Sau gần một năm ấp ủ kịch bản và bắt tay thực hiện, bộ phim Vòng eo 56 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng vừa ra mắt khán giả ở TP HCM và Hà Nội. Từ khi công bố dự án được dựa trên cuộc đời của người mẫu Ngọc Trinh – người từng được xem là “nữ hoàng tai tiếng” của làng giải trí Việt, êkíp phim đã chịu nhiều áp lực. Thậm chí, nhiều người cho rằng từ tên phim đã cho thấy tác phẩm mới của Vũ Ngọc Đãng chỉ xoay quanh những cảnh “nóng”, những câu chuyện showbiz giật gân…
Nhưng qua hơn 90 phút phim, Vòng eo 56 mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc quanh câu chuyện thoát nghèo của cô gái quê tên Ngọc Trinh.
Người mẫu Ngọc Trinh cho biết có 70% sự thật về chuyện đời cô trong phim, còn lại là vài yếu tố thêm thắt, hư cấu để cho ra một tác phẩm điện ảnh. Qua nhiều tình tiết, cô muốn gián tiếp giải đáp dư luận về những gì xảy ra trong quãng đời bước chân vào làng giải trí đầy sóng gió của bản thân.
Xoay quanh Ngọc Trinh của đời thật luôn là những câu hỏi: vì sao cô từng được ông bầu khai gian tuổi để tìm đến cuộc thi “hoa hậu ao làng”? Vì sao cô từng nhận những lời chửi rủa, hạ nhục của mọi người? Vì sao người tình đại gia sẵn sàng tặng Trinh căn nhà 4 tỷ đồng sau 10 ngày yêu nhau và mỗi sinh nhật, cô lại được bạn trai tặng một chiếc xe sang? Vì sao cô yêu người đã có vợ con… Những tò mò này được trả lời phần nào qua tình tiết phim. Lời khẳng định “tôi không làm gái”, “tôi không bán dâm”… trở đi trở lại ở các đoạn phim như một cách cho nữ người mẫu giãi bày trước thị phi.
Nhân vật Trinh sống một tuổi thơ nghèo túng bên người cha bệnh tật – chỉ có thể kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm, bán vé số, bất lực nhìn cả nhà loay hoay trong cảnh khổ. Một người mẹ thương con nhưng cũng không biết làm gì ra tiền để chống đỡ cho ngôi nhà tuềnh toàng, dột nát, cho những lần đòi nợ không dám ngẩng mặt nhìn chủ nợ quát tháo…
Cảm giác “nghèo không phải cái tội, nhưng nghèo thì nhục lắm” đã được khắc họa sắc nét trên phim. Những chi tiết rất đời đó gợi nhắc về vùng quê miền Tây Nam bộ, nơi không thiếu những tình cảnh như thế. Dù gia cảnh túng quẫn, nhân vật Trinh và chị gái của cô đã thoát được cảnh “lấy chồng Đài Loan” bởi tình yêu thương và sự quyết tâm bảo vệ gia đình của người cha nghèo mà không hèn. Tình cảm gia đình, tình anh em, hàng xóm… được miêu tả trong phim khá dung dị.
Ngoài không gian làng quê, phim còn mang đến một thế giới hào nhoáng của thị thành với thế giới người mẫu, thời trang đầy cám dỗ. Ở đó có những người mẫu luôn khao khát làm nghề bằng lao động chân chính, nhưng cũng có những người sẵn sàng “bán thân” để đổi đời.
Diễn xuất của Ngọc Trinh là một điểm sáng cho phim. Người mẫu không quá khó khăn để thể hiện một phần bản thân cô trên màn ảnh. Cô thoải mái, tự nhiên ở chất giọng quê nghèo đặc sệt người miền Tây, ở phong thái khi quê mùa, khi kiêu sa, quyến rũ. Những phát ngôn gây sốc kiểu “không tiền cạp đất mà ăn” được đưa vào tình huống phim để người xem thấy thông cảm cô hơn.
Không chỉ đẹp nổi bật ở các phân cảnh làm người mẫu, Ngọc Trinh khiến người xem xúc động khi quay ngược thời gian để trở lại là một cô gái chốn nông thôn. Hình ảnh cô nữ sinh lật đật bê bát bún cho cha trong trời mưa giông, cảnh cô thất thần quăng xe đạp khi thấy cha bị xã hội đen đòi nợ, rồi cảnh cô đạp xe đạp đi học trên đường đê với niềm vui nhẹ nhàng trên nét mặt… khiến người ta hiểu hơn một phần đời và hoàn cảnh của nhân vật.
Tuy vậy, diễn xuất của Ngọc Trinh không thể bật lên nếu bên cạnh cô không có dàn nghệ sĩ diễn xuất đồng đều: La Quốc Hùng, Hồ Vĩnh Khoa và Tú Vi trong vai anh chị của Trinh, Bích Hằng trong vai mẹ, nghệ sĩ Công Ninh vai cha, Minh Triệu vai nữ đồng nghiệp độc ác, nhiều thủ đoạn… Các gương mặt này góp một phần lớn tạo nên tình tiết và cảm xúc để tính cách nhân vật chính nổi lên.
Vòng eo 56 là một bộ phim đơn giản về mặt thủ pháp điện ảnh, tập trung cách kể sao cho câu chuyện hay, xúc động. Chuyện đời cô gái nhiều tai tiếng như Ngọc Trinh đã giúp Vũ Ngọc Đãng có mảnh đất màu mỡ để phát huy thế mạnh của anh từ trước đến nay ở dòng phim tình cảm. Vừa là đạo diễn vừa là người chấp bút kịch bản, anh mang đến những lời thoại gần gũi, tự nhiên như đời sống. Ở một chừng mực nào đó, phim phác họa được sự trần trụi của nghề người mẫu, khắc họa được cảnh nghèo của một gia đình miền quê.
Phim chọn bối cảnh tốt, mang đến những khung hình đẹp. Nhạc phim hay, nhất là ca khúc Ngày em xa quê của nhạc sĩ Việt Anh tạo sự cộng hưởng lớn về mặt cảm xúc. Gam màu mà đạo diễn mang vào phim luôn có sự sóng đôi giữa sáng và tối, trong đó gam màu sáng nhỉnh hơn cho thấy góc nhìn lạc quan về cuộc sống của êkíp. Nhưng vốn là người thích xây dựng các bộ phim “cổ tích giữa đời thường”, “người đẹp và hoàng tử ếch”, Vũ Ngọc Đãng bị chê đã quá “tô hồng” cho nhân vật nữ chính.
Vũ Ngọc Đãng chưa chắc tay khi xử lý mạch phim, chuyện phim. Sự đổi đời của nhân vật tên Trinh diễn ra quá nhanh, quá chóng vánh chỉ từ sự si mê của một anh chàng đại gia sẵn sàng chi tiền không tiếc tay cho người đẹp. Trong khi đó, những khát khao được tự lập, vươn lên bằng chính sức lực, khả năng và lòng yêu nghề người mẫu của nhân vật nữ chính lại được khắc họa hời hợt. Rốt cuộc, khán giả chỉ có thể thấy, cô gái tên Trinh có được tài sản, có nhà cho cha mẹ là nhờ nhan sắc và được đại gia yêu chiều. Điều này khiến cho việc đổi đời của nhân vật Trinh chỉ nằm trong số cá biệt may mắn, không thể nào là mẫu số chung cho nỗ lực vươn lên của những con người nghị lực.
Do quá lệ thuộc hình mẫu Ngọc Trinh ngoài đời, đạo diễn chưa dứt khoát trong việc để cho nhân vật Trinh một đời sống độc lập trên phim. Phim về cuối càng gây nên những khoảng hẫng cho người xem. Kết phim bỏ ngỏ giữa giằng xé trong chuyện tình yêu khi Ngọc Trinh của màn ảnh phát hiện người yêu bấy lâu nay giấu cô chuyện đã có vợ con trước khi đến với cô. Cô gái quê nghèo ngày nào từng mơ ước: “Con chỉ muốn lên Sài Gòn kiếm tiền trả hết nợ cho ba mẹ, rồi về quê lấy chồng sinh con, ở với ba mẹ thôi..”. Nhưng có lẽ cũng như đời thực, ước mơ ấy là thử thách lớn với cô gái mang tên Ngọc Trinh.
Phim khởi chiếu ngày 6/4 tại các rạp trên toàn quốc.