Ngày 28/7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM về xử lý vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã nhận được báo cáo nhanh qua đường dây nóng của bệnh viện và Sở Y tế về việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ trong ca trực lúc 21h ngày 27/7 tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia định.
Vụ việc “có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề, gây tổn hại về thể chất, tinh thần và danh dự của bác sĩ trực tiếp bị hành hung trong lúc đang hành nghề cũng như các thầy thuốc, nhân viên y tế khác”, Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh.
Đồng thời, sự việc cũng gây mất an ninh, an toàn và trật tự tại nơi khám chữa bệnh cấp cứu, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, thời gian khám chữa bệnh cho người bệnh khác.
Vì vậy, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP.HCM sớm tiến hành xác minh vụ việc, báo cáo cụ thể về Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cần phối hợp với Công an TP.HCM để điều tra, đề xuất hướng xử lý nghiêm đối với hành vi sai phạm. Sở này cũng được đề nghị động viên kịp thời đối với người hành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ hành hung.
Như VietNamNet đã đưa tin, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận sự việc bác sĩ khoa cấp cứu bị hành hung vào tối 27/7. Theo chia sẻ trên mạng xã hội của bác sĩ T. (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định), quá trình thăm khám cho một bé gái 10 tuổi, bị hóc xương, anh đã bị bố của một bệnh nhi bất ngờ xông vào hành hung.
Người bố của bệnh nhân đã đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và vẫn quay clip. Các đồng nghiệp của bác sĩ đã kéo ông bố ra nhưng người này vẫn không dừng hành vi trên.
Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận báo cáo sự việc từ các bộ phận có liên quan. Bác sĩ T. cũng đã có tường trình với cơ quan công an.
Đây là một thực trạng đang lo ngại của ngành y tế. Trước đó, Công đoàn Y tế Việt Nam đã có báo cáo về tình hình cán bộ, viên chức, người lao động ngành y tế nghỉ việc 6 tháng đầu năm 2022. Tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Phân tích các nguyên nhân, Công đoàn Y tế Việt Nam có đề cập đến lý do: “Nhân viên y tế phải chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân, thậm chí một số nhân viên y tế còn chịu những hành động đe doạ, bạo lực cả về thể chất và tinh thần gây tâm lý hoang mang, lo sợ”.