Để mua bán trái phép hàng nghìn hóa đơn, Trương Xuân Đước cùng vợ đã lập ra 26 công ty "ma", sử dụng nhiều chiêu trò nhằm thu lợi bất chính 41 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, tháng 1/2005, Trương Xuân Đước thuê dịch vụ thành lập Công ty Cổ phần Khánh Dung với Đước làm giám đốc để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn kiếm lời.
Đến năm 2007, Đước cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh quản lý, điều hành Công ty Khánh Dung hoạt động mua bán trái phép hóa đơn. Trong đó, Ngọc Anh có vai trò là kế toán trưởng của công ty.
Từ năm 2005 đến khi bị bắt giữ, vợ chồng Đước đã thành lập 26 công ty để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Trong khoảng thời gian từ năm 2018 - 2020, Đước và Ngọc Anh dừng sử dụng 7 công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn vì lo sợ bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Đước và Ngọc Anh khai nhận, mua hóa đơn trái phép của Bùi Huy Hợp (SN 1972, trú tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) và các cá nhân, đơn vị khác để sử dụng kê khai báo cáo thuế đầu vào cho Công ty Khánh Dung. Hóa đơn trái phép được mua với giá từ 5 – 6% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hoá đơn (chưa tính thuế VAT).
Đến khoảng năm 2018, sau khi nghe tin Hợp bị Công an Hải Phòng bắt, nhận thấy có nhiều rủi ro, dễ bị lực lượng chức năng phát hiện nên Đước và Ngọc Anh đã hạn chế mua hóa đơn của các cá nhân, đơn vị khác.
Các cá nhân bán hóa đơn đầu vào trái phép cho vợ chồng Đước chủ yếu liên lạc, giao dịch qua Zalo và điện thoại nên Đước không biết, không nhớ thông tin về người bán.
Khi có nhu cầu mua hóa đơn, căn cứ theo lượng tiền ghi trên hóa đơn bán ra, Đước liên lạc với người bán để họ ghi hóa đơn và soạn thảo hợp đồng. Sau đó, các tài liệu liên quan được đóng vào phong bì gửi qua đường xe khách hoặc chuyển phát nhanh đến cho Đước.
Đối với hóa đơn đầu ra, khách mua hóa đơn của Đước và Ngọc Anh phần lớn là trung gian, môi giới. Bản thân Đước, Ngọc Anh không rõ thông tin cá nhân, địa chỉ của khách do người mua che giấu thông tin.
Khi cần lấy hóa đơn họ liên hệ với Đước rồi cung cấp thông tin số lượng, tên hàng hóa dịch vụ, số tiền ghi trên hóa đơn và tên đơn vị. Sau đó, Đước giao cho Ngọc Anh và bộ phận kế toán viết hóa đơn khống bán cho khách.
Theo yêu cầu của khách, Đước gửi hóa đơn, chứng từ qua xe khách, chuyển phát nhanh đến địa chỉ mà khách yêu cầu hoặc có lúc Đước và Ngọc Anh đi giao trực tiếp.
Việc thanh toán tiền mua hóa đơn thường được khách thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, gửi qua đường xe khách, hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Đước.
Hằng tháng, hằng quý, để hoàn thiện hồ sơ kê khai báo cáo thuế, tùy theo từng giai đoạn, Ngọc Anh trực tiếp chỉ đạo bộ phận kế toán tổng hợp kê khai báo cáo thuế, soạn thảo hợp đồng, các tài liệu liên quan và viết hóa đơn cho Đước.
Vợ chồng Đước còn trực tiếp bán hóa đơn trái phép cho nhiều công ty trên địa bàn TP Hà Nội với giá từ 7 – 8% giá trị hàng hoá, dịch vụ ghi trên hoá đơn (chưa tính thuế VAT).
Căn cứ tài liệu do Cục Thuế TP Hải Phòng, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cung cấp và kết quả điều tra, cơ quan chức năng xác định, tổng số hóa đơn Đước và Ngọc Anh đã mua bán trái phép của 26 công ty nêu trên là 21.449 hóa đơn. Trong đó, Đước và Ngọc Anh phải chịu trách nhiệm hình sự với 15.674 hóa đơn.
Tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn bán ra cho khách của các công ty do vợ chồng Đước quản lý, điều hành mua bán trái phép hóa đơn là hơn 6.000 tỷ đồng (chưa tính thuế VAT).
Theo vợ chồng Đước, giá bán hóa đơn không cố định mà lên, xuống tùy từng thời điểm, tuy nhiên giá bán ra luôn cao hơn so với mua vào là 1% giá trị hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT).
Số tiền Đước và Ngọc Anh thu được khi bán hóa đơn trái phép là hơn 60 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Đước và Ngọc Anh thu lời hơn 41 tỷ đồng.
Đầu tháng 2/2023, vợ chồng Trương Xuân Đước bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Đến ngày 18/2/2023, ông Đỗ Hữu Ca bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi nhận 35 tỷ đồng từ vợ chồng Đước nhờ "chạy án".