Ngày 18/4, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Việt Hùng (SN 1988, ở Thanh Châu A, Phủ Lý, Hà Nam) về hành vi giết người, cướp tài sản.
Trương Việt Hùng là nghi phạm trong vụ án giết hại người phụ nữ rồi giấu xác trong ô tô tại hầm chung cư ở quận Long Biên.
Theo lời khai của Hùng, đối tượng quen biết chị Q., do có mâu thuẫn nên nảy sinh ý định giết người phụ nữ này.
Khoảng 7h ngày 12/4, Hùng đến toà nhà chung cư nơi chị Q. sinh sống. Khi thấy chị Q. đến vị trí đỗ xe ô tô, đối tượng đã đứng phía sau thực hiện hành vi tội ác. Sau đó, Hùng kéo chị Q. vào ô tô rồi lái xe qua cầu Đông Trù. Hùng chiếm đoạt 16 triệu đồng của chị Q. rồi nạp vào tài khoản để chơi game.
Hùng tiếp tục lái ô tô có thi thể chị Q. về cất giấu tại hầm để xe của chung cư ở phường Ngọc Lâm rồi bỏ đi. Sáng ngày 13/4, Hùng bắt xe về Hà Nam để chơi game và nghỉ tại đây. Đến ngày 16/4, đối tượng bị lực lượng công an bắt giữ.
Trong vụ án này, nghi phạm thể hiện là một người nghiện game khi lập tức chìm đắm vào thế giới ảo ngay sau khi gây tội ác trong đời thực.
Luật sư Vũ Thủy Linh - Công ty luật TAT cho biết, hành vi của Hùng đã bị khởi tố về tội Giết người. Trong quá trình điều tra, tùy vào các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt đối với hành vi này từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình và có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung.
Đối với việc nghi phạm lấy 16 triệu đồng của nạn nhân đi chơi game, luật sư Vũ Thủy Linh nhận định, hành vi của Hùng đã cấu thành tội Cướp tài sản, có thể bị phạt tù từ 3-10 năm. Trong vụ án này, có thể Hùng phải đối diện với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Về hành vi nghiện game của Hùng, luật sư Vũ Thủy Linh cho biết: "Thực tế đây không phải là lần đầu xuất hiện vụ án liên quan đến nghi phạm nghiện game, đặc biệt là game bạo lực. Nhiều người đã vi phạm pháp luật, mắc nhiều bệnh rối loạn tâm thần xuất phát từ việc nghiện game".
Theo luật sư, chứng nghiện game online được bổ sung vào danh sách các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. WHO thông báo rối loạn chơi game bao gồm: Các triệu chứng như tình trạng mất kiểm soát hành vi, ưu tiên chơi game hơn tất cả các hoạt động khác, dành thời gian chơi game bất chấp các hậu quả tiêu cực.
Nghiện game gây ra nhiều hệ lụy xấu bởi các trò chơi gây nghiện thường phải nạp tiền thật để chơi. Người nghiện game không dành thời gian cho lao động, học tập, làm việc nên không có thu nhập. Để có tiền chơi game, một số người sẽ tìm cách bất hợp pháp, vi phạm pháp luật như: trộm cắp, cướp giật tài sản, tước đoạt tính mạng của người khác… chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.
"Thậm chí có những vụ án người phạm tội lấy ý tưởng từ game. Những trò chơi, hành động trên các game đã trở thành gợi ý cho nhiều đối tượng thực hiện các vụ bắt cóc, giết người dã man. Chính những hành vi này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự xã hội", luật sư Vũ Thủy Linh cho biết.
Theo nữ luật sư, việc nghiện game không chỉ ảnh hưởng tới xã hội, chính bản thân người nghiện game cũng rơi vào trạng thái không phân định được thế giới ảo và thật, mất kiểm soát hành vi, cảm xúc ở cuộc sống thật, nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực.
Do đó, gia đình, bạn bè khi nhận thấy người thân, bạn bè của mình có hành vi nghiện game như vậy, cần hết sức khuyên giải để người đó nhận thấy tác hại nghiêm trọng của việc nghiện game.
Để ngăn chặn xu hướng nghiện game tăng cao trong giới trẻ, cần có sự chung tay của gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục và cả những biện pháp chế tài phù hợp.