Bác sĩ Phan Đức Hồng đã phẫu thuật nâng ngực cho một phụ nữ 30 tuổi tại nhà riêng ở TP.HCM. Để giảm chi phí, bệnh nhân được gây tê và không thực hiện phẫu thuật tại bệnh viện.
Ngày 10/5, Tòa án nhân dân quận Bình Tân (TP.HCM) mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Đức Hồng (bác sĩ nghỉ hưu) về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, thuộc trường hợp làm chết người theo điểm a khoản 1 Điều 315 Bộ luật hình sự. Nạn nhân là chị N.T.L.T, sinh năm 1991.
Bác sĩ nghỉ hưu, phẫu thuật không phép
Tại phiên tòa, ông Hồng cho biết mình là bác sĩ chuyên ngành ngoại sản, từng giữ chức vụ Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông thời điểm năm 2003. Sau khi đến TP.HCM, ông học và có thêm bằng chuyên khoa định hướng thẩm mỹ do trường Đại học Y Dược TP.HCM cấp.
Tuy nhiên, theo cáo trạng, Phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM xác định bác sĩ Hồng chưa được Sở Y tế phê duyệt cho phép thực hiện kỹ thuật liên quan đến chuyên khoa thẩm mỹ. Địa chỉ nhà ông Hồng (nơi thực hiện phẫu thuật cho chị T.) không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh do cơ quan chức năng cấp.
Tháng 7/2011, bác sĩ Hồng có tham gia tập huấn “Căn bản về nâng ngực thẩm mỹ” tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, giấy chứng nhận này không có giá trị chứng nhận học viên được trực tiếp thực hiện phẫu thuật nâng ngực.
Tại phiên tòa, ông Hồng khai, lần đầu tiên chị T. gặp ông tại một bệnh viện quận và xin số điện thoại. Nửa năm sau, chị gọi điện muốn phẫu thuật ngực và vùng kín, ông Hồng báo giá 74 triệu đồng.
Nhiều tháng sau, chị T. liên hệ lại và muốn phẫu thuật nhưng chi phí chỉ có khoảng 50 triệu đồng. Để giảm tiền, chị T. đề nghị được gây tê (thay vì gây mê), đồng thời không phẫu thuật ở bệnh viện.
Cũng theo ông Hồng, thời điểm tháng 7/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông chưa triển khai được hoạt động thẩm mỹ tại cơ sở quận 1 nên chuyển toàn bộ trang thiết bị, dụng cụ, thuốc men về nhà tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.
Hơn 7h ngày 3/7/2021, chị T. đến nhà ông Hồng để phẫu thuật, đóng trước 12 triệu đồng. Chị T. vệ sinh cơ thể, đo huyết áp, nhịp tim…, uống 2 viên xelusen và clorapheramin và được đưa sang phòng phẫu thuật. Bác sĩ Hồng gây tê tại chỗ và vẽ định vị mốc phẫu thuật trên ngực chị T. Ông phổ biến các nguy cơ có thể xảy khi phẫu thuật và dặn “khi phẫu thuật, nếu thấy khó chịu phải nói”.
Quá trình thao tác bên ngực phải, chị T. nói “vẫn chịu được”. Khi rạch da sang ngực trái, chị kêu đau, ông Hồng dừng tay và đo huyết áp, thấy chị có biểu hiện suy hô hấp, tím tái. Nghĩ bệnh nhân bị sốc phản vệ nên ông Hồng truyền bù dịch, thở oxy, hút đờm dãi, đặt ống nội khí quản và bóp bóng.
Khoảng 2 phút sau, bệnh nhân có dấu hiệu suy tim nên ông Hồng tiêm adrenalin nhưng tim ngừng đập sau đó. Ông tiếp tục tiêm thuốc, xoa bóp ngoài lồng ngực nhưng không hiệu quả, bệnh nhân tử vong.
Đưa thi thể về quê, nhờ trại hòm khâm liệm
Ông Hồng khai trước tòa, con gái ông là P.T.H.H nghe tiếng rơi đồ loảng xoảng nên vào phòng phẫu thuật. Ông nhờ con gái mặc đồ cho chị T., kiểm tra điện thoại và tìm được số của bà Đ. (mẹ bệnh nhân). Ông Hồng gọi điện cho bà Đ. nhưng không nói rõ sự việc, chỉ hỏi địa chỉ nhà và muốn xuống gặp.
Tại tòa, ông Hồng khai lý do muốn gặp trực tiếp bà Đ. là để giải thích và khắc phục hậu quả. Người mẹ gọi điện lại, muốn gặp chị T. nhưng ông cúp máy.
Sau khi biết nhà bà Đ. ở Trà Vinh, ông Hồng lấy ô tô chở thi thể chị T. từ TP.HCM về quê. Tuy nhiên, do không biết địa chỉ chính xác nên đến tối, ông ghé một trại hòm ở Trà Vinh và đặt cọc 2 triệu, nhờ khâm liệm giúp nếu không tìm được nhà. Khoảng 21h cùng ngày, ông Hồng lái xe quay lại trại hòm. 10 phút sau, công an có mặt.
Tại phiên tòa sáng nay, hội đồng xét xử đặt câu hỏi, ngay khi chị T. kêu đau và có biểu hiện suy tim, tại sao bị cáo không gọi cấp cứu để chuyển đến bệnh viện, vì Bệnh viện quận Bình Tân ở gần nhà. Bị cáo Hồng cúi mặt trả lời: "Bị cáo sai".
Theo bà Đ., mẹ của chị T., chị lấy chồng và có 2 con. Thời điểm người phụ nữ này qua đời, bé nhỏ chỉ mới 19 tháng tuổi và gửi ở bà ngoại. Vợ chồng chị T. thuê trọ trên TP.HCM kiếm sống. Hàng tháng, chị vẫn đưa mẹ từ quê lên thành phố khám bệnh xương khớp. Ở phiên tòa sáng nay, bà Đ. đã hai lần xin được ra ngoài nghỉ ngơi do chân quá đau nhức. “Nó là đứa khá nhất trong gia đình, con cái thì nhỏ dại. Vậy mà,…”, bà Đ. nghẹn ngào chia sẻ.
Cáo trạng xác định ông Phan Đức Hồng không có giấy phép hoạt động và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM nhưng đã tiến hành phẫu thuật nâng ngực và âm đạo cho chị N.T.L.T khiến người phụ nữ này tử vong trong quá trình phẫu thuật.
Đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù với bị cáo Phan Đức Hồng. Hội đồng xét xử nghị án và đưa ra phán quyết vào ngày 15/5.
Tử vong khi phẫu thuật nâng ngực và vùng kín
Theo cáo trạng, ngày 3/7/2021, chị N.T.L.T đến nhà bác sĩ Hồng tại quận Bình Tân (TP.HCM) để phẫu thuật thẩm mỹ vùng ngực và làm đẹp vùng kín.
Trong lúc phẫu thuật ngực, chị kêu đau và có biểu hiện suy hô hấp, mặt tím tái. Bác sĩ Hồng tiến hành hồi sức tích cực, cho thở oxy, dùng máy hút đờm dãi và gọi con gái P.T.H.H vào bóp bóng thở. Chị T. tử vong sau đó.
Bác sĩ Hồng cùng con gái lấy ô tô chở thi thể chị T. về Trà Vinh bàn giao cho gia đình an táng. Đến Trà Vinh, ông Hồng đưa thi thể nạn nhân đến trại hòm nhờ khâm liệm. Chủ trại hòm thấy bất thường nên đã trình báo công an.
Ngoài số tiền bồi thường trên, bị cáo Phan Đức Hồng, bác sĩ khiến cô gái 30 tuổi tử vong khi nâng ngực tại nhà riêng, đã bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
Thấy anh trai chui vào giếng sâu để vệ sinh nhưng lâu chưa thấy lên, hai em lần lượt trèo xuống cứu, phát hiện người đàn ông này đã tử vong. Đồng thời, hai người em cũng bị khó thở, choáng váng.