

Trung Quốc đã áp đặt lệnh kiểm soát xuất khẩu một loạt các loại khoáng sản đất hiếm và nam châm quan trọng, giáng một đòn mạnh vào Mỹ. Động thái này cho thấy mức độ phụ thuộc của Mỹ vào các loại khoáng sản hiếm.
Tuần này, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Bộ Thương mại Mỹ tìm cách thúc đẩy sản xuất các loại khoáng sản quan trọng, cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, tại sao đất hiếm lại quan trọng như vậy và chúng có thể ảnh hưởng ra sao tới cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc?
Tầm quan trọng của đất hiếm
Theo BBC, đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học tương tự nhau và đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao. Dù hầu hết đều có nhiều trong tự nhiên nhưng chúng được gọi là "hiếm" vì rất hiếm khi tìm thấy chúng ở dạng tinh khiết và việc khai thác rất nguy hiểm.
Dù mọi người có thể không biết nhiều về tên gọi của các loại đất hiếm như Neodymium, Yttrium và Europium nhưng các sản phẩm sử dụng chúng lại khá quen thuộc.
Ví dụ, Neodymium được dùng để tạo ra nam châm mạnh, được sử dụng để sản xuất loa phóng thanh, ổ cứng máy tính, động cơ xe điện và động cơ phản lực. Yttrium và Europium được dùng để chế tạo màn hình tivi và máy tính vì cách chúng hiển thị màu sắc. Đất hiếm cũng rất quan trọng đối với công nghệ y tế và quốc phòng.
Trung Quốc gần như độc quyền về đất hiếm
Trung Quốc gần như độc quyền trong khai thác cũng như tinh chế đất hiếm. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nước này chiếm khoảng 61% sản lượng đất hiếm của thế giới và 92% quá trình xử lý. Điều đó có nghĩa, Trung Quốc hiện thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm và có khả năng quyết định công ty nào có thể hay không thể nhận nguồn cung cấp đất hiếm.
Theo các chuyên gia, cả khai thác và xử lý các loại đất hiếm đều tốn kém và gây ô nhiễm. Đất hiếm có chứa nguyên tố phóng xạ, do đó nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Liên minh châu Âu (EU) không muốn xử lý chúng.
Sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm không diễn ra trong một sớm một chiều, mà là kết quả của nhiều thập niên triển khai chính sách chiến lược và đầu tư của chính phủ nước này. Trong chuyến thăm Nội Mông năm 1992, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói một câu nổi tiếng: "Trung Đông có dầu và Trung Quốc có đất hiếm".
Gavin Harper, nhà nghiên cứu vật liệu quan trọng tại Đại học Birmingham (Anh) cho hay: "Bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, Trung Quốc đã ưu tiên phát triển năng lực khai thác và tinh chế đất hiếm với tiêu chuẩn về môi trường và chi phí lao động thấp hơn các quốc gia khác. Điều này cho phép Trung Quốc có ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh toàn cầu và xây dựng vị thế gần như độc quyền trên toàn bộ chuỗi giá trị, từ khai thác và tinh chế tới sản xuất các sản phẩm hoàn thiện như nam châm".
Đòn giáng vào Mỹ
Để đáp trả mức thuế 245% do chính quyền Trump áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, đầu tháng này Bắc Kinh đã bắt đầu ra lệnh hạn chế xuất khẩu 7 loại khoáng sản đất hiếm, hầu hết được gọi là đất hiếm "nặng" vốn giữ vai trò quan trọng đối với ngành quốc phòng.
Đất hiếm nặng ít phổ biến và khó xử lý hơn đất hiếm nhẹ, nên chúng có giá trị hơn. Kể từ ngày 4/4, tất cả các công ty ở Trung Quốc đều phải xin giấy phép xuất khẩu đặc biệt để có thể mang đất hiếm và nam châm khỏi đất nước. Bắc Kinh viện dẫn lý do là một trong các bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc phải kiểm soát việc buôn bán các sản phẩm lưỡng dụng.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), điều này khiến Mỹ dễ bị tổn thương, vì ngoài Trung Quốc không có nơi nào tinh chế đất hiếm nặng. Một báo cáo của Cơ quan địa chất Mỹ cho hay, trong thời gian từ 2020 - 2023, Mỹ dựa vào Trung Quốc để nhập khẩu 70% tất cả các hợp chất đất hiếm và kim loại. Điều này đồng nghĩa, việc lệnh hạn chế của Trung Quốc có thể khiến Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đất hiếm nặng được sử dụng trong sản xuất tên lửa, radar và nam châm vĩnh cửu. CSIS lưu ý, việc sản xuất máy bay phản lực F-35, tên lửa Tomahawk và máy bay không người lái Predator đều phụ thuộc vào đất hiếm.
Nếu thiếu hụt đất hiếm trong một thời gian dài, Mỹ sẽ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng năng lực trong nước cũng như năng lực tinh chế, dù việc này sẽ đòi hỏi sự đầu tư cao hơn so với việc phụ thuộc vào Trung Quốc. Rõ ràng là Tổng thống Trump đã nghĩ tới điều này và đó là lý do tại sao ông để mắt tới đảo Greenland của Đan Mạch, nơi có trữ lượng đất hiếm khá lớn, cũng như muốn ký thỏa thuận khoáng sản với Ukraine.


Trung Quốc cảnh báo Mỹ về hậu quả thương chiến, hối thúc đàm phán

Thương chiến Mỹ - Trung làm chuỗi giá trị toàn cầu thiệt hại 3-5 năm tăng trưởng
Những cú sốc do cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra đã làm các chuỗi giá trị toàn cầu thiệt hại tương đương với 3 – 5 năm tăng trưởng tại hàng loạt quốc gia.