Sáng 13/9, tại cuộc hội chẩn toàn Bệnh viện Bạch Mai về các biện pháp cấp cứu cho nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, PGS.TS Đào Xuân Cơ, giám đốc bệnh viện, cho biết ngay trong đêm, khi nhận được thông tin về vụ hỏa hoạn, cơ sở y tế này đã chủ động các biện pháp cấp cứu.
Tính đến sáng nay, bệnh viện đang điều trị cho 24 bệnh nhân. Các bệnh nhân này đều bị ngộ độc khí CO, một số người nhảy xuống nên bị chấn thương và đa chấn thương. Các bệnh nhân được cấp cứu điều trị tại các trung tâm, khoa khác nhau trong bệnh viện.
Ông Đào Xuân Cơ cho biết các nạn nhân đến viện trong tình trạng hoảng loạn, nhiều người thân trong cùng gia đình đều nhập viện, không có người chăm sóc. Do đó, toàn bộ việc chăm sóc, sinh hoạt, ăn uống bệnh viện sẽ phụ trách 100%. Về việc chẩn đoán điều trị, ban giám đốc chỉ đạo các phòng ban chuẩn bị tất cả nguồn lực tốt nhất, hạn chế tối đa người tử vong.
Thông tin cụ thể hơn, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết rạng sáng ngày 13/9, cơ sở y tế này tiếp nhận 26 nạn nhân trong vụ cháy, trong đó có 2 người tử vong ngoại viện.
Các bệnh nhân được đưa vào 3 khoa gồm Cấp cứu A9, Trung tâm Nhi khoa và Chống độc. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương ở các mức độ khác nhau. Những người này chủ yếu bị ngạt khói, chấn thương, không có trường hợp bệnh nhân bị bỏng.
Sáng nay, hơn 20 chuyên khoa và hàng chục bác sĩ đã tập trung hội chẩn cho các nạn nhân. Đồng thời, các bệnh nhân nằm ở khoa cấp cứu được di tản để tập trung nhân lực điều trị cho các nạn nhân. “Các xét nghiệm, chụp chiếu nhanh chóng được thực hiện. Việc cứu sống tính mạng của bệnh nhân được đặt lên hàng đầu”, bác sĩ Tuấn nói.
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, cho biết các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân nữ vào viện lúc 3h sáng, trong tình trạng hơi thở gắt, huyết áp cao, phải đặt nội khí quản.
Đại diện Trung tâm Nhi khoa thông tin đã tiếp nhận 7 bệnh nhân, nhỏ nhất 8 tháng tuổi, lớn nhất là 10 tuổi. Về mặt lâm sàng, các bệnh nhân ổn định, đang thở oxy dòng cao. Tuy nhiên, tinh thần các bé không ổn định, hoảng sợ. Trong số 7 bệnh nhi, một trường hợp 2 tuổi ngoài bị ngạt khí, còn có tổn thương phần mềm tại chân.
Theo đại diện trung tâm Chống độc, trung tâm tiếp nhận 7 nạn nhân. Trong đó, một bệnh nhân ngộ độc CO mức độ nặng, tổn thương đường hô hấp, nghi ngờ tổn thương phổi. Sau khi cấp cứu, tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, nhưng vẫn tiên lượng nặng. Sáu ca còn lại đang được điều trị tích cực.
Đặc biệt, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Cố vấn Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thời điểm nhập viện, các bệnh nhân đen toàn bộ mặt mũi tay chân, tổn thương phổi chưa nhiều, tuy nhiên không loại trừ có thể diễn biến nặng hơn. Bác sĩ Chi cho biết: "Trong 24 giờ tới, các bệnh nhân cần được theo dõi sát sao vì nguy cơ trở nặng".
Sáng 13/9, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đã tới thăm các nạn nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ông cũng cho biết trong sáng nay sẽ thành lập một tổ công tác đặc biệt để điều trị cho các nạn nhân trong vụ cháy tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo ông Khuê, trong số các nạn nhân vụ cháy được đưa vào bệnh viện điều trị, có cháu nhỏ tuổi nhất là 8 tháng tuổi, người cao tuổi nhất là 81.
Hiện tại, 3 bệnh nhân đang nguy kịch được điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh nhân này đều bị ngộ độc khí CO nặng. Vì vậy, tổ công tác sẽ phối hợp điều trị cho các nạn nhân, hạn chế tối đa tử vong. Trước mắt, ông Khuê đã chỉ đạo chưa thu kinh phí của các nạn nhân, tập trung cứu chữa trước.
Vị lãnh đạo này cũng đánh giá việc cấp cứu ban đầu, phân loại người bệnh, điều trị đúng quy định của Bộ Y tế về mô hình cấp cứu thảm họa cháy. Ông cũng nhấn mạnh các bác sĩ cần lưu ý các vấn đề sau thảm họa, đặc biệt là tinh thần cho người bệnh.