Ba trường hợp được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) gồm: anh T.K.H (41 tuổi), chị N.T.T.A (37 tuổi) và em N.X.H (16 tuổi) là mẹ con. Cha của N.X.H đã tử vong ngày 14/7 vì ngộ độc methanol nặng.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Võ Thành Hoài Nam, Phó trưởng khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Quân y 175 cho biết chị T.A và em N.X.H được tiến hành lọc máu trong 5 giờ. Ngày 16/7, hai mẹ con xuất viện trong tình trạng hồi phục hoàn toàn.
Riêng anh T.K.H phải trải qua 2 lần lọc máu, mỗi lần 5 giờ và xuất viện trong hôm nay. Anh H. cũng là người có tình trạng nặng nhất trong 3 bệnh nhân: mắt mờ hoàn toàn, kích thích, vật vã, suy hô hấp.
“Có khả năng phụ nữ và trẻ em uống ít rượu hơn nên không phải lọc máu lần thứ hai, ổn định và hồi phục sớm hơn”, bác sĩ Nam nói.
Theo bác sĩ Nam, diễn tiến các bệnh nhân phù hợp với nhận định ban đầu. Theo đó, có khả năng người bệnh không uống rượu methanol nguyên chất mà pha trộn với ethanol. Chính vì có ethanol kèm theo nên đã làm chậm chuyển hóa và đào thải methanol, biểu hiện ngộ độc cũng muộn hơn.
Như VietNamNet đã đưa tin, ngày 12/7, gia đình chị N.T.T.A tổ chức sinh nhật cho con gái. Buổi tiệc gồm 7 người nhưng chỉ 4 người uống rượu, gồm vợ chồng chị T.A, con trai 16 tuổi và anh T.K.H. Loại rượu này do một người bạn mang đến gửi ở cửa hàng, nhờ chị T.A giới thiệu cho khách. Trong buổi tiệc, 4 người đã uống hết 6 chai loại 500ml.
Ngày hôm sau, chồng chị T.A nôn ói, đau đầu. Ngày 14/7, anh được chuyển đi cấp cứu nhưng không qua khỏi, nghi ngộ độc methanol quá nặng.
Ba người còn lại cùng có triệu chứng nôn ói, mệt mỏi, li bì và được chuyển lên TP.HCM cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, toan chuyển hóa nặng, mờ mắt. Kết hợp triệu chứng với các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ nhận định 3 bệnh nhân ngộ độc methanol nặng giờ thứ 44.