Khi Mỹ và Nga trục xuất "các nhà ngoại giao" của nhau
trong thời gian tới, nhiều khả năng họ sẽ chỉ là những con tốt trong một
ván cờ lớn hơn nhiều.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Vụ bắt giữ Ryan Fogle ngày 14/5 ở Moscow trong một tấm ảnh do FSB cung cấp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin biết chính xác nước cờ này: chặn một cuộc gặp bí mật được sắp xếp bởi Bí thư thứ 3 của Đại sứ quán Mỹ ở Moscow; một quan chức Mỹ mang theo dụng cụ hành nghề gián điệp và rất nhiều tiền mặt để dụ dỗ các điệp viên hai mang tiềm ẩn của Nga, kèm theo những lời hứa họ sẽ còn nhận được nhiều hơn thế; một cái bẫy được an ninh Nga chuẩn bị cẩn thận, với các tay chụp ảnh sẵn sàng ghi cảnh người bị bắt, ở chốn công cộng, và sự nhục nhã của người được gọi là điệp viên CIA Ryan Fogle.
Tổng thống Putin biết rõ về ván cờ được chơi ở Moscow ngày 14/5, bởi vì ông xuất thân là một sĩ quan tình báo trẻ trong "các cuộc chiến hai mang" hồi những năm 1980, khi CIA và KGB dính vào trò "gián điệp đối đầu gián điệp" của những điệp vụ hai mang và ba mang.
Giống như kết quả của vụ vạch mặt các gián điệp hai mang Aldrich Ames của CIA và Robert Hanssen của FBI, hơn 10 điệp viên hai mang Mỹ bên trong KGB và các lực lượng an ninh Liên Xô đã bị vạch trần. Họ bao gồm Tướng quân đội Dmitri Polyakov, mật danh "Top Hat", một trong những điệp viên Liên Xô quan trọng nhất từng bị CIA lôi kéo thành công cho đến khi bị phát hiện và xử tử.
Trong những năm còn trẻ, Putin là một điệp viên phản gián của KGB, giám sát người nước ngoài và các quan chức lãnh sự quán ở Leningrad trước khi được điều đến Đông Đức (1985-1990), trung tâm của những âm mưu phản gián trong thời kỳ căng thẳng đặc biệt của Chiến tranh Lạnh. Khi ấy, Liên Xô suy yếu đang cố gắng rút quân khỏi cuộc chiến kéo dài cả thập niên ở Afghanistan còn Mỹ thì tìm cách giành lợi thế nhờ điểm yếu của đối thủ.
"Đó là một thời kỳ rất lạnh giá của Chiến tranh Lạnh, với Mỹ dính dáng vào hành động ngầm lớn nhất trong lịch sử CIA ở Afghanistan, còn Liên Xô giết những đặc vụ hai mang theo Mỹ bị Ames phản bội và thực hiện tất cả những cuộc bắt giữ nhằm vào các điệp vụ CIA ở Moscow", trích lời một cựu quan chức cấp cao CIA giấu tên.
"Vụ bắt giữ ngày nay rõ ràng đã giật một trang khỏi cuốn sổ Chiến tranh Lạnh đó,
với gã này nằm trên mặt đất, hai tay ở sau lưng và ánh sáng camera lóe lên. Câu
hỏi là tại sao Putin lại quyết định làm rùm beng vụ việc vào lúc này?
Trang bị hành nghề của Ryan Fogle bị tịch thu sau khi ông này bị bắt.
Khi Mỹ và Nga trải qua những hành động trục xuất "các nhà ngoại giao" của nhau trong thời gian sắp tới, nhiều khả năng họ sẽ chỉ là những con tốt thí trong một ván cờ lớn hơn nhiều, một đòn bẩy cố ý của những gì mà không bao giờ có thể biết rõ.
Vụ bắt giữ ngày 14/5 diễn ra đúng một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
tới Moscow và dường như đã đạt một bước đột phá ngoại giao quan trọng với một
sáng kiến chung Nga - Mỹ trong nỗ lực đưa các bên tham chiến ở Syria vào bàn đàm
phán.
Sáng kiến đó, gắn với sự hợp tác tình báo Nga - Mỹ về vụ đánh bom cuộc
marathon ở Boston mà thủ phạm được cho là người gốc Chechnya, đã khiến nhiều nhà
phân tích nhận thấy một sự tan băng trong quan hệ song phương vốn đang lạnh giá.
(Putin công khai cáo buộc Mỹ xúi giục các cuộc biểu tình chống lại cuộc bầu cử
giúp ông trở lại ghế Tổng thống Nga hồi tháng 12/2011).
"Tôi nghi hoạt động tình báo được tiết lộ trong vụ việc hôm nay ít quan trọng hơn nhiệt độ của mối quan hệ tổng thể Nga - Mỹ, và những tín hiệu nào Moscow muốn gửi tới Mỹ cùng các nước khác", Paul Pillar - một cựu chuyên gia phân tích của CIA hiện đang làm việc cho Chương trình Các nghiên cứu An ninh Georgetown - đánh giá. "Các nhà lãnh đạo Nga có thể cảm thấy sự thể hiện vui mừng về sáng kiến Syria mới là quá mức và họ có thể phát tín hiệu tới Bashar al-Assad rằng chúng tôi sẽ không đẩy ông xuống dưới xe buýt và thoải mái đứng về phía Mỹ".
Trong thế giới "điệp viên đối mặt điệp viên" đầy xảo quyệt, Cơ quan An ninh Liên bang Nga cũng có thể đang cố gắng làm tăng căng thẳng giữa ông Kerry và CIA. Là cựu Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, Kerry từng đóng vai trò là một đặc sứ của Tổng thống Barack Obama trong các cuộc gặp cấp cao với các quan chức Pakistan vài năm trước, và có tin ông đã nổi điên khi CIA mở một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khiến người Pakistan tức giận giữa chuyến ngoại giao con thoi của ông.
Vụ bắt giữ điệp vụ CIA ở Moscow xảy ra ngay sau chuyến thăm mới đây của ông Kerry cũng có thể "tiếp dầu vào lửa" cho những căng thẳng đó.
"Tôi đã chơi trò của người Nga gần như cả cuộc đời làm việc của mình, và đôi khi bất cứ điều gì khiến chính phủ Mỹ bực dọc thì lại khiến cho lực lượng an ninh Nga thích thú", một cựu quan chức tình báo Mỹ bình luận.
Khả năng thứ ba là Cơ quan An ninh liên bang đang tìm kiếm một cú đáp trả cho vụ việc năm 2010, trong đó 10 điệp vụ Nga bị vạch mặt công khai ở Mỹ và nhận tội vì không đăng ký như các điệp vụ nước ngoài trước khi bị trục xuất vì thu thập thông tin tình báo. Và họ đã được tự do nhờ việc Nga trả 4 tù nhân mà nước này cáo buộc làm gián điệp cho Washington. Khi đó, vụ việc cũng xảy ra ngay sau một cuộc gặp quan trọng giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Dmitri Medvedev, người mô tả cuộc gặp là một thành công lớn.
"Và bỗng nhiên bạn có một vụ bắt giữ rất ầm ĩ nhằm vào một nhóm điệp viên Nga, một sự bẽ bàng mà các cơ quan đặc biệt của Nga không thể nào quên và có thể sẽ tìm cách trả thù bằng cuộc bắt giữ hôm nay", trích lời Dmitri Simes, một chuyên gia Nga và là Chủ tịch Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia ở Washington. "Những gì bạn có thể đoán ra là đây là một quyết định chính trị, có thể đòi hỏi sự phê chuẩn trực tiếp của ông Putin. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết câu trả lời tại sao ông ấy lại muốn chọc tức Mỹ vào thời điểm này".
Thanh Hảo (Theo National Journal)