Sau khi trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt vốn hóa 3.000 tỷ USD vào ngày 3/1, giá trị thị trường của Apple đã giảm hơn 800 tỷ USD. Tính đến 17/6, vốn hóa công ty này chỉ còn khoảng 2.130 tỷ USD.
Với xu hướng cổ phiếu công nghệ lao dốc do chuyển dịch cơ cấu thị trường, lạm phát tăng và lo ngại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, Bloomberg nhận định Apple hoàn toàn có thể đánh mất cột mốc vốn hóa 2.000 tỷ USD.
Nếu thị trường vẫn lao dốc, vốn hóa Apple có thể xuống thấp hơn 2.000 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg. |
Các nhà phân tích cũng bày tỏ quan điểm thận trọng khi điều chỉnh dự báo doanh thu quý III của Apple thấp hơn 7,8% so với ước tính trước đó. Ngân hàng Morgan Stanley lo ngại về tốc độ tăng trưởng doanh thu kho ứng dụng App Store, ảnh hưởng đến mảng kinh doanh dịch vụ của Táo khuyết.
Theo thống kê của Bloomberg, các sản phẩm dịch vụ chiếm 18,7% doanh thu và 30% lợi nhuận gộp của Apple trong năm 2021.
Ngoài thị trường chứng khoán, Apple còn đối mặt khó khăn về nguồn cung liên quan đến đợt phong tỏa do dịch bệnh tại Trung Quốc. Vào tháng 4, công ty này cảnh báo đợt bùng dịch tại Trung Quốc có thể khiến doanh số giảm 8 tỷ USD trong quý II. Giá nhiên liệu tăng trên toàn cầu cũng có thể khiến người dùng thắt chặt chi tiêu.
Sau 2 năm tăng vốn hóa mạnh mẽ, các công ty công nghệ như Meta, Apple, Amazon, Netflix và Alphabet chịu tác động mạnh khi "bay hơi" tổng cộng 2.600 tỷ USD vốn hóa thị trường từ đầu năm đến nay. Tính đến 17/6, vốn hóa của Amazon gần xuống dưới 1.000 tỷ USD.
Ngày 15/6, Fed thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Như vậy, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5-1,75%. Giới phân tích dự đoán điều đó sẽ khiến nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán tháo, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và dự báo lợi nhuận.
Lịch sử cho thấy cần nhiều năm để nhóm cổ phiếu công nghệ trở lại mốc cao nhất, được ghi nhận khi thị trường còn tăng trưởng. Cisco System là một trong những "cơn sốt" cổ phiếu cuối thập niên 1990. Tuy nhiên hiện nay, giá cổ phiếu công ty này vẫn thấp hơn 46% so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 3/2000.
Theo bảng xếp hạng của Bloomberg, giá trị tài sản ròng của các tỷ phú công nghệ cũng "bốc hơi" hàng trăm tỷ USD. Khối tài sản của Changpeng Zhao, CEO sàn giao dịch tiền mã hóa Binance, giảm sâu nhất với 85,6 tỷ USD, chỉ còn 10,2 tỷ USD.
3 tỷ phú công nghệ khác là CEO Tesla Elon Musk, đồng sáng lập Amazon Jeff Bezos và CEO Meta Mark Zuckerberg cũng có tổng tài sản giảm hơn 200 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến nay, tài sản của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk đã "bốc hơi" khoảng 73,2 tỷ USD.
(Theo Zing)