hun, Tổng giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành đưa ra các quy chuẩn rõ ràng, chi tiết hơn về các văn bản dưới luật liên quan đến PCCC và nới lỏng các quy định khi kiểm duyệt, thẩm định các mô hình đặc thù kinh doanh của những ngành nghề sử dụng công nghệ cao. Các bộ ngành, địa phương cũng cần tăng cường hỗ trợ thủ tục hành chính về vấn đề này. “Chúng tôi chọn Bắc Ninh đặt nhà máy vì nơi đây có môi trường tốt về cơ sở hạ tầng, giáo dục, mạng lưới vận hành liên quan đến điện, nước, cùng những điều kiện cần thiết về nhân sự, hỗ trợ tích cực của chính quyền”, ông Kim Sung Hun nói. Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam Kim Huat Ooi bày tỏ hy vọng cơ chế một cửa tại khu công nghệ cao TP.HCM có thể sớm được khôi phục để cải thiện sự dễ dàng trong kinh doanh, giảm thời gian thực hiện cho tất cả các loại giấy phép như phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, môi trường … Ông cho biết, Intel đã đóng góp 75 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong 13 năm và tạo ra hơn 7.000 việc làm công nghệ cao và hợp tác giữa Intel và Việt Nam trong tương lai là không thay đổi. Ông Greb Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) thông tin: rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi Việt Nam sớm thông qua quy hoạch điện VIII, ưu tiên phát triển hệ thống pin lưu trữ điện tại quy hoạch này và thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp (DDPA).. Ông cho hay, các thành viên Amcham quan ngại về sự chưa ổn định trong chính sách phát triển điện của Việt Nam và mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch. |