Để đáp ứng nhu cầu này, lục quân Anh vừa sử dụng các loại vũ khí hiện có vừa phát triển một số loại vũ khí mới, cùng với đó là các giải pháp về chỉ huy, điều khiển.
Các loại vũ khí hiện có
Lục quân Anh rất tự hào về vũ khí tầm xa của họ, trong đó chủ yếu có pháo tự hành 155mm AS90 và pháo hạng nhẹ 105mm, đều của hãng BAE Systems; hệ thống rocket bắn loạt (MLRS) của Lockheed Martin có thể đánh trúng mục tiêu cách 32-80km khi sử dụng đạn rocket và tới 500km khi sử dụng tên lửa. Đây chính là loại MLRS được Anh cung cấp cho Ukraine.
Hỗ trợ các loại vũ khí này là hệ thống trinh sát và theo dõi mục tiêu (STA), hệ thống radar phản pháo, thiết bị gây nhiễu GPS và thiết bị không người lái điều khiển bằng ăng-ten có tên Phượng Hoàng của hãng BAE Systems.
Các loại vũ khí đang phát triển
Pháo có độ chính xác cao (IFPA)
Do BAE Systems phát triển, IFPA là sự kết hợp giữa pháo và bệ phóng rocket để phóng cùng lúc các loại đạn pháo và đạn rocket, kết hợp khả năng của pháo tự hành AS90 và hệ thống MLRS. Loại pháo này có thể tiêu diệt mục tiêu mặt đất cách xa 100-200km, cả động và tĩnh, thô sơ và kiên cố bằng hỏa lực gián tiếp trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, thời gian.
Hỗ trợ cho IFPA, các thiết bị STA và các hệ thống thông tin liên lạc sẽ được kết nối với hệ thống radar phản pháo mới COBRA, máy bay trinh sát radar mặt đất ASTOR, UAV Watchkeeper...
Pháo nòng dài đạn thường (TACAS)
Được nhà máy RO Defence thuộc hãng BAE Systems cải tiến từ pháo nòng dài hiện nay, loại pháo 155mm mới này có cự ly xa hơn, có thể kiềm chế và tiêu diệt mục tiêu đối phương nhằm yểm trợ các đơn vị triển khai đội hình chiến đấu tiến công. Đặc biệt, đạn dùng cho pháo TACAS là loại đa năng, độ tản mát thấp, có ngòi nổ điều chỉnh hướng và rất dễ dàng trong việc cung cấp.
Hệ thống MLRS mới
Gắn chặt với pháo TACAS là hệ thống rocket phóng loạt loại mới. Đây là một sản phẩm liên kết giữa 5 nước Anh, Pháp, Đức, Italia và Mỹ, với tầm hoạt động của đạn rocket từ 32km tăng lên 60km, đồng thời tăng khả năng trợ giúp từ hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Bằng việc nâng cao độ chính xác khi bắn, số đạn rocket cần thiết để tiêu diệt mục tiêu chỉ định sẽ giảm đáng kể so với hiện nay.
Pháo cơ động hạng nhẹ (LIMAWS)
Qua thực tiễn chiến tranh những năm gần đây, lục quân Anh cho rằng phải phát triển loại pháo có khả năng triển khai nhanh, vì vậy họ quyết định thực hiện chương trình phát triển pháo lựu hạng nhẹ (LIMAWS). Đây là sản phẩm kết hợp giữa pháo hạng nhẹ 105mm, 155mm và rocket. Chương trình có liên hệ chặt chẽ với chương trình phát triển vũ khí tiêu diệt nhanh lắp trên xe bọc thép hạng nhẹ dành cho lực lượng phản ứng nhanh của Anh.
Hệ thống pháo tự hành hạng nhẹ LIMAWS được chuyên chở tới nơi xảy ra chiến sự bằng máy bay vận tải hạng nặng C-130 hay A-400M để phát huy hoả lực. Thời gian đầu, radar ARTHUR của hãng Ericson sẽ được lục quân Anh đưa vào sử dụng trong lực lượng cơ động hạng nhẹ. Sau đó, ARTHUR sẽ dần được thay bởi hệ thống trinh sát và theo dõi mục tiêu đầy đủ để hỗ trợ cho hoạt động của LIMAWS.
Chỉ huy, điều khiển
Trung tâm của quá trình tăng cường khả năng hoả lực cho lục quân Anh là hệ thống chỉ huy chiến đấu tập trung theo mạng. Hệ thống này sử dụng đài vô tuyến điện kĩ thuật số Bowman. Theo đó, một số phần mềm và hệ thống thông tin liên lạc chiến trường (BISA) cho phép thông tin được truyền trực tiếp qua đài Bowman đang được lắp đặt và sử dụng.
Một BISA yểm trợ hoả lực trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng cũng sẽ được đưa vào sử dụng. BISA này cho phép hoả lực không quân và hải quân yểm trợ nhau, nhằm tạo ra một thế trận hiệp đồng quân binh chủng liên hoàn.
Để phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống hoả lực trong một thế trận hợp đồng quân binh chủng, lục quân Anh còn nỗ lực xây dựng phòng thí nghiệm chiến trường. Các thử nghiệm đang được tiến hành nhằm tạo ra các modem truyền dữ liệu cải tiến, cho phép truyền đi nhanh chóng thông tin thời gian thực về các mục tiêu đến chiến đấu cơ và máy bay trực thăng chiến đấu.
Nguyên Phong
>> Xem tin quân sự trên báo VietNamNet