Trên báo chí, mạng xã hội mấy ngày nay tràn ngập hình ảnh cô P.T.H - giáo viên bộ môn Âm nhạc, Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) - bị hàng chục học sinh dồn vào góc tường, chửi bới, ném dép ngay ở lớp học.
Hành vi của những học trò tuổi 12, tuổi 13 khiến nhiều người bàng hoàng, phẫn nộ. Tôi hiểu chúng ta đang rất sốc. Chậm giải quyết một cách nghiêm khắc “ngưỡng đau” này của giáo dục, hệ lụy khôn lường!
Trong những clip đó, phía sau sự hỗn loạn, tiếng la hét… tôi thấy sự cô đơn đến cùng cực của cô giáo. Cô nhặt những mẩu giấy, chiếc dép… học sinh ném về phía mình một cách bất lực. Xuyên suốt sự việc, cô giáo đã quá cô đơn trên bục giảng và ngay chính bên trong ngôi trường của mình. Các tình huống đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cô.
Trước đó, tháng 11/2023, cô H. nhận kỷ luật cảnh cáo với lý do vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh. Ít ngày sau (29/11) xảy ra sự việc đau lòng, cô H., lúc đang lên lớp, bị học trò xúc phạm.
Kỷ luật giáo viên, liên quan đến học sinh, những biện pháp của nhà trường hỗ trợ cho cô H. là gì? Làm sao giúp cô tự tin và học trò ngay ngắn trong giờ cô lên lớp? Lãnh đạo Trường THCS Văn Phú có lường hết tình huống xấu có thể xảy ra đối với cô H. để phòng, chống hay không? Tổ, nhóm (chuyên môn), công đoàn… đã làm gì để cô H. vượt qua khó khăn, mặc cảm sau kỷ luật cảnh cáo?
Trước hành vi manh động của học sinh, cô H. chỉ biết dùng điện thoại ghi hình, như một biện pháp chống đỡ, không thấy cô gọi cho đồng nghiệp, hay báo cáo cho lãnh đạo nhà trường để kịp thời cùng cô ứng phó. Sự đơn độc của cô H. - phải chăng vì biết vậy nên học trò càng hung hăng, bạo lực với cô giáo?
Điều đáng nói đây không phải lần đầu tiên người thầy phải chịu sự ấm ức này…
Một số vụ việc xảy ra gần đây trong trường học – thật đáng buồn nhưng chúng ta bắt buộc phải nhìn lại. Ngày 28/2/2018, tại Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, Long An), biết hình phạt học sinh quỳ gối là sai, cô giáo đã xin lỗi phụ huynh. Tuy nhiên, các phụ huynh vẫn gây áp lực, buộc cô giáo phải quỳ gối trước sự chứng kiến của một số giáo viên khác.
Chiều 31/10/2022, một phụ huynh xách dao vào Trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) dọa chém hiệu trưởng và giáo viên… Và tôi – nguyên hiệu trưởng một trường THPT, cũng từng phải giải quyết vụ một nam sinh lớp 11, trong giờ học, lớn tiếng với cô giáo: “Mày ngồi xuống đây, bố mày nói chuyện với mày”.
Tùy tính chất, mỗi hành vi trên đã được xử lý nhưng thuốc chưa đủ đắng nên phải chăng hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo ngày càng đi quá xa, tựa kíp thuốc nổ làm hại thành trì giáo dục được ví là “ngôi đền thiêng”.
Những học sinh có hành vi trên đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, tinh thần, sức khỏe không chỉ của cô giáo H., còn gây tổn hại uy tín của giáo giới cả nước nói chung. Đây là hành vi - dù với bất kỳ lý do gì - hoàn toàn không thể chấp nhận.
Tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020, Ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, khoản 1, điều 37, các hành vi học sinh không được làm, quy định: “Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác”.
Theo Thông tư 08/TT ngày 21-3-1988, hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông, tại mục III (Hình thức thi hành kỷ luật), Khoản 5 (Đuổi học 1 năm), áp dụng cho đối tượng học sinh “Mắc khuyết điểm sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song hành động sai phạm này là có ý thức và chủ động, gây nên những tác hại rất lớn…”.
Nổi cộm nhiều năm qua là lạm thu, dạy thêm học thêm tràn lan, đạo đức nhà giáo xuống cấp. Có thể bởi vậy, hình ảnh thầy cô cũng ít nhiều nhạt nhòa trong phụ huynh, học sinh. Niềm tin vào thầy cô là đặc thù của dạy học, khi “tài sản cao quý” đó bị lấy mất, câu chuyện này là tại anh hay tại ả?
Hãy nhìn thẳng vào bức tranh giáo dục hiện nay để có quyết sách, theo triết lý giáo dục: “Thầy ra thầy, trò ra trò; dạy ra dạy, học ra học” và trước đó, phải giữ được cốt cách người làm giáo dục, với phụ huynh là “muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”, là “lương sư hưng quốc”.
Nhà giáo - trung tâm của giáo dục - họ cần được tôi luyện từ trường sư phạm chuẩn mực. Đào tạo người thầy dạy dỗ hàng trăm, hàng nghìn con người trẻ, nếu chạy theo chỉ tiêu mà nhẹ huấn luyện kỹ năng, mà xơ cứng dạy kiến thức, mà lãng quên hun đúc truyền thống cao quý khi về trường, họ không khác gì những “thợ dạy”.
Cần nâng cao chất lượng các môn học trong trường sư phạm như: Giáo học pháp, tâm lý học dạy học, tâm lý học giáo dục, tâm lý học lứa tuổi, siết chặt quá trình kiến tập, thực tập…
Tại các trường cần đào tạo, đào tạo lại số giáo viên thực chất song song với quá trình trui rèn của thầy cô. Nếu chúng ta xem nhẹ, thực hiện hời hợt, thậm chí “dăm, ba” chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm kiểu mở lớp thu tiền, kịch bản Trường THCS Văn Phú tương tự chắc chắn còn xảy ra. Đau lắm, nhưng không thể không viết ra!
Liên quan đến vụ việc, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo xác minh, làm rõ. Đây là động tác cần thiết.
Nhà giáo chúng tôi mong những điều chỉnh, thay đổi ở cấp vĩ mô của Bộ GD-ĐT tới đây (trực tiếp hoặc tham mưu, phối hợp Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể ban hành) sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục, cấp ủy, chính quyền tỉnh/thành phố trong cả nước thực hiện nhanh chóng, dứt khoát, bền vững, đồng bộ nhằm xây dựng trường học kỷ cương - tình thương - trách nhiệm.
Yếu tố hàng đầu, quyết định, chi phối hoạt động dạy học, giáo dục là kỷ cương. Phân định rõ, đâu là trách nhiệm của nhà giáo, nhà trường, phụ huynh, học sinh, cộng đồng với chế tài đủ mạnh. Nhà giáo an tâm đứng lớp vì biết họ luôn được pháp luật và ngành giáo dục bảo vệ tuyệt đối!
Dạy con em mình, phụ huynh cũng phải chia sẻ trách nhiệm với nhà trường. Hãy bắt đầu với trẻ bằng ước mơ, cần lắm sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt qua sách báo, âm nhạc, phim ảnh, mạng xã hội.
Ngành giáo dục cũng cần nhanh chóng thiết kế chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh gọn, tăng cường dạy kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, ứng dụng công nghệ thông tin. Từ lớp 1 đến lớp 8 bỏ đánh giá bằng điểm số, thay vào đó là nhận xét, hỗ trợ, tư vấn cho các em, góp phần đào tạo lớp thanh thiếu niên khỏe về thể chất, sống trung thực, trách nhiệm, lương thiện, tích cực, năng động.
Để rồi cô giáo không còn đơn độc cùng chiếc điện thoại và những học trò không còn vượt giới hạn của truyền thống tôn sư trọng đạo. Trường THCS Văn Phú cần bình tâm nhìn lại, vun trồng lễ nghĩa học đường, dẫu muộn, song là cơ hội tốt nhất cuối cùng!